Thủ tục bán sang Trung Quốc vẫn tắc, hàng trăm tấn tôm hùm bông chờ 'giải cứu'

Tôm hùm bông ở Khánh Hòa tồn hàng trăm tấn, tiểu thương thu mua nhỏ giọt, trong khi giá đang xuống rất thấp khiến người nuôi “than trời”.

Ngày 19-12, ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết đơn vị đang tồn khoảng 60 tấn tôm hùm bông thương phẩm.

“Đầu tháng 12, một số tiểu thương đến thu mua nhưng số lượng không đáng kể so với lượng tồn của các thành viên trong hợp tác xã. Hợp tác xã hiện đang tồn khoảng 60 tấn chưa biết bán cho ai, bán đi đâu” - ông Thái nói.

Tồn hàng trăm tấn tôm hùm bông

Theo ông Thái, hiện giá tôm xuống rất thấp, loại một chỉ ở mức 1,2 triệu đồng/kg, còn loại hai, ba có giá dưới một triệu. “Người dân mong mỏi hàng ngày việc tiêu thụ lượng tôm tồn để có tiền trả nợ vay lúc xuống giống nuôi” - ông Thái mong muốn.

Đến hết năm 2023, dự kiến Khánh Hòa tồn khoảng 400 tấn tôm hùm bông. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đến hết năm 2023, dự kiến Khánh Hòa tồn khoảng 400 tấn tôm hùm bông. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tương tự, hàng trăm hộ dân nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh và TP Cam Ranh đang mong mỏi các thủ tục xuất khẩu tôm hùm với phía thị trường Trung Quốc sớm hoàn tất, giải quyết nỗi lo thua lỗ, vướng nợ nần.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, nghề nuôi tôm hùm được nuôi chủ yếu tại bốn địa phương là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh.

Thống kê của Sở NN&PTNT, đến cuối tháng 11, toàn tỉnh có hơn 74.000 lồng nuôi tôm hùm, với sản lượng trên 1.722 tấn. Trong đó, địa phương đang tồn đọng sản phẩm tôm hùm bông nhiều nhất là huyện Vạn Ninh.

Cụ thể, sản lượng tôm hùm bông ở Vạn Ninh còn tồn đọng đến hết tháng 11 khoảng 135 tấn (kích cỡ 1kg/con), dự kiến đến hết năm 2023 sẽ tồn khoảng 355 tấn (kích cỡ từ 0,7 đến dưới 1 kg/con). Còn tại TP Cam Ranh đến hết năm 2023, dự kiến tồn khoảng 40 tấn (kích cỡ từ 0,7 đến dưới 1kg/con).

Trao đổi với PLO, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi các thủ tục xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị vướng, địa phương đã giao sở, ngành vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngư dân.

Theo ông Nam, tỉnh đã giao Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm tiêu thụ tôm hùm bông cho người dân.

Trong đó, Sở Công Thương được giao đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ ở trong và ngoài tỉnh. Còn Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm tôm hùm bông của tỉnh Khánh Hòa.

“Tỉnh chủ trương giải quyết khó khăn của ngư dân nuôi tôm hùm bông ở thời điểm hiện tại. Điều này nhằm để giữ vững nghề nuôi và khó khăn về kinh tế trong khi chờ các cơ quan Trung ương, địa phương giải quyết thủ tục xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc”- ông Nam nói.

Thành lập hiệp hội nuôi tôm hùm

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, trên đây chỉ là biện pháp ngắn hạn, còn lâu dài tỉnh phải có đường hướng, chính sách cụ thể.

Theo ông Nam, hiện tỉnh đã giao các địa phương triển khai sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi tôm hùm ven bờ theo quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống và phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm tập trung, thực hiện thả phao tiêu, chia lô, phân luồng lạch để đảm bảo sức tải không ô nhiễm môi trường.

Tôm hùm bông là đặc sản của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tôm hùm bông là đặc sản của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Ảnh: XUÂN HOÁT

“Tỉnh cũng giao các cơ quan nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm. Đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở và bằng vật liệu mới. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm hùm bông chuyển dịch dần sang nuôi tôm hùm xanh hoặc các loài thủy sản khác phù hợp.

Tạo điều kiện trong việc liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tôm hùm (doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm tôm hùm. Tìm kiếm thị trường khác trên thế giới, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ Trung Quốc như hiện nay” - ông Nam nói thêm.

Cũng theo ông Nam, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT đề xuất, tham mưu thành lập Hiệp hội những người nuôi tôm hùm (giống và thương phẩm) để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất và thị trường.

Thị trường Trung Quốc đòi hỏi thủ tục gì với tôm hùm bông?

Theo kết quả làm việc giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và đại diện phía Việt Nam, từ tháng 5-2023, phía Trung Quốc đã sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc là cơ quan xây dựng quy định và quản lý đối với tôm hùm bông khai thác tự nhiên. Quy định đối với tôm hùm bông nuôi như sau: không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).

Đối với thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin cấp phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.

Cụ thể, thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây; còn yêu cầu đối với cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm.

Loài cá ở Việt Nam là đặc sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, giá 400.000 đồng/kg

Loài cá này sống ở sông, suối, hồi chứa ở nhiều khu vực, trong đó miền Bắc là nơi có nhiều nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoát ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN