Tiểu thương bỏ sạp chợ, ra thuê nhà mặt tiền
Tại một số chợ, tiểu thương buôn bán ế ẩm đã phải bỏ sạp, xin chuyển đổi ngành hàng. Tiểu thương nào có điều kiện thì thuê mặt tiền nhà ở những con đường gần chợ để buôn bán tiếp.
Ở trong trống, ở ngoài đông
Ở khu vực bán quần áo may sẵn bên trong chợ Tân Bình, cả trăm sạp treo bảng sang sạp, cho thuê sạp. Mới 2 giờ chiều, nhiều tiểu thương lục tục kéo cửa ra về. “Ba ngày nay chưa có ai mở hàng giùm. Về sớm cho rồi. Nếu tình trạng này kéo dài thì tôi cũng sẽ đóng cửa ra ngoài thuê chỗ mà bán” - chị Mộng, chủ sạp hàng quần áo may sẵn khu FA2, bộc bạch.
Dù sao chị Mộng cũng là người đóng cửa trễ trong khu FA2 này. “Nhiều người đóng cửa từ… hai tháng trước lận đó” - chị Mộng cho biết.
Nhiều tiểu thương khác cho biết hàng quần áo đã ế từ năm 2011, từ đầu năm 2012 đến giờ càng ế hơn. Họ nói thẳng: “Trong này chỉ có áo cưới, vải vóc là còn bán được thôi. Tụi tui trong này khó bán lắm. Ở quanh chợ thiếu gì tiệm bán quần áo may sẵn”.
Trong khi tiểu thương trong chợ than ế thì bên ngoài chợ vẫn còn bán được hàng. Các tiệm bán quần áo ở những con đường quanh chợ hoặc gần chợ như Tân Thọ, Tân Tiến, Lê Minh Xuân… tuy không tấp nập như trước nhưng vẫn có khách thường xuyên ra vô mua bán. Cô Lệ, chủ hàng quần áo may sẵn trên đường Lê Minh Xuân, cho biết: “Lúc trước mỗi ngày bán cũng được 200-300 bộ đồ, giờ bán chỉ khoảng 100 bộ”.
Chủ sạp vải HON trên đường Tân Tiến cho biết trước đây ông bán trong chợ Tân Bình. Trong lòng chợ chật chội và nóng quá, khách vừa mua hàng vừa than nóng, sợ mất khách, tôi phải ra ngoài thuê mặt bằng. Ở đây có chỗ để xe, khuân vác hàng cũng dễ, khách đi tới đi lui lựa vải cũng thoải mái. “Nửa năm nay tôi thấy bán được hơn hồi còn trong chợ”.
Theo đánh giá của đại diện chợ Tân Bình, ngày càng nhiều điểm kinh doanh mọc lên bên ngoài chợ nên bên trong chợ khó bán được hàng.
Các cửa hàng mua bán quần áo xung quanh chợ trên đường Lê Minh Xuân, quận Tân Bình
Chuyển ngành hàng
Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết trong bốn tháng qua, sức mua ở một số ngành giảm đến 30%. Trong 620 sạp thực phẩm tươi sống, gia vị, tạp hóa có 160 sạp xin tạm ngưng kinh doanh.
Theo bà Thanh, tiểu thương nào muốn chuyển đổi ngành hàng thì ban quản lý chợ tạo điều kiện cho chuyển đổi phù hợp. Trước đây các hộ bán hoa tươi, dừa xay, hàng công nghệ thực phẩm… bị ế ẩm. Ban quản lý chợ đã cho họ chuyển sang bán túi xách, quần áo, phụ liệu thời trang. Sau khi chuyển đổi thì các hộ này đã ổn định, tình hình buôn bán khá hơn. Khu vực hàng ăn uống hiện có gần 70 hộ kinh doanh, mới đây, gần 20 hộ xin chuyển đổi sang bán quần áo. Ban quản lý chợ đang xem xét.
Giám đốc bán thịt
Ở nhiều chợ khác, nhiều tiểu thương cũng bỏ sạp chợ, ra ngoài thuê mặt bằng để tiếp tục kinh doanh. Để tránh chuyện bị đuổi, bị xem là chợ cóc, những tiểu thương này đăng ký lập hẳn doanh nghiệp.
Ông Trần Kim Long, Phó ban Quản lý chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), cho biết mỗi một chủ hàng thịt, hàng rau đều là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân hay một công ty trách nhiệm hữu hạn, tệ nhất cũng là giám đốc chi nhánh. Ông chỉ cụ thể trước cửa một ngôi nhà trên đường Hoàng Hoa Thám có một quầy bán thịt, chỉ có một chiếc bàn bày thịt và một chiếc dù che. Chi nhánh của doanh nghiệp này là hàng rau đặt “trụ sở” ở địa chỉ nhà bên cạnh.
Không lập doanh nghiệp thì lập hợp tác xã. Ví dụ Hợp tác xã Thương mại dịch vụ B.C xin mở “chi nhánh” là một quầy hàng thực phẩm tươi sống đặt tại khu phố gần chợ Hoàng Hoa Thám.
Tiểu thương trong chợ thì ế, than rằng các hàng thịt, hàng rau ở ngoài hút hết khách. Thế nhưng ban quản lý không xử lý gì được, vì những hàng thực phẩm bên ngoài đều có giấy phép, trong giấy phép ghi rõ ngành nghề bán lẻ thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy hải sản, rau củ quả, ghi rõ “trụ sở” với địa chỉ ngôi nhà đó, ông Long cho biết.
Tiểu thương làm giá Sức mua yếu thì ở nhiều nơi đều yếu nhưng ở chợ là yếu nhất, cần nhìn nhận nguyên nhân. Lý do khách quan như nhà lồng chợ chật chội, phải gửi xe mới vào được, nước đọng, nhiều rác… Lý do chủ quan còn do tiểu thương nói thách, cân thiếu, không ghi giá cả rõ ràng, buôn bán không niềm nở. Tôi làm ở đây mấy năm trời mà chỉ dám mua ở hàng quen, đến hàng lạ cứ sợ bị họ đốt “phong long”. Một thành viên trong ban quản lý chợ Chợ Tân Bình có hơn 12.000 sạp hàng. Bốn tháng đầu năm có hơn 550 hộ xin ngưng kinh doanh. Tại chợ Phạm Văn Hai, khu thủy hải sản, rau củ quả, thịt heo có khoảng 100 sạp tạm ngưng kinh doanh (khoảng 25% trong tổng số 400 sạp). Khu ăn uống có trên 80 hàng thì trên 20 sạp xin nghỉ. Khu kinh doanh chạp phô, gia vị có trên 230 sạp thì gần 40 sạp xin tạm nghỉ. (Theo thống kê của các ban quản lý chợ) |