"Vàng đen" gặp “bão" giá, nguy cơ tụt khỏi nhóm hàng tỷ đô

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ chỗ trên 200.000 đồng/kg, sau hơn 2 năm, giá hồ tiêu nội địa đã giảm “sốc” chỉ còn 47.000 - 48.000 đồng/kg, chưa bằng ¼ so với thời kỳ đỉnh cao. Với mức giá bán thấp hơn cả giá thành, người trồng tiêu không chỉ đối mặt với thua lỗ mà ngành hồ tiêu còn có nguy cơ mất vị trí số 1 thế giới.

“Vàng đen” hết thời?

Từ năm 2017 đến nay, ngành hồ tiêu Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt. Nhiều người cho rằng, “bão giá” đang thực sự xảy ra với ngành tiêu Việt Nam khi hiện nay, giá tiêu đen nguyên liệu chỉ còn từ 47.000 – 48.000 đồng/kg (đầu giá), giảm tới 152.000 đồng/kg so với thời hoàng kim và đang ở mức dưới giá thành sản xuất (khoảng 50.000 đồng/kg).

"Vàng đen" gặp “bão" giá, nguy cơ tụt khỏi nhóm hàng tỷ đô - 1

Nông dân ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San trồng hồ tiêu sạch VietGAP để xuất khẩu.  Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), việc xuất khẩu tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối thuận lợi, bằng chứng là khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7.2018 ước đạt 21.000 tấn, giá trị đạt 64 triệu USD, như vậy tổng khối lượng tiêu xuất khẩu trong 7 tháng qua ước đạt 153.000 tấn và 517 triệu USD, tăng 3,7% về khối lượng.

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 37,1% thị phần.

Tuy nhiên, giá trị kim ngạch mà ngành này thu về lại giảm tới 36,1% so với cùng kỳ năm 2017, tức mất gần 257 triệu USD. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu hồ tiêu sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017 do sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng chóng mặt trong 2 năm qua.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh - Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới chỉ vào khoảng 350.000 tấn/năm, tuy nhiên ước tính tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu hiện lên tới trên 547.000 tấn. Trong đó riêng Việt Nam đã cung ứng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho thấy, nếu như năm 2016, tổng lượng hồ tiêu toàn cầu (số tròn) là 497.000 tấn thì đến năm 2017 tăng lên 547.000 tấn, tức tăng 50.000 tấn. Trong đó, lượng tồn kho mang sang từ các vụ cũ cứ mỗi năm tăng chừng 20.000 tấn.

Cụ thể, tồn kho mang sang đầu kỳ năm 2016 là 67.000 tấn, sang năm 2017 là 87.000 tấn. Dự kiến năm 2018, lượng tồn kho từ vụ cũ mang sang còn lớn hơn, khoảng 104.000 tấn. Những con số này cho thấy thế giới đang dư thừa rất nhiều hạt tiêu.

Chưa kể, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới là Việt Nam. Ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2017 của 3 nước này khoảng 40.000 tấn, dự kiến năm nay tiếp tục tăng thêm.

Nguy cơ tụt khỏi nhóm hàng tỷ đô

Sản lượng dư thừa, đương nhiên giá bán sẽ phải giảm. Trao đổi với PV NTNN về giải pháp “chặn” đà giảm sâu của giá tiêu, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VPA thẳng thắn nói: “Rất khó. Với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong Hiệp hội giữ được khách hàng, sản lượng bán hàng tăng đã là cả một sự nỗ lực. Còn chuyện tăng giá tiêu trở lại, gần như “vô phương’’, ít nhất đến hết năm nay. Thậm chí tình trạng giá thấp có thể sẽ kéo dài sang năm 2019 vì nguồn cung toàn cầu quá lớn”.

"Vàng đen" gặp “bão" giá, nguy cơ tụt khỏi nhóm hàng tỷ đô - 2

Ngành hồ tiêu đang rơi vào "thế bí" khi nguồn cung toàn cầu tăng cao, giá liên tục giảm sâu. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Hải, hiện các nước Brazil, Sri Lanka, Malaysia và Indonesia đã thu hái xong vụ mới, chuẩn bị tung hàng ra thị trường nên giá tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào vòng nguy hiểm. Đáng chú ý là nông dân một số nước không có thói quen trữ tiêu như nông dân Việt Nam, đơn cử như ở Brazil, nhiều hộ thấy được giá là họ bán ngay. Thực tế là trong lúc nhà vườn Brazil sẵn sàng bán 2.500 USD/tấn thì giá chào hồ tiêu cùng loại của Việt Nam là 3.200 USD/tấn.

“Nếu thiên hạ đổ về mua hồ tiêu Brazil, Việt Nam sẽ mất thị phần. Và để giành được khách hàng, các doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm giá. Với vòng luẩn quẩn, bế tắc đó, rất có thể sau 4 năm liền nằm trong nhóm hàng nông sản tỷ đô thì năm nay, hồ tiêu có thể không thể đạt kim ngạch 1 tỷ USD” - ông Hải nói.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), trong 31 năm trồng tiêu, chưa bao giờ ông thấy hoa tiêu nở rộ như năm nay. Nếu 1 - 2 tháng tới, thời tiết tiếp tục thuận lợi thì khả năng vụ tiêu 2018 - 2019 sẽ trúng mùa, tiếp tục gây áp lực lên thị trường hồ tiêu. Nếu giá giảm nữa, chắc chắn mọi người trồng tiêu hay doanh nghiệp đều gánh thua lỗ.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để vượt qua khó khăn hiện tại, ngành tiêu Việt Nam phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, ngừng bán khi giá giảm xuống và kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tiêu Việt Nam, Bộ NNPTNT đã yêu cầu tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật trồng tiêu sạch.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, hồ tiêu khô có thể bảo quản được lâu nên nhà nông có thể dự trữ sản phẩm lại, không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên giảm việc ký hợp đồng trước (hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước cả năm 2018 ở mức dưới giá thành).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Huệ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN