Chung cư: “Đất sống” của đạo chích?

Dù có bảo vệ, người dân luôn cảnh giác trong việc quản lý, bảo vệ tài sản của mình, nhưng kẻ gian vẫn tìm mọi cách đột nhập trộm cắp - đó là thực trạng nhức nhối đã và đang diễn ra tại các khu chung cư (KCC) trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian gần đây, nhất là các KCC dành cho cán bộ.

Trong khi đó, nhiều gia đình bị hại không trình báo với cơ quan CA nên công tác phối hợp điều tra, xác minh, tìm đối tượng phạm tội còn lắm cam go…

Trộm lộng hành


Những năm gần đây, TP Đà Nẵng có cả trăm KCC đã đưa vào sử dụng, trong đó phần đa tập trung trên địa bàn Q. Sơn Trà. Lợi dụng thời gian đầu hoạt động, nhiều KCC chưa thành lập tổ dân phố, lực lượng bảo vệ chưa đầy đủ và sự sơ hở của người dân, tội phạm đã liên tục đột nhập trộm cắp tài sản. Thậm chí, nhiều khu có bảo vệ, người dân có ý thức cảnh giác, nhưng không vì thế mà bọn tội phạm chùn bước, vẫn tìm cách gây án khiến người dân thắc thỏm lo âu. 2 KCC dành cho cán bộ công chức 3A và 3B, Nại Hiên Đông, Sơn Trà mới đưa vào sử dụng được khoảng nửa năm, nhưng đã có cả chục hộ bị đạo chích đột nhập. Cách đây nửa tháng, biết gia đình anh H., tầng 4 khu nhà 3B đi làm cả ngày, kẻ gian cạy phá khóa vào nhà lấy vàng và tiền trị giá hơn 10 triệu đồng. Sự việc xảy ra, nhiều căn hộ cùng tầng đã thay hàng loạt ổ khóa lớn, chắc chắn hơn, thậm chí dùng hai ổ khóa đề phòng trộm. Cũng khu nhà này, trung tuần tháng 4-2012, “đạo chích” viếng thăm căn hộ tầng 5 của gia đình anh V. giữa ban ngày. Sau khi lục khắp các ngăn tủ, rương đựng đồ không tìm được tài sản gì đáng giá, chúng “bợ” sạch số mỹ phẩm của vợ anh V.

Nói về thủ đoạn và sự tinh vi của bọn đạo chích phải nhắc tới vụ trộm tại hộ chị Tr., hàng xóm với anh V. ở tầng 5 khu 3B, xảy ra ngày 25-4. “Trưa hôm đó tôi đi làm về, cơm nước xong, khóa cửa nằm nghỉ. Chừng 13 giờ thức dậy đi làm thì phát hiện chiếc khóa tay vặn (khóa thuê thợ làm thêm ngoài khóa đơn vị thi công nhà chung cư đã làm) bị ai đó nhét vật lạ bịt kín lỗ chìa khóa. Đang vội đi làm, và nghĩ rằng có lẽ trẻ em nghịch ngợm nên tôi dùng khóa ổ khóa tạm, rồi về sửa sau. Ai ngờ rằng việc làm này chính là “đạo chích” gây ra, với mục đích đột nhập trộm cắp tài sản khi tôi đi làm. Kết cục, buổi chiều đón con về nhà, ổ khóa của tôi đã bị mở, kẻ gian lấy đi chiếc máy tính xách tay trị giá khoảng 15 triệu đồng” - chị Tr. kể lại. Tương tự, cách đây hơn 1 tháng, chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, vợ anh Kh. (ở tầng 4 của khu nhà này) đi chợ, kẻ gian đã kịp phá 2 ổ khóa vào “bợ” 3 ĐTDĐ và 5 triệu đồng.

Chung cư: “Đất sống” của đạo chích? - 1

Trước tình trạng trộm cắp, người dân sống tại các KCC trên địa bàn Đà Nẵng đang rất lo lắng

Không chỉ gia đình anh H., anh V., chị Tr., anh Kh., rất nhiều gia đình khác tại khu 3A và 3B thời gian qua đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi những tài sản giá trị. Trước Tết Nhâm Thìn, gia đình anh Đ. (trú KCC 3B) đã bị kẻ gian phá khóa lấy 1 chỉ vàng, tiền mặt và máy tính xách tay, tổng trị giá gần 30 triệu đồng. Sau vụ trộm này, anh Đ. phải bỏ 700.000 đồng làm thêm một ổ khóa vặn để chống trộm.

Tình trạng trộm cắp đột nhập KCC xảy ra trong thời gian qua đang khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Nửa năm trước, tại tầng 2, nhà A6 KCC Vũng Thùng, sau khi bẻ gãy nhiều song sắt cửa sổ đột nhập nhà giữa đêm, nhưng bị chủ hộ phát hiện, kẻ gian tháo chạy ra ngoài còn đứng lại dằn mặt rằng: Cấm tri hô, nếu không sẽ giết chết. “Tên trộm này về sau đã sa lưới pháp luật và khai nhận đã thực hiện hàng loạt vụ đột nhập các hộ gia đình ở KCC” - một người dân khu nhà A6 cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc đột nhập nhà, bọn đạo chích còn trộm  cả xe máy dựng tại nhà để xe của KCC.

Chung cư: “Đất sống” của đạo chích? - 2

Đề phòng trộm cắp, người dân phải làm thêm ổ khóa vặn

Cần sự góp sức của mỗi người dân

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước tình trạng kẻ gian đột nhập chung cư trộm cắp, để bảo vệ tài sản của mình, người dân đã tự đề phòng bằng cách lắp thêm ổ khóa chắc chắn hơn. Thực tế thì hầu hết các KCC đều có bảo vệ, tuy nhiên tình hình trộm cắp vẫn xảy ra liên tục. Rõ ràng, một bảo vệ cho khu nhà hàng chục căn hộ và hàng trăm nhân khẩu, không thể quán xuyến, theo dõi 24/24 giờ. Có cả ngàn người (người nhà và khách) lui tới mỗi ngày, bảo vệ đâu thể ngồi ở cửa canh hỏi từng người. Thế nên, cứ ai đó bị mất cắp tài sản, các hộ cùng tầng, cùng khu nhà chỉ biết nhờ cậy lẫn nhau phòng tránh. Chị X., chung cư Nại Hiên Làng cá mỗi khi đi làm lại nhờ các cụ bà giúp con cháu trông trẻ ở khu hành lang ngó chừng phòng để yên tâm công việc giờ hành chính của mình. Phần nữa, tội phạm đột nhập chung cư thời gian qua đã xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, qua mặt cả lực lượng bảo vệ và người dân. Cơ quan CA cũng đã xác nhận, từng có chuyện kẻ gian mặc đồ nhân viên sửa điện, nước, hoặc biết tên một ai đó sống trong khu nhà, sau đó vào các tầng lợi dụng sự sơ hở của người dân để trộm cắp.

Chung cư: “Đất sống” của đạo chích? - 3

Dù đã làm thêm khóa nhưng một hộ dân tại KCC Nại Hiên Làng cá vẫn bị kẻ gian đột nhập

Theo trung tá Lê Minh Lý - Đội trưởng Đội CSQLHCVTNXH CAQ Sơn Trà thì hiện trên địa bàn có 45 KCC với 2.007 phòng (8.982 nhân khẩu) đã đưa vào sử dụng. Tình trạng mất trộm tài sản thời gian cuối năm 2011 trở về trước có phức tạp, nhưng từ đầu năm 2012 tới nay chỉ xảy ra vài vụ. Để ổn định tình hình, lãnh đạo CAQ đã mời BQL nhà chung cư, các nhà trưởng, bảo vệ tham gia nhiều cuộc họp, qua đó thành lập được 33 tổ dân phố để tăng cường công tác quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo CA các phường tổ chức các lực lượng khác như BVDP, dân phòng, CSKV tổ chức tuần tra, tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao cảnh giác chống trộm cắp, đảm bảo tình hình ANTT. Đội Hình sự thường xuyên phối hợp với CAP tổ chức tuần tra để ngăn chặn tình trạng trộm cắp. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào QCBVANTQ và nhiều phong trào PCTP cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, vấn nạn trộm cắp tài sản tại các KCC có nhiều chuyển biến.

Sự nỗ lực của lực lượng CA các cấp tại Sơn Trà, địa bàn tập trung nhiều KCC nhất thành phố rất đáng ghi nhận, tuy nhiên với những gì chúng tôi chứng kiến từ thực tế thì tình trạng trộm cắp vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Thực tế, khi được hỏi: Sau khi mất tài sản người dân có báo sự việc với CA? Câu trả lời chúng tôi nhận được là không! Trung tá Lê Minh Lý phân tích: Người dân không báo với cơ quan CA khiến việc phối hợp xác minh, điều tra và khoanh vùng tội phạm và xây dựng phong trào, tuyên truyền pháp luật cho người dân rất khó. “Nơi nào xảy ra mất an ninh, tình hình trộm cắp phức tạp, lực lượng CA sẽ tập trung lực lượng tuần tra, theo dõi. Đằng này người dân mất cắp nhưng không báo sự việc sẽ gây không ít khó khăn cho cơ quan pháp luật. Thời gian tới, chúng tôi mong nhận được mọi thông tin có liên quan đến việc mất ANTT tại tất cả các KCC, qua đó sẽ có biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa” - trung tá Lý nói.

Trước thực trạng trên, ngoài việc tự nâng cao ý thức giữ gìn tài sản của mình thì việc chung tay phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật mỗi khi có sự cố xảy ra là điều nên làm của mỗi người dân đang sống tại các KCC trên địa bàn thành phố. Có thế, vấn nạn trộm cắp mới dần được giải quyết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Hạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN