Người nuôi "chết" bên ao đầy cá

Cá đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không có tiền mua, dù đôi bên đã ký hợp đồng. Vòng luẩn quẩn trên đang khiến người nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chết đứng bên bờ ao, vì một ngày chậm thu hoạch, lại mất thêm tiền...

“Chết” bên ao cá

Bà Hồ Thị Bích Hoàng ngụ tại ấp Long Châu, phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) dẫn tôi ra trang trại nuôi cá tra rộng hơn 10 ha của gia đình.

Chỉ vào ao cá số 4, bà cho biết: “Ao cá này đã quá lứa hơn tháng nhưng phía nhà máy không đến bắt cá, dù đã ký hợp đồng. Lúc ký thoả thuận giá 24.000đ/kg, nay (2-7) giá chỉ còn 18.500đ/kg.

Khi ký hợp đồng, phía nhà máy yêu cầu chúng tôi ngưng cho cá ăn và giật dây chì (làm cho cá sụt hết thức ăn trong bao tử ra ngoài).

Sau đó, họ lại đề nghị cho cá ăn thuốc vì nghi cá bị nhiễm kháng sinh. Gia đình chúng tôi làm đầy đủ theo yêu cầu. Họ cho người xuống kiểm tra không nhận xét gì rồi đi luôn.

Khi ký hợp đồng, mỗi con cá chỉ mới khoảng 0,8 kg, nay đã 1,2 kg. Ao này có khoảng 500 tấn cá, mỗi ngày ăn hết 6 tấn thức ăn, riêng tiền thức ăn khoảng 2 tỷ đồng trong tháng qua.

Chưa kể thiệt hại do cá đã quá lứa, sẽ thấp hơn khoảng 2.000 đ/kg so với loại 0,8 – 0,9 kg”. Bên cạnh, bà còn một ao cá gần 500 tấn đã đến lứa nhưng chưa tìm được người mua, hàng ngày vẫn cứ phải đổ nhiều tiền thức ăn xuống ao.

Vừa rồi, gia đình bà Hoàng có bán được hai ao 810 tấn, giá 21.000 đ/kg, tính ra lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Hiện gia đình bà vay nợ ngân hàng 20 tỷ đồng, với tình hình giá cá tra tụt dốc, không thấy hy vọng trả được nợ.

Nhà máy vi phạm hợp đồng sao bà không kiện đòi bồi thường? Bà Hoàng lắc đầu: “Nhà tôi nuôi cá mười mấy năm nay, bán cho nhiều nhà máy khác nhau ở Cần Thơ, An Giang. Nói chung nông dân cần nhà máy chứ nhà máy họ không cần mình. Họ không mua cá thì mình chết. Viết báo cũng xin đừng nêu tên nhà máy. Không riêng nhà tôi, nhiều hộ khác cũng bị huỷ hợp đồng do giá cá đi xuống bất thường”.

Do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lại đang thiếu tiền mua nguyên liệu nên giá cá lao dốc xuống còn 18.000 – 20.000 đ/kg tùy loại, người nuôi lỗ 4.000 – 5.000 đ/kg. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (Cần Thơ) cho biết, giá cá giống cũng lao dốc theo, loại 2 phân chỉ còn 80 – 100 đ/con, giảm 30 -50% mà khó bán.

Ở phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), nhiều hộ nuôi cá cũng đã treo ao vì kiệt vốn, thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất.

Bên tỉnh Đồng Tháp, báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.263 ha cá tra thả nuôi và đã có hàng chục hộ treo ao, với diện tích 79 ha. Việc treo ao, lấp ao cá tra hay chuyển sang nuôi trồng các loại khác như cá rô, cá điêu hồng diễn ra khắp nơi ở khu vực ĐBSCL.

Để đầu tư nuôi một héc-ta cá tra cần 6-8 tỷ đồng. Ngân hàng khi định giá ao để cho vay lại theo đất nông nghiệp nên nguồn vốn vô cùng ít ỏi, không đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Do đó người dân đã phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao làm đội giá thành sản phẩm.

Theo thống kê của Tổng cục Thuỷ sản, trong tháng 7 và 8-2012, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 1.000 ha cá tra tới kỳ thu hoạch, sản lượng ước 300.000 tấn. Với tình hình như hiện nay, sẽ có thêm rất nhiều nông dân “chết” bên ao nuôi cá.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, GĐ Sở Công thương TP Cần Thơ, qua khảo sát cứ bán 100 tấn cá tra nguyên liệu, người nuôi lỗ 400 – 500 triệu đồng, nhiều người phải bán đất đai nhà của và ao nuôi cũng không đủ để trả vốn và lãi vay cho ngân hàng.

Doanh nghiệp cũng lao đao

Người nuôi "chết" bên ao đầy cá - 1

Cá đến lứa ở ấp Long Châu, phường Tân Lộc, không bán được, hàng ngày dân vẫn phải đổ tiền thức ăn xuống

ĐBSCL hiện có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó có 64 công ty chế biến, 74 công ty thương mại. Đã hình thành sự phân hoá mạnh trong các doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, những nhà máy chế biến có công suất dưới 30 tấn/ngày đang bị thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp cũng đang nợ nần, thiếu vốn, bế tắc đầu ra. “Thực ra họ đã chết lâm sàng, nhưng không dám công bố vì sợ ảnh hưởng chung toàn ngành”, một cán bộ tỉnh An Giang nói.

Theo báo cáo của Ban quan hệ lao động tỉnh An Giang, qua khảo sát 13 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn, tình hình rất khó khăn do ngân hàng thắt chặt tín dụng.

Trước đây, doanh nghiệp có thể thế chấp nhà xưởng, kho bãi nhưng nay ngân hàng yêu cầu thế chấp đất đai. Bên cạnh, giá nguyên liệu lên xuống bất thường, hàng hoá tồn kho lớn.

Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, có tháng chỉ làm 7-10 ngày. Số lượng công nhân từ 14.536 người hồi đầu năm nay còn 10.664 người, giảm gần 27%.

Các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng lao đao. Tỉnh Đồng Tháp có 24 nhà máy chế biến thức ăn thì hiện chỉ 3 nhà máy hoạt động bình thường, 7 nhà máy hoạt động cầm chừng và 14 nhà máy đã ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Út, đại diện Cty TNHH thủy sản Miền Nam (ở khu công nghiệp Trà Nóc 2, Cần Thơ), cho biết chế biến xuất khẩu tháng sau giảm hơn tháng trước do thiếu vốn, hạn mức vay không còn. Hiện đơn vị vẫn chịu lãi ngân hàng với lãi suất 16,5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Lĩnh - Trường Ca ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN