Cô giáo Quảng Châu gây tranh cãi với quần jean, váy juyp khi lên lớp
Loạt váy áo của các cô giáo mặc đi dạy học: Người được khen đẹp hết lời, kẻ bị chê ngắn ngủn, hở quá đà.
Mới đây, hình ảnh cô giáo ở Quảng Châu (Trung Quốc) gây chú ý khi diện loạt trang phục tôn dáng lên lớp như chân váy juyp ngang đùi, quần jean. Bên cạnh những lời khen dành cho vóc dáng của cô thì cũng có không ít người cho rằng, những phục trang này tuy đẹp nhưng hoàn toàn không phù hợp.
Theo Sohu, ở giai đoạn trưởng thành của trẻ, thầy cô giáo là người quan trọng thứ 2 sau cha mẹ. Ngay từ khi bắt đầu đi học, cách ăn mặc, lời nói, hành động của các thầy cô sẽ phần nào tác động lên sự phát triển tư tưởng của trẻ nhỏ. Chính vì thế, cần phải có những quy định nghiêm ngặt đối với trang phục mặc lên lớp của các giáo viên.
Một cô giáo ở Quảng Châu (Trung Quốc) gây chú ý khi mặc quần jean đi dạy học.
Ngoài quần jean, chân váy ngang đùi cũng là trang phục khá phổ biến.
Trước đây, đa số giáo viên tương đối khắt khe trong cách ăn nói và ăn mặc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, bộ phận giáo viên đang ngày càng trẻ hóa, như tiếp thêm luồng sinh khí mới cho nền giáo dục. Theo đó, hình ảnh nhiều cô giáo xinh đẹp, ăn mặc thời thượng, sành điệu cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
Một số người thường bình luận vui rằng: "Giá như trước đây, tôi cũng được học cô giáo xinh đẹp như vậy". Dẫu biết rằng đó chỉ là lời nói bông đùa nhưng điều này lại khiến cho đa số các bậc phụ huynh không hài lòng. Họ lo lắng, trang phục của các cô giáo sẽ làm ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tư tưởng của con em mình.
Điều này không hẳn là vô lý vì cũng từng xảy ra một trường hợp như sau: Một học sinh tiểu học vô tình kể lại chuyện cô giáo của mình thường mặc váy ngắn lên lớp khi đang ngồi ăn cơm với bố mẹ. Không chỉ thế, em này còn dành lời khen cho cô giáo như xinh đẹp, vừa trắng, vừa gầy. Ngay lập tức phụ huynh của bạn nhỏ đã đến trường để kiểm chứng và xác nhận thì sự thật đúng là như vậy.
Cô giáo mầm non mặc quần short từng gây tranh cãi trên MXH.
Sự việc này sau đó đã nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Những người đồng tình với việc giáo viên nữ có thể mặc đẹp đi dạy học, nêu quan điểm: "Trẻ em hiện nay hầu hết đều có thẩm mỹ riêng. Một giáo viên luôn giữ hình ảnh truyền thống và bảo thủ sẽ khiến học sinh cảm thấy giáo viên đó nghiêm túc và cổ hủ. Tự nhiên, chúng sẽ có cảm giác xa cách với thầy cô giáo của mình", "Trang phục của giáo viên chỉ là một chuyện, nếu con của bạn không tập trung trong giờ học thì điều cần thiết là cha mẹ phải giáo dục trẻ chứ không phải là đổ lỗi cho cô giáo", một tài khoản mạng bày tỏ.
Một cô giáo trẻ cho rằng, miễn họ diện trang phục công sở là được, ai cũng có lòng yêu cái đẹp, việc mặc tôn dáng mà không vi phạm quy chuẩn về đạo đức thì không có gì là sai.
Theo ETToday, trước những nhiều luồng ý kiến trên MXH, các phóng viên đã có dịp phỏng vấn một số lãnh đạo của phòng Giáo dục ở Quảng Châu (Trung Quốc) về vấn đề này.
Những người làm việc ở phòng Giáo dục địa phương cho hay, họ vẫn chưa ban hành một văn bản đặc biệt nào để quy định về trang phục của giáo viên nhưng chắc chắn sẽ tổ chức một số bài giảng về hành vi ứng xử cho giáo viên, yêu cầu tất cả các trường học phải cử giáo viên tham dự. Ngoài ra, cũng có trường phát đồng phục cho giáo viên nhưng chỉ yêu cầu mặc vào những dịp quan trọng.
Hoàn toàn có nhiều cách để mặc đẹp mà không cần thiết phải diện đồ ngắn, hở.
Trên thực tế, dù không có quy định cụ thể nhưng một số trường đã xây dựng nội quy riêng từ lâu và yêu cầu về trang phục còn khắt khe hơn cả trong tưởng tượng.
Không chỉ quần lửng, quần tất đen cũng bị đưa vào danh sách cấm. Váy không được ngắn quá đầu gối. Áo cộc tay cũng không được mặc. Trang phục xuyên thấu, lộ nhiều đường cong thì lại càng không được phép, một nữ giáo viên tiết lộ. Sở dĩ như vậy vì ban lãnh đạo nhà trường sợ các nam sinh sẽ bị phân tâm, không tập trung nghe giảng và dễ nảy sinh tâm lý khó kiểm soát trong độ tuổi trưởng thành, cô kể.
Ngoài ra, trong quy định còn yêu cầu giáo viên không được xịt nước hoa, các cô giáo không được xõa tóc, không được nhuộm tóc sáng màu,... Mọi hành vi vi phạm nội quy đều được ghi lại trong sổ tay nhân viên của nhà trường.
Một trường học gây tranh cãi khi đưa ra 15 quy định khắt khe về trang phục dành cho giáo viên.
Dưới phần bình luận, có người tỏ ra bất bình thay các giáo viên nữ: "Thời đại nào rồi mà còn có quan niệm cổ hủ đến thế! Việc cấm giáo viên dùng nước hoa, nhuộm tóc hay đi tất đen thật là sự can thiệp quá đáng về trang phục cá nhân. Ăn mặc là quyền tự do của mỗi người. Có một số quy định đúng là đã đi quá giới hạn".
Không chỉ thế, Tân Hoa Xã cũng công khai bài viết mỉa mai: "Cấm giáo viên nữ mặc quần tất đen có thể đem đến hiệu quả gì cho giáo dục?" nhận được nhiều lượt yêu thích của cư dân mạng.
Tác giả còn nhấn mạnh: "Nhiều học sinh thậm chí còn tiếp xúc với những nội dung không phù hợp đầy rẫy trên internet, TV và các bộ phim bạo lực hơn cả sự ảnh hưởng của quần tất đen. Dựa vào việc cấm giáo viên nữ đi tất đen để tạo môi trường học tập tốt chỉ là sự mơ tưởng viển vông. Điều này cho thấy, những tác động tiêu cực đến thanh thiếu niên thời đại này cần phải được chấn chỉnh theo một phương thức khác.
Ban lãnh đạo nhà trường không thể lấy đạo đức nhà giáo để "đắp vá" cho hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh. Thay vào đó, cần phải định hướng cho thanh thiếu niên phát triển thẩm mỹ đúng đắn, có năng lực tự phán đoán những điều đúng, sai. Nếu đưa ra những quy định như thế sẽ có phần khiên cưỡng và đi ngược lại với nền giáo dục đang thay đổi của thời đại mới".
Dale Carnegie từng nói rằng: "Vẻ ngoài đẹp đẽ giống như một bản nhạc hay. Nó không chỉ mang lại sự tự tin cho chính mình mà còn mang lại niềm vui về thẩm mỹ cho người khác. Nó không chỉ phù hợp với trái tim của chính mình mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác". Nói thế cũng có nghĩa là, rất khó để có thể đưa ra một kết luận khách quan và chính xác về “tính chất nghề nghiệp”, “dịp mặc” và số đo “lạ” hay “sự sexy” của trang phục của bất cứ ai.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài váy ngắn, ôm, MC truyền hình giờ còn diện cả quần tập yoga dẫn sóng, gây nhiều ý kiến tranh cãi.