"Vỡ mộng" trồng dó bầu thu tiền tỷ

Nhiều năm trước, nông dân ở vùng cao tỉnh Đồng Nai đổ xô trồng cây dó bầu với hy vọng sẽ làm giàu từ trầm hương. Đến nay, nhiều vườn dó bầu đã bị người trồng đốn hạ. Bởi trồng cây dó bầu thì dễ, nhưng tạo ra trầm hương không đơn giản.

Nói đến dó bầu – trầm hương, ông Nguyễn Được, 50 tuổi, một nông dân ở huyện Tân Phú trầm ngâm : “Cả đời tôi như gắn với trầm hương, nó như một thứ ma lực lôi kéo, nhưng thụ hưởng từ trầm thì chưa hề có”.

Quê ông ở tận một huyện miền núi Quảng Nam, thời trai trẻ, ông cùng nhiều thanh niên trong làng dãi dầm năm này qua năm khác trong rừng sâu núi thẳm để tìm trầm. Hơn hai chục năm tìm trầm, nhìn đi nhìn lại, cả làng ông không ai giàu lên nhờ trầm.

Năm 1994, ông Được đưa gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp. Một lần về quê, nghe có người trồng dó bầu tạo trầm thành công, ông lại đến học hỏi mua hơn 1.000 cây giống đem vào Đồng Nai trồng. Sau 5 năm, khi những cây dó bầu lớn, ông chi cả trăm triệu đồng thuê thợ đến cấy trầm.

Ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Phú nói: “Cây dó bầu không nằm trong cơ cấu cây trồng, phong trào trồng dó bầu ở Tân Phú tự phát rộ lên từ khoảng 10 năm trước, cho đến nay chưa thấy hiệu quả kinh tế”.

Sau thời gian được coi là đã kết trầm, ông Được cho khai thác thử, nhưng hết đợt này đến đợt khác những cây dó bầu trong vườn ông Được cũng vẫn chỉ là… dó bầu, chuyên gia cấy trầm thì sau vài lần liên lạc, hứa hẹn tới kiểm tra đã bặt âm vô tín. Chán nản, ông Được bán đứt cả vườn dó bầu theo dạng bán củi và thề đoạn tuyệt với trầm.

Những người tiên phong trồng dó bầu ở huyện Tân Phú phải kể đến ông Q. Từ bỏ công việc quản lý tại một đơn vị nhà nước, ông Q. lập trang trại với chủ lực là cây dó bầu.

Ông Q. từng tính sau 5 năm trồng cây dó bầu chỉ việc bán cây cho người ta cấy trầm thì với hàng ngàn cây, ông có thể thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều đợt cấy trầm, khai thác, ông Q. vẫn thất bại.

Sở hữu một vườn dó bầu rộng lớn, ông Võ Trọng Nha (Năm Nha), một nông dân ở thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) kể, một thời cả huyện rộ lên phong trào trồng dó bầu, người có vốn thì trồng nhiều, người ít vốn thì trồng ít, trồng xen canh.

Số lượng cây dó bầu được trồng có đăng ký với kiểm lâm khoảng 60-70 ngàn cây. Tuy nhiên, hầu hết đều cấy trầm không đạt hiệu quả, phần nhiều người ta đã chặt bỏ.

Theo ông Nha thì chỉ còn số ít hộ tâm huyết với cây dó bầu. Khoảng chục năm trước, ông Năm Nha mua 10 ngàn cây dó bầu giống về trồng với giá 15 ngàn đồng/cây.

Sau đó, ông tìm đến một công ty ở Bình Dương hợp đồng cấy trầm. Thử nghiệm ban đầu nên ông Nha chỉ cấy một diện tích nhỏ, phía đối tác lấy 200 ngàn đồng cho một cây tạo trầm và hẹn năm sau sẽ mua lại 5 triệu đồng/cây. Thế nhưng, phía công ty cũng một đi không trở lại khi cây dó bầu do họ cấy trầm không đạt hiệu quả.

Nay ông Năm Nha đang hợp tác với một số giáo sư chế thuốc tạo trầm. Ông nhìn nhận: “Có thể nói chưa có hiệu quả gì từ trầm, tôi bỏ vốn ra nhiều rồi nên phải cố theo”. Cứ một thời gian, ông Năm Nha lại khai thác thử nghiệm, nhưng chất lượng trầm vẫn chưa đạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Thắng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN