Thực phẩm chức năng: Thả nổi giá bán, chất lượng

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã tăng hơn 300 lần, số lượng sản phẩm tăng gần 160 lần từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa có một “công cụ” nào để phân biệt hàng thật - giả và vì sao nó bùng nổ nhanh đến vậy?

Thổi giá

“Giá nào cũng chiết…” - lời bỏ nhỏ của một giám đốc kinh doanh các nhãn hàng chuyên về thực phẩm chức năng ngoại nhập khi nói về mức chiết khấu cho các đại lý tại thị trường TP HCM

Collagen hiện đang là từ khóa “nóng” trên mạng, thu hút rất nhiều người tiêu dùng Việt. Các nhà phân phối đang mạnh tay chiết khấu cho đại lý và cho quảng cáo với mục tiêu “phổ cập và nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt” về công dụng của sản phẩm này. Collagen chỉ là một điển hình trong các loại thực phẩm chức năng (TPCN) đang “nóng” hiện nay. Các sản phẩm TPCN khác cũng đang bị thổi giá bằng nhiều cách.

Chiết khấu “khủng”

Chỉ tính riêng sản phẩm bổ sung collagen Nhật tại Việt Nam hiện có trên 5 nhãn hàng cao cấp đang cạnh tranh dữ dội về giá. Mức chiết khấu có thể lên đến từ 25%-50% tùy vào số lượng sản phẩm phân phối. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số sản phẩm xách tay chuyên về collagen có mức chiết khấu “khủng” nhưng thường khá vất vả khi phân phối ra thị trường bán lẻ trong thời điểm hiện tại. Lý do là gần đây, các cơ quan chức năng siết chặt thị trường sau nhiều vụ mỹ phẩm - TPCN giả bị phanh phui.

Thực phẩm chức năng: Thả nổi giá bán, chất lượng - 1

Lô hàng thực phẩm chức năng trị giá 10 tỉ đồng, nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản không bảo đảm chất lượng vừa bị lực lượng QLTT TP HCM tiêu hủy

Khảo sát thị trường TPCN tại TP HCM, nhiều đại lý bán lẻ cho hay: “Các nhà phân phối cạnh tranh rất quyết liệt về chính sách hỗ trợ đại lý như chiết khấu sản phẩm, hỗ trợ quảng cáo, marketing… Nếu phân phối số lượng từ 3.000- 5.000 sản phẩm/năm, các đại lý sẽ nhận được mức chiết khấu lên tới trên 50% giá bán lẻ so với giá nhập về từ công ty. Thậm chí, để được đặt banner quảng cáo tại những đại lý lớn nằm trên địa bàn quận 1, các công ty TPCN còn phải trả phí hằng tháng”.

Thực phẩm chức năng: Thả nổi giá bán, chất lượng - 2

Báo cáo doanh thu tháng tại các đại lý của một công ty kinh doanh thực phẩm chức năng ở TP HCM Ảnh: Ngọc Ánh - Lê Vân

Một nhân viên kinh doanh các mặt hàng TPCN cho biết thu nhập của họ có thể lên tới vài chục triệu đồng/tháng nếu đạt “target” (chỉ tiêu doanh số bán ra - PV) từ công ty hay đại lý. Các kênh mà mặt hàng TPCN nhắm vào thường là hệ thống nhà thuốc, phòng mạch uy tín, spa, thẩm mỹ viện… “Hầu hết những công ty phân phối TPCN đều có tiền “típ” (hoa hồng - PV) hằng tháng rất hấp dẫn cho tư vấn viên tại các thẩm mỹ viện để chạy hàng cho công ty họ” - nhân viên một thẩm mỹ viện lớn nằm trên đường 3 Tháng 2, quận 10, chia sẻ.

Không riêng gì thẩm mỹ viện, những nhà thuốc, phòng mạch kê toa đều được các công ty chăm sóc kỹ càng với những khoản chiết khấu, tiền “típ” còn mạnh tay hơn trình dược viên.

Vài tuần trở lại đây, giới kinh doanh TPCN tại TP HCM khá đau đầu khi chạy doanh số cho công ty. Lý do là sự kiểm tra đột xuất trở nên thường xuyên tại các đại lý bán lẻ của các ngành chức năng. Tuy vậy, đây cũng là thời điểm các đại lý tranh thủ gom hàng để được mức chiết khấu hời nhất từ nhà phân phối.

Chỉ trong buổi sáng, giám đốc một công ty phân phối TPCN lớn ở TP HCM hồ hởi khoe đã chạy doanh số được gần 200 triệu đồng từ đại lý sau 2 tuần ế ẩm. Đổi lại, mức chiết khấu cho đại lý thời điểm này có khi lên tới hơn 50% nhưng vẫn hiệu quả hơn so với việc để hàng chạm “đát” sẽ khó tiêu thụ, thậm chí hàng tồn vĩnh viễn.

Đổ tiền tỉ để quảng cáo

Một thực tế ghi nhận được là “sức mạnh quảng cáo” cho các sản phẩm TPCN hiện nay ít nhiều đã và đang “tẩy não” người tiêu dùng. Vì thế, lượng khách hàng tham gia thị trường ngày càng đông, giúp doanh số phân phối mặt hàng này tại một số công ty ở TP HCM dao động từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp (DN) tiết lộ tham vọng của họ là đẩy doanh số lên vài tỉ đồng/tháng là hoàn toàn có thể nhờ “típ” mạnh cho trung gian, chiết khấu siêu lợi nhuận cho đại lý và bung tiền để quảng cáo. Trung bình, những đại lý lớn có thể chạy doanh số cho công ty từ vài chục triệu đến trên 100 triệu đồng/tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức chiết khấu cho việc phân phối sản phẩm collagen nói riêng và TPCN nói chung trên thị trường hiện nay quá cao khiến giá bán bị thổi lên gấp nhiều lần so với giá của công ty nhập khẩu và phân phối. Thậm chí, mức giá đại lý có được có thể ngang ngửa với nơi nhập khẩu và phân phối. Ngoài ra, các vấn đề về giấy tờ bảo đảm chất lượng và quảng cáo bị thanh - kiểm tra rất ngặt nghèo dẫn đến việc giá bán bị đội lên tới mức “siêu khủng”.

Ngoài collagen, các dạng TPCN khác như: sữa ong chúa, nhau thai cừu, thức uống “thanh lọc” cơ thể, giảm cân dạng viên hay uống cũng rất hút hàng. Giá các mặt hàng này khá bình dân, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/tháng nên được giới văn phòng ưa chuộng. Một số TPCN khác có mức giá cao hơn thuộc hàng “xa xỉ”, giá bán từ 2-4 triệu đồng/hộp, thường được nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao.

Với giá chia làm nhiều phân khúc thị trường như vậy, ngoài tiền chiết khấu, các nhãn TPCN còn chạy quảng cáo với kinh phí hằng năm từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Quản lý của người mẫu K. tiết lộ hiện nay, DN kinh doanh TPCN rất chịu chi cho các người đẹp. Giá của một hoa hậu đại diện cho nhãn có thể dao động từ 30.000-40.000 USD/năm. Tuy giá “chát” nhưng không phải nhãn nào cũng dễ dàng chọn được người đại diện thương hiệu vì cuộc chiến chào giá còn đòi hỏi các nhãn phải nhanh chân mới có được người đẹp đại diện cho thương hiệu của mình.

Chính vì vậy mà người tiêu dùng hẳn sẽ “bật ngửa” nếu biết được toàn bộ chi phí cho quảng cáo, chiết khấu cho đại lý… đều được các nhà phân phối đưa vào giá thành sản phẩm khiến giá bán bị thổi lên chót vót. Và hẳn nhiên, với giá thương mại từ các đại lý phân phối, chất lượng sản phẩm cũng từ đây bị “thổi” lên thông qua việc quảng cáo quá lố so với chất lượng thực.

Tăng trưởng nóng

Theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), Việt Nam là 1 trong 3 thị trường TPCN có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, cứ 100 người ở Hà Nội thì có 56 người sử dụng TPCN, tại TP HCM tỉ lệ này là 48/100.

Nấm mọc sau mưa

Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF), năm 2000 cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, nay con số này là trên 4.000 cơ sở. Cùng thời điểm ấy, chỉ có 63 sản phẩm TPCN có mặt tại Việt Nam nhưng nay thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó gần 40% là hàng nhập. Điều này cho thấy những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh TPCN bùng nổ tại Việt Nam. “Nhận thấy TPCN là mảnh đất màu mỡ nên hơn 90% DN vốn chỉ sản xuất dược phẩm đã nhanh chóng tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Thậm chí, có cơ sở trước đây đang sản xuất thức ăn cho động vật nay chuyển sang sản xuất TPCN cho người” - PGS Trần Đáng lo ngại.

Theo PGS Trần Đáng, thị trường TPCN lộn xộn, khó kiểm soát là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất còn quá lỏng lẻo, ai cũng có thể xin phép sản xuất TPCN. Trong khi đó, TPCN tuy là thực phẩm nhưng liên quan lớn đến sức khỏe, phải bảo đảm yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng, độ tinh khiết chứ không chỉ đơn giản như rửa sạch thịt rồi đóng vào bao ni-lông là xong. “Việt Nam chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN và những chất cấm. Do đó, một số DN dược đưa cả các thành phần thuốc vào TPCN” - PGS Trần Đáng nhận định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các mặt hàng TPCN vô cùng đa dạng, thượng vàng hạ cám. Nhiều loại TPCN được các công ty bán hàng đa cấp quảng cáo như thần dược để thu hút người tiêu dùng, trong khi phần lớn các DN này chưa đưa ra được chứng cứ khoa học về thử nghiệm lâm sàng. Theo giới chuyên môn, chính tình trạng quảng cáo quá đà, thổi phồng tác dụng của sản phẩm, quảng cáo như thuốc, thậm chí còn hơn cả thuốc đang làm méo mó thị trường TPCN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Vân - Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN