Găm hàng chờ tăng giá: DN đổ lỗi cho nhau

Sự kiện: Giá xăng

Hàng chục cây xăng trên cả nước treo biển hết hàng với lý do doanh nghiệp (DN) đầu mối không cung cấp. Giải trình sau đó, các nhà cung ứng xăng dầu bức xúc kêu oan, tố ngược lại cây xăng không thèm đến nhập hàng như cam kết.

Tố nhau vòng quanh

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường tính đến 14/8, đợt kiểm tra từ ngày 11-13/8 trên cả nước mới phát hiện 32 cây xăng bán lẻ ngừng bán hàng. Trong đó có 1 cây xăng ở Hà Nội, 2 cây xăng ở Tp Hồ Chí Minh, 1 cây xăng ở Hà Nam, 10 cây xăng ở Vĩnh Phúc, 1 cây xăng ở Bình Dương và 17 cây xăng ở Đồng Nai.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 1 trường hợp có kết luận chính thức vi phạm vì găm hàng, đầu cơ. Đó là cửa hàng xăng dầu Long Đức, ấp Long Đức 3, Tam Phước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, kiểm tra phát hiện xăng dầu trong bồn vẫn còn nhưng cửa hàng này lại không bán.

Song, đáng chú ý nhất là con số có tới 20 cây xăng ngừng bán vì hết hàng thực sự, kiểm tra kho bể thấy trống rỗng. Khi lập biên bản, chủ các cây xăng này đồng loạt đổ lỗi do DN đầu mối không cung cấp hàng hoặc cung cấp rất nhỏ giọt, không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Đơn cử như ở Vĩnh Phúc, cả 10 cửa hàng kiểm tra treo biển hết xăng tại đây đều báo cáo bị đứt hàng do DN đầu mối. Tại Tp HCM, cửa hàng xăng dầu 2450, quốc lộ 1 A, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 và cửa hàng xăng dầu 77, số 152A Nguyễn Oanh, phường 12, quận Gò Vấp cũng đưa ra lý do tương tự biện minh cho việc ngừng bán.

Một số điểm xăng vẫn duy trì bán dầu nhưng riêng mặt hàng xăng thì không bán. Ví dụ như cửa hàng của công ty TNHH Thiên Phát Đạt số 128, ấp Ngọc Lân 1, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, Đồng Nai hết xăng và báo cáo là do đầu mối công ty xăng dầu Đồng Tháp không cung cấp.

Găm hàng chờ tăng giá: DN đổ lỗi cho nhau - 1

Chủ các cây xăng đồng loạt đổ lỗi do DN đầu mối không cung cấp hàng hoặc cung cấp rất nhỏ giọt

Cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân Đinh Ngọc Cẩn, ấp Ngọc Lân 1, xã Phú Thanh, Đồng Nai giải thích do chi nhánh Tổng công ty Dầu Việt Nam không cung cấp xăng.

Tại Hà Nội, cửa hàng thuộc công ty TNHH xăng dầu Yên Sơn, thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai ngừng bán và cũng viện lý do là đối tác, Công ty TNHH xăng dầu Hà Sơn Bình thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không cung cấp hàng. Ngoài ra còn có cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng và tư vấn thiết kế 30/4 ở tổ Kiên Trung, Trâu Quỳ, Gia Lâm, 2 cửa hàng ở huyện Chương Mỹ thuộc công ty TNHH Trần Hồng Minh.

Ông Phùng Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phân tích: “Theo như phản ánh từ các cây bán lẻ, ở đây có dấu hiệu găm hàng, đầu cơ từ phía nhà cung cấp. Dù vậy, muốn kết luận chính xác thì phải kiểm tra các tổng đại lý hoặc DN đầu mối nhưng hiện chi cục chưa tiến hành việc này. Đợt kiểm tra vừa qua là kiểm tra nhanh, chỉ mới dừng lại ghi nhận hiện tượng ngoài thị trường”.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường cho biết có khoảng 16 cây xăng khác ngừng bán có lý do bất khả kháng như mất điện, sửa chữa trụ bơm hoặc giờ kiểm tra vào buổi tối nhưng giờ bán đăng ký với cơ quan quản lý là ban ngày. Thậm chí, cũng có trường hợp vì nợ tiền DN đầu mối nên DN đầu mối phạt không cung cấp hàng như 1 cửa hàng xăng dầu tại Hà Nam.

Đầu mối “kêu oan”?


“Cây xăng làm ăn không đàng hoàng, báo cáo sai… Thực tế, chúng tôi không hề thiếu hàng, đứt nguồn”, ông Trịnh Quang Khanh, Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình bức xúc nói. Đây là đơn vị đã bị cửa hàng xăng dầu Yên Sơn tố là không cung ứng hàng.

Phủ nhận những lời “tố cáo” này và bác cả kết quả kiểm tra xác nhận hết hàng của chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Đàm Quang Dũng, Phó giám đốc công ty Hà Sơn Bình cho biết: “Chỉ 15-20 phút sau khi lực lượng quản lý thị trường vào kiểm tra, chúng tôi đã đến làm việc ngay với của hàng Yên Sơn. Kết quả chúng tôi phát hiện trong 1 bể còn tới 1.571 lít xăng và 1 bể còn tới 622 lít dầu diezen. Việc này đã có biên bản xác nhận 2 bên cùng ký, do trực tiếp phó giám đốc công ty Yên Sơn ký.

“Vậy mà quản lý thị trường kiểm tra lại ra kết quả là… hết xăng?” ông Dũng hoài nghi.

Không chỉ thế, ông Đàm Quang Dũng còn than phiền: “Cửa hàng Yên Sơn nhập hàng rất phập phù. Theo hợp đồng đã ký từ 1/1/2012, sản lượng tiêu thụ cam kết là 150m3/tháng, trong đó, xăng là 90m3/tháng và dầu diezen là 60m3. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm nay, cửa hàng chỉ nhập của công ty vỏn vẹn 178 m3, tiêu thụ bằng đúng 20% so với sản lượng cảm kết. Riêng tháng 7 và nửa đầu tháng 8, cây xăng Yên Sơn không hề nhập một giọt xăng dầu nào của chúng tôi!”

Theo phân tích của ông Dũng, Nhà nước cho phép một đại lý chỉ được ký hợp đồng với một DN đầu mối. Rõ ràng, cây xăng Yên Sơn không nhập hàng từ công ty Hà Sơn Bình mà vẫn mở hàng bán bình thường, trong bể có hàng. Điều đó chứng tỏ cửa hàng đã nhập thêm từ nguồn khác, trôi nổi bên ngoài.

Ông Dũng “tố” tiếp: “Tính đến 1/7, cây xăng Yên Sơn nợ chúng tôi 157 triệu đồng, đến 13/7, trả thêm được 100 triệu đồng và mãi đến hôm 7/8 vừa qua, công ty này mới trả nốt 57 triệu đồng còn lại cho các chuyến hàng nhập 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, hợp đồng quy định rõ được phép chậm thanh toán nhưng phải trả trong 5 năm kể từ khi giao nhận hàng”.

“Nếu vi phạm công nợ, chúng tôi có quyền ngừng cấp hàng nhưng chúng tôi chưa bao giờ ra quyết định này, nguồn thì không thiếu mà bản thân họ đã chủ động không đến nhập hàng. Vi phạm hợp đồng nghiêm trọng như vậy, cây xăng làm ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi”, vị phó giám đốc nhấn mạnh.

Cho đến thời điểm này, cây xăng Yên Sơn vẫn chưa bị kết luận là găm hàng!

Phụ trách địa bàn có tới 17 cây xăng đóng cửa hàng loạt, ông Dương Minh Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Đồng Nai nói: “ Chúng tôi phát hiện 7 cửa hàng hết xăng vì lý do đầu mối hay tổng đại lý không cấp.

Thực tế, có tổng đại lý đổ thừa cho nguyên nhân rơi ngày nghỉ, không làm việc. DN đầu mối làm đúng nhưng tổng đại lý hoặc công ty phân phối trung gian không rót hàng thì các cửa hàng lấy đâu ra xăng mà bán hàng? Rốt cục, chỉ có tổng đại lý được hưởng, còn người dân gánh thiệt thòi nhất”.

Đại diện Saigon Petro chia sẻ, một số DN bị ảnh hưởng bởi sự cố nhà máy Dung Quất ngừng cấp hàng đột ngột 7 ngày. Khi ký hợp đồng nhập khẩu với nước ngoài, thông thường sẽ phải chờ đợi khoảng 2 tuần hàng mới về đến cảng. Do đó, khả năng xăng dầu bị gián đoạn nguồn cung nhưng chỉ là cục bộ một thời gian ngắn.

Dù vậy, quy định hiện hành yêu cầu các DN đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Theo đó, nếu nguồn Dung Quất có bị “đứt’ thì về lý thuyết, các DN đầu mối vẫn đủ khả năng cung ứng ra thị trường.

Đánh giá chung, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lạc quan cho biết, nguồn cung không hết bị đứt. Sự cố của nhà máy Dung Quất không ảnh hưởng lớn. Ông đánh giá rằng, con số 32 cây xăng ngừng bán nếu so với tổng số cả nước hơn 15.000 cây xăng thì chưa phải là hiện tượng diện rộng, phổ biến, vì vậy, chưa đáng ngại.

Có thể nói, hiện tượng cây xăng tình cờ đóng cửa bán háng trước khi tăng giá vẫn còn chưa sáng tỏ. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường mới chỉ làm phần ngọn, kiểm tra lưu thông, còn phần gốc rễ từ nguồn cung thì chưa “sờ đến!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Huyền (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN