"Chiêu" tuyển nhân viên về “cày” game online

Một nhóm người Hàn Quốc qua Đà Nẵng đầu tư vốn, mua sắm hàng chục dàn máy tính và mở doanh nghiệp (DN) Ta Ran (thuê người Việt Nam làm chủ DN), sau đó tuyển nhân viên về... chơi game online 24/24 giờ để thu lợi. Hành vi này của DN Ta Ran đã bị lực lượng CATP Đà Nẵng phát hiện.

Vắt sức "game thủ"

Cuối tháng 11-2011, thông qua người quen, Nguyễn Minh Nhật (1988, trú TP Đà Nẵng) được DN Ta Ran (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN gồm các ngành nghề: Xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động dịch vụ CNTT và các dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, vốn đầu tư 300 triệu đồng), có trụ sở tại số 6-Trần Đăng Ninh, P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu tuyển vào làm nhân viên, công việc chính là... chơi game online thuê. Sau 2 tháng thử việc, tháng 1-2012, Nhật được ông Kang Buseok (quốc tịch Hàn Quốc - người đầu tư vốn thành lập DN) đặt vấn đề tuyển dụng vào vị trí giám đốc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Dù mang mác giám đốc nhưng Nhật không được điều hành hoạt động của DN mà chỉ “cày game” thuê và có nhiệm vụ đại diện ký hợp đồng và những giấy tờ liên quan đến thuế. Đến ngày 20-7-2012, DN này mở thêm chi nhánh tại 45-Điện Biên Phủ, Q. Thanh Khê.

"Chiêu" tuyển nhân viên về “cày” game online - 1

Trụ sở DN Ta Ran thuê để làm nơi cho các “game thủ” chơi thuê

Ngoài Nhật, từ khi thành lập đến nay, DN này đã tuyển hàng chục người về làm việc, phần đa là sinh viên các trường CĐ, ĐH. Theo quy định, tất cả những người được tuyển dụng vào sẽ thử việc khoảng 1 tháng, và nếu thể hiện được đẳng cấp “game thủ”, DN sẽ trả lương 3,5 triệu đồng/tháng (không ăn), hoặc 2,5 triệu đồng/tháng (đã bao tiền ăn). Cũng theo quy định, người Hàn Quốc sẽ cung cấp cho mỗi “game thủ” một account (tài khoản) của game Lineage1 kèm theo điều kiện: “Trong một khoảng thời gian nhất định, người chơi game thuê phải nâng cấp độ cho account theo yêu cầu. Khi hết thời hạn và đạt yêu cầu, người chơi phải chuyển lại account cho người Hàn Quốc.

Với hoạt động này, hàng loạt thanh thiếu niên ở Đà Nẵng mê game đã “đầu quân” cho DN Ta Ran, và người nào cũng hào hứng, say mê. Nhưng họ không hiểu được rằng, những hậu mãi của DN này thực chất là đang vắt kiệt công sức lao động, năng khiếu của mình để kiếm lợi.

Ngăn chặn toan tính

Trước những dấu hiệu bất thường của DN Ta Ran, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Đà Nẵng cử CBCS xác minh và 8 giờ 30 ngày 7-8, đã phối hợp với Đội An ninh CAQ Thanh Khê, CAP Chính Gián tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà số 45-Điện Biên Phủ của hộ bà Nguyễn Thành Anh Thuận là chủ sở hữu (nơi DN Ta Ran thuê làm trụ sở). Ngay thời điểm kiểm tra, lực lượng CA phát hiện tại khu tầng 3 mà DN thuê làm việc có 19 “game thủ” đang say sưa trước màn hình, 1 đại diện của DN cùng 4 người Hàn Quốc đang điều hành việc chơi game của các “game thủ”. Hầu hết các “game thủ” mặt mày xanh xao vì mệt mỏi vì phải “cày” 24/24 giờ trên game online.

"Chiêu" tuyển nhân viên về “cày” game online - 2

Dàn máy tính DN Ta Ran đầu tư để tuyển “game thủ” về chơi game

Sau khi kiểm tra giấy phép kinh doanh và đánh giá sự việc, lực lượng CA đã niêm phong khu làm việc của DN để tiếp tục điều tra. Riêng 4 người Hàn Quốc, qua xác minh thì từ ngày 20-7 đến nay, sau khi chủ nhà giao nhà cho số người này vào ở, điều hành hoạt động của DN chưa khai báo tạm trú tạm vắng, nên tiến hành lập biên bản vi phạm đối với chủ hộ, đồng thời mời những người có liên quan viết tường trình sự việc.

"Chiêu" tuyển nhân viên về “cày” game online - 3

Hình ảnh “game thủ” đang chơi thuê cho DN Ta Ran

Như trình bày của các “game thủ” thì có người biết thông tin tuyển người qua mạng, cũng có người được người thân giới thiệu nên tìm đến DN xin “đầu quân”. Mức lương thì DN đã quy định sẵn, sau thời gian thử việc được hưởng 3,5 triệu đồng/tháng (chưa bao ăn), hoặc 2,5 triệu (đã tính tiền ăn). Về thời gian, DN chia 2 ca (ca 1 từ 7 giờ đến 19 giờ, ca 2 từ 19 giờ tới 7 giờ hôm sau). Theo đó, một ngày mỗi “game thủ” chơi game 1 ca, còn người có sức vẫn có thể đề xuất với đại diện DN cho tăng ca, tức chơi 24/24 giờ. Theo xác minh ban đầu của các cơ quan chức năng thì các “game thủ” sau khi được thuê và giao tài khoản, password phải có nhiệm vụ trổ tài để đạt một cấp độ nhất định (level). Khi thành công, DN sẽ bán sản phẩm mà các “game thủ” chơi được qua Hàn Quốc lấy tiền và trả lương cho “game thủ”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Xa - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Đà Nẵng khẳng định: Qua kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN Ta Ran thì từ ngày đăng ký thay đổi lần 2 (21-6-2012), tức lần cuối cùng đến nay, DN này chưa có đăng ký bổ sung, nên việc hoạt động tại địa chỉ 45-Điện Biên Phủ là vi phạm. Ngoài ra, việc DN thuê người chơi game online cũng trái quy định so với ngành nghề đã đăng ký kinh doanh trong giấy phép.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những “game thủ” nổi trội đang được DN trả lương tháng, cũng không ít trường hợp mê game về đầu quân đang trong quá trình thử việc, coi như bỏ công sức làm thuê chỉ để mua vui cho mình, còn mức độ trổ tài đạt đến đâu thì DN thụ hưởng kết quả. Gặp tôi ngày 9-8 tại trụ sở DN, em Thân Liên T. (SV năm 3 Trường ĐH Đông Á, quê Quảng Nam) tiết lộ: DN cho em vào thử việc được 20 ngày. Trong lúc chưa có lương, DN cho ở miễn phí và chơi game tại đây. Khi nào chơi đạt đến độ để họ ưng ý thì sẽ được trả lương.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Đà Nẵng cho biết: Qua quá trình kiểm tra nội dung và hình thức của game Lineage mà DN đang thuê người chơi do có giao diện bằng tiếng Hàn Quốc nên chưa có đủ cơ sở xác định mức độ vi phạm để xử lý. Trong những ngày tới sẽ nhờ sự trợ giúp, tư vấn của các chuyên gia ngôn ngữ Hàn Quốc và cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá thẩm định lại nội dung game. Trước mắt, vụ việc này đang tiến hành xử lý những hành vi vi phạm, như: Không khai báo tạm trú tạm vắng, hoạt động sai mục đích kinh doanh và hoạt động sai mục đích xuất nhập cảnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Hạnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN