Xót xa, nhói lòng: Cam rụng vàng gốc ở “thủ phủ cam” xứ Nghệ
Thời tiết thất thường khiến cho hàng nghìn cây cam chuẩn bị đến vụ thu hoạch bị rụng vàng gốc. Người nông dân chỉ biết tấp thành từng đống rồi đốt, ủ làm làm phân bón hi vọng cho vụ mùa cam tiếp theo.
Vội vã lấy chậu đi thu gom cam rụng vàng quanh các gốc cam để mang ra tấp thành đống, đốt rồi ủ lấy phân, chị Nguyễn Thị Lam, trú xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) rầu rĩ cho hay, từ 2 tuần qua, vườn cam rộng hơn 1ha của chị đang sai quả đột nhiên “đổ bệnh” rồi rụng quả mỗi ngày. Dù chưa đến mùa vụ thu hoạch, nhưng nhiều cây cam đã không còn quả trên cành.
Cam chín vàng trên cây ở bản Minh Phương xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Ảnh: Cảnh Thắng
“Vụ cam năm ngoái, gia đình tôi cũng bị thua lỗ nặng, năm nay gia đình tôi có vay hơn 400 triệu đồng để mua phân bón chăm sóc những gốc cam chờ đến ngày thu hoạch. Tưởng chừng như sắp được hái quả ngọt từ cây cam bấy lâu nay bỏ công chăm sóc, nào ngờ sắp đến ngày thu hoạch thì nó rụng rất nhiều, khiến cho vợ chồng tôi mấy ngày nay vô cùng lo lắng. Cuối năm nay làm sao trả nợ cho ngân hàng đây...”, chị Lam buồn bã cho hay.
Những quả cam non chờ ngày rụng làm phân bón dù quả trĩu cành. Ảnh: Cảnh Thắng
Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân trồng cam tại “thủ phủ” cam Vinh tại huyện miền núi Quỳ Hợp này. Xót xa đứng nhìn những gốc cam quả vẫn còn xanh nhưng rụng dần mỗi ngày, ông Nguyễn Đình Đông, trú tại đội 12, Nông trường Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho hay cam trong vườn nhà bắt đầu chuyển màu vàng, có nhiều chấm đen từ sau đợt mưa bão số 4.
Cam rụng được chất tường đống trên đường. Ảnh: Cảnh Thắng
Những cây cam quả sai cành bắt đầu rụng dần, với mức độ ngày càng nhiều, đến nỗi không đủ sức để nhặt đi đổ. Để vớt vát chút tiền phân bón, ông đành tiếc nuối hái cam non bán cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg.
“Các năm trước phải đến tháng 11 âm lịch mới hái cam bán cho đến Tết Nguyên đán. Nhưng giờ cam chưa kịp chín đã rụng gần hết rồi. Những cây còn quả cũng rất khó để đến Tết được nên chắc chắn Tết năm nay cam Quỳ Hợp sẽ rất đắt và khan hàng”, chị Lan nói và cho biết cao điểm giáp Tết Nguyên đán cam Vinh thường có giá lên tới 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Cam được người nông dân nhặt từ những cây cam nhiễm bệnh tấp thành từng đống lớn. Ảnh: Cảnh Thắng
Trước tình trạng cam rụng hàng loạt trên, Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An đã trực tiếp xuống kiểm tra và bước đầu xác định do thời tiết diễn biến bất thường, các cây cam rụng quả do bị ngâm nước dài ngày trước đó, gây long rễ.
Hơn 10 tạ cam của chị Nguyễn Thị Lam, trú xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị rụng tấp ngoài đường. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, ông Quán Vy Giang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳ Hợp cho hay: “Sau khi có hiện tượng cam rụng nhiều, người dân nhặt chất thành đống đốt và ủ làm phân chúng tôi đã xuống xã Minh Hợp để kiểm tra. Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều cây cam bị rụng quả do bị ngâm nước lâu ngày, khiến rễ cây bị tổn thương khiến quả cam bị rụng. Còn những cây chín vàng rồi rụng dần thì do kỹ thuật chăm sóc hay cây quá già rồi, không đủ dinh dưỡng để cho quả nữa. Đặc biệt, năm nay do thời tiết thất thường mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến cây cam.”.
Dưới đây là chùm ảnh cam rụng vàng gốc ở "thủ phủ cam" xứ Nghệ:
Cam được người dân đốt để làm phân ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Cảnh Thắng
Vườn cam của vùng thủ phủ cam dù lá xanh nhưng cam cứ rụng dần khiến người dân không khỏi xót xa. Ảnh: Cảnh Thắng
Một bãi cam rụng được chất thành đống bên đường ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Cảnh Thắng
Nhìn đống cam dần thối rữa ai đi qua cũng không khỏi xót xa. Ảnh: Cảnh Thắng
Do cam non không thể bán được nên khi rụng người dân chất đống để làm phân. Ảnh: Cảnh Thắng
Những quả cam rụng được chị Nguyễn Thị Lam, trú xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhặt lại để đốt, ủ làm phân. Ảnh: Cảnh Thắng