Vì sao gần 900 smartphone “lọt” cửa Hải quan Nội Bài?
Lô hàng gần 900 smartphone “lọt” qua cửa hải quan tại CHK Quốc tế Nội Bài nhưng Hải quan Hà Nội không thông tin về vụ việc.
Báo Giao thông ngày 21/1/2019 đăng thông tin “Bắt quả tang khách nhập lậu gần 900 smartphone qua Nội Bài”.
Cụ thể, hồi 22h30 ngày 19/1, Cục Cảnh Sát kinh tế C03 đã bắt quả tang đối tượng Đặng Đức Thịnh (sinh năm 1989, thường trú Quảng Ninh) đi chuyến bay VN415 từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về Nội Bài, nhập lậu 856 điện thoại Samsung và Iphone.
Điểm đáng lưu ý, vụ việc được phát hiện tại khu vực công cộng của ga đến, nhà ga hành khách quốc tế T2, Nội Bài; đồng nghĩa với việc Đặng Đức Thịnh đã mang trót lọt số điện thoại trên qua khu vực hạn chế của sân bay.
Theo hướng dẫn từ một người rất am hiểu về quy trình hải quan kiểm tra hàng hóa, các mặt hàng khó có thể “lọt” qua con mắt và máy móc của cơ quan này bởi bất cứ hàng hóa nào khi xuống sân bay đều được soi chiếu qua máy móc của cơ quan hải quan tại buồng soi chiếu.
“Hàng hóa ra khỏi hầm hàng là có một bộ phận đứng ngay cửa soi chiếu, đóng mác luồng xanh hoặc đỏ. Hàng nào luồng xanh sẽ cho qua ngay, còn dán đỏ thì bắt buộc phải mở ra kiểm tra. Nên ngay khi đó đã phát hiện ra hàng gì ngay rồi”, vị này thông tin.
Đối với thiết bị điện tử như điện thoại là thuộc hàng luồng đỏ, phải mở ra kiểm tra. Mang quá số lượng cho phép phải làm thủ tục nhập khẩu và nộp thuế.
Lô điện thoại bị cơ quan chức năng bắt giữ tại Nội Bài
Đặc biệt, mới đây, ngày 24/9/2018, tại Trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Kho hàng của Công ty dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV), Tổng cục Hải quan đã nhận bàn giao hệ thống máy soi trị giá 200.000 USD do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.
Tại buổi lễ bàn giao, Tổng cục Hải quan cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ Cục Hải quan TP Hà Nội trong việc đảm bảo việc vận hành máy soi một cách hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn từ xa khả năng vận chuyển bất hợp pháp các vật liệu nguy hiểm, thông qua đó ngăn chặn hoạt động khủng bố, buôn lậu.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là hệ thống máy soi 200.000 USD mà Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ mới tròn 4 tháng đã hỏng, không phát hiện được loại hàng hóa hay cán bộ soi chiếu có vấn đề?
Thêm nữa, ngoài bộ phận trực tiếp soi chiếu, Cục Hải quan Hà Nội còn có Phòng Giám sát quản lý, Phòng Thanh tra, Đội Kiểm soát hải quan, Chi cục kiểm tra sau thông quan... nhưng vẫn “lọt” lô hàng gần 900 điện thoại nói trên?
PV Báo Giao thông đã liên hệ với Cục Hải quan Hà Nội và Tổng cục Hải quan để có lời giải đáp cho những câu hỏi trên. Tuy nhiên, đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết vẫn chưa nắm được vụ việc. Đại diện Tổng cục Hải cũng cho biết chưa nắm được thông tin và Cục Hải quan Hà Nội chưa báo cáo.
Trả lời PV Báo Giao thông qua điện thoại, Cục trưởng Cục Hải Quan Hà Nội Dương Phú Đông chỉ nói: “Hai bên còn phối hợp làm việc. Đã làm gì có nguồn tin. Chưa có nguồn tin nào cả” sau đó đột ngột ngắt điện thoại.
Đến 23/1, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã yêu cầu Hải quan Hà Nội báo cáo về vụ việc đồng thời nhấn mạnh Cục Hải quan Hà Nội phải thông tin vụ việc cho cơ quan báo chí. Nhưng ngày 23/1 PV Báo Giao thông liên hệ với Cục Hải quan Hà Nội vẫn không được.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.