Đà Nẵng trợ giá xe buýt cho người có thu nhập thấp

TP sẽ hỗ trợ giảm 40% giá vé đối với người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người nghèo. Đối với người có công, người khuyết tật, người già được miễn phí hoàn toàn...

Ngày 7/5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chủ trì cuộc họp cùng với các sở, ban, ngành nghe đại diện cho nhóm các nhà tư vấn thiết kế báo cáo lần cuối về quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt giai đoạn 2012 – 2020 và báo cáo nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh (BRT) TP Đà Nẵng của Cty CP Phát triển Đô thị bền vững (SUD). Đây là một trong những hợp phần chính thuộc Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng do Ngân hàng Thế Giới (WB) cho vay vốn ưu đãi đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng nhóm nghiên cứu SUD: qua khảo sát thực tế, dự báo trong thời gian đến, nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trung tâm của TP Đà Nẵng là rất lớn.

Sự lựa chọn phù hợp

Báo cáo của nhóm nghiên cứu SUD cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020 sẽ bắt đầu xuất hiện những vấn đề ách tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường do bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh đó, vận tải công cộng hiện nay rất yếu kém. Do vậy, cần thiết phải đầu tư, nâng cấp hệ thống VTHKCC và hệ thống BRT là sự lựa chọn phù hợp với đô thị Đà Nẵng. Đây cũng là loại hình giao thông công cộng đô thị hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều đô thị lớn và hiện đại trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Trường cho biết, hiện tại Đà Nẵng có 5 tuyến xe buýt, trong đó chỉ có 1 tuyến nội đô; sử dụng phương tiện 24 chỗ ngồi + 26 chỗ đứng; số lượng tuyến, mức độ phủ tuyến thấp; nhiều đơn vị vận hành chung trên một tuyến đường; chưa được quản lý chặt chẽ; chất lượng dịch vụ chưa cao...

Đà Nẵng trợ giá xe buýt cho người có thu nhập thấp - 1

Phối cảnh trạm dừng BRT trên đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng

Trên cơ sở nghiên cứu các đồ án quy hoạch, trong đó, có quy hoạch phát triển ngành GTVT TP và qua khảo sát thực tế, SUD đề xuất phát triển VTHKCC bằng xe buýt và BRT TP Đà Nẵng với các nội dung chính: điều chỉnh, sắp xếp lại lộ trình đường đi, bãi đỗ và nâng cấp 5 tuyến xe buýt hiện tại; mở 2 tuyến BRT với 58 xe buýt nhanh; mở 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn hoạt động theo BRT với 371 đầu xe và mở 14 tuyến xe buýt thông thường. Trong đó, 2 tuyến BRT gồm: Tuyến số 1, lộ trình theo hướng từ KCN Hòa Khánh - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa - Trường Cao đẳng Việt - Hàn và ngược lại chiều dài tuyến này 23,7 km với các trạm dừng đón trả khách trên tuyến và 2 nhà ga tại đầu tuyến, cuối tuyến; tuyến số 2 từ cầu Sông Hàn – cầu Hòa Xuân – đường Trần Đại Nghĩa dài 19,7km.

Sẽ cải tạo 5 tuyến cũ trong năm nay

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong năm 2013 sẽ cải tạo 5 tuyến cũ và triển khai một số tuyến mới đi qua trung tâm hành chính thành phố, một số trường học, một số điểm tập trung khu dân cư đông và phương tiện xe buýt 40 – 50 chỗ phù hợp với đường sá hiện tại. Cuối năm nay, Sở GTVT đưa vào đấu thầu chuyến, tuyến VTHKCC.

Cũng theo ông Dũng, lộ trình hướng tuyến BRT: BRT được ưu tiên chạy riêng tại các đoạn tuyến có mặt cắt ngang lớn (>48m) như tuyến đường Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến và Trần Đại Nghĩa và có bề rộng 3,5m, các đoạn đường còn lại phải sử dụng hỗn hợp với các phương tiện khác. Các vị trí nhà ga đón khách được bố trí trên dải phân cách giữa, trên 1 làn đường nằm hai bên dải phân cách và các phương tiện giao thông hỗn hợp khác không được đi vào. Tại các điểm dừng sẽ có các phương án tiếp cận sang đường an toàn cho người đi bộ, có thể sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ hoặc ở những nút giao thông có lưu lượng lớn có thể sẽ làm cầu vượt cho người đi bộ.

Riêng tại các nút giao thông chính; đoàn phương tiện của BRT gồm 81 xe đạt tiêu chuẩn Euro 4 hoặc Euro 5, sử dụng loại xe buýt có chiều dài 12m với công suất chở 80 khách, mở cửa được hai bên với tần suất chạy 4-5 phút/chuyến vào giờ cao điểm; hệ thống quản lý và điều hành BRT thông minh...

Cần phải nhanh chóng triển khai

Sau khi nghe báo cáo của SUD và ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, Chủ tịch Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, vì sự phát triển của TP theo hướng văn minh, hiện đại, trở thành thành phố môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách trong tương lai, cần phải nhanh chóng triển khai VTHKCC và phát triển BRT trên toàn địa bàn TP.

Liên quan đến địa điểm xây dựng các trạm dừng và nhà ga, Chủ tịch Văn Hữu Chiến giao nhiệm vụ cho Sở GTVT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng TP và các đơn vị, địa phương liên quan cùng nhóm các nhà tư vấn thiết kế tiến hành công tác khảo sát hiện trạng sử dụng đất nhằm xác định quy mô diện tích cụ thể của từng địa điểm xây dựng 2 nhà ga đầu và cuối, số lượng các trạm dừng đón và trả khách... Chủ tịch Văn Hữu Chiến cũng lưu ý việc trợ giá cho loại hình VTHKCC bằng xe buýt và xe buýt nhanh, trợ giá phải đảm bảo công bằng và phúc lợi xã hội, chỉ trợ giá cho hành khách, không trợ giá cho doanh nghiệp vận hành xe buýt. TP sẽ hỗ trợ giảm 40% giá vé đối với người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người nghèo. Đối với người có công, người khuyết tật, người già được miễn phí hoàn toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN