Vì sao khó xử cây xăng "găm" hàng?
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần xăng dầu rục rịch tăng giá, tình trạng nhiều cây xăng ngừng bán lại xảy ra.
Lần tăng giá 1.100 đồng/lít xăng mới đây, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương kiểm tra phát hiện 32 cây xăng bán lẻ ngừng bán hàng với nhiều lý do.
Tuy nhiên, cũng bởi những lý do đó, mà Bộ Công Thương cũng chưa đưa ra được cách xử lý.
Vì sao cứ mỗi lần rục rịch tăng giá, lại xảy ra hiện tượng cây xăng ngừng bán hàng, dù với lý do thế nào, thì cũng khiến dư luận nghi ngờ, bởi những lúc thị trường bình thường, bán xăng là có lời, thì không hề có hiện tượng ngừng bán, chỉ đến khi bị lỗ, mới xảy ra chuyện tiêu cực này.
Từ trước đến nay, chưa có chủ cây xăng hay chủ doanh nghiệp, đại lý đầu mối nào phải ngồi tù vì hành vi "găm hàng" chờ tăng giá.
Xăng là hàng hoá thuộc diện nhà nước quản lý, vì liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước. Nếu cùng lúc các cây xăng đều ngừng bán, kinh tế đất nước tê liệt. Nên nhà nước đã có những quy định có thể xử nghiêm với hành vi găm hàng, cao nhất có thể xử lý hình sự tội đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có chủ cây xăng hay chủ doanh nghiệp, đại lý đầu mối nào phải ngồi tù vì hành vi này. Nặng nhất, mới bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, còn lại chủ yếu phạt hành chính vài triệu đồng.
Bởi thế, đến hẹn lại lên, các chủ cây xăng chẳng dại gì không găm hàng, kiếm lợi nhuận cao.
Nếu có bị xử phạt hành chính, thì vẫn có lời. Lần này, chủ 32 cây xăng ngừng bán, đưa ra vô vàn lý do: đại lý kêu không được tổng đại lý cấp hàng, còn tổng đại lý lại tố đại lý đã đặt hàng trước với giá cũ, nhưng cố tình không đến lấy hàng mà gửi lại tổng kho, đến lúc xăng tăng giá mới lấy hàng về bán.
Thậm chí có thể xảy ra tình trạng đại lý đã lấy hàng nhưng cho xe bồn chạy đi đâu đó cất, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì bồn vẫn trống rỗng, không thể xử lý được.
Tít mù rồi lại vòng quanh, khiến Bộ Công Thương cũng khó xử. Nhưng còn lý do quan trọng hơn, mà ít người nói ra, là đằng sau các chủ cây xăng ấy, họ không dễ bị bắt nạt.
Vì phải những người có vai vế, thậm chí là chức sắc “có máu mặt” mới mở được cây xăng, nên đụng vào họ là đụng vào “nhóm lợi ích”. Và điều này, chỉ giới chủ cây xăng biết, cơ quan quản lý biết. Cũng vì biết, nên việc xử lý xem ra khó nghiêm minh!