Thủ đoạn mới tuồn phế liệu vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp

Ngày 26-7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đánh giá tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc lợi dụng nhập khẩu để vận chuyển hàng cấm vào nước ta.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn cho biết trước những nguy cơ và diễn biến phức tạp của việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, tổng cục đã chỉ đạo ngăn chặn và đưa lực lượng kiểm định xuống cùng với các đơn vị tại cảng biển để kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Quá trình rà soát đã phát hiện những lỗ hổng trong quá trình tiền kiểm và hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với hàng phế liệu. "Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở để làm giả giấy tờ thủ tục với mục đích nhập khẩu phế liệu. Hải quan đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện một số vụ việc và đã khởi tố vụ án" - ông Cẩn nói.

Thủ đoạn mới tuồn phế liệu vào Việt Nam - 1

Ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để tuồn phế liệu vào Việt Nam thông qua các cảng biển Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn làm rõ được một số thủ đoạn mới của các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Theo đó, lợi dụng việc chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, một số cá nhân người Trung Quốc đã chuyển hướng đưa loại hàng hóa này vào Việt Nam thông qua các cảng biển. 

"Họ sang tìm cách kết nối, thuê người Việt Nam đi xin giấy phép thành lập các nhà máy xử lý phế liệu. Qua đấu tranh, nắm bắt nhận thấy có nhà máy đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều nhà máy hoạt động trá hình chủ yếu để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để tiêu thụ" - ông Cẩn nêu thực tế.

Cụ thể, các cá nhân người Trung Quốc thu gom nguồn phế liệu từ các nước châu Âu, sau đó tìm cách nhập khẩu vào Việt Nam. Họ khai báo là phế liệu đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực chất qua kiểm tra đều không đủ và hiện có khoảng 1.000 container hàng hóa thuộc loại này. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng về các khung tranh cũ, sau khi đưa vào Việt Nam, các đối tượng người Trung Quốc sẽ thuê người tách lấy phần nhôm, còn toàn bộ rác thải (nhựa, kính...) để lại Việt Nam. "Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an điều tra về quy mô của các hoạt động này để có hướng xử lý" - ông Cẩn cho hay.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành rà lại tất cả giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép nhập phế liệu vào Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định không thể để Việt Nam trở thành bãi thải, không vì lợi ích nhóm nào đó mà ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, cộng đồng, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với lực lượng Hải quan khẩn trương điều tra, truy tố nhanh một số vụ vi phạm về môi trường do nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để làm gương, tránh tình trạng coi thường pháp luật, coi thường môi trường sống của người dân.

Báo động nạn giả xuất xứ

Một vấn đề phức tạp khác được nêu tại hội nghị là việc doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc đem về gắn nhãn mác "Made in Vietnam" để trà trộn với hàng hóa có xuất xứ trong nước. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, bắt giữ và khởi tố một số vụ việc về hành vi này.

Một dạng hoạt động tinh vi hơn mà hải quan cũng phát hiện trong quá trình đấu tranh là hàng hóa làm giả xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, các đối tượng nước ngoài móc nối với doanh nghiệp Việt Nam làm giả xuất xứ Việt Nam đối với các mặt hàng không phải Việt Nam sản xuất nhằm được hưởng các ưu đãi thuế quan ở các nước nhập khẩu.

Ông Cẩn lấy ví dụ về sản phẩm nhôm khi nhập vào thị trường Mỹ, nếu của Việt Nam sản xuất chỉ chịu mức thuế 15% nhưng nếu là sản phẩm của Trung Quốc phải chịu thuế nhập khẩu tới 374%. Cơ quan Hải quan đã phối hợp với công an ngăn chặn một vụ việc nhập khẩu nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu lên tới hàng trăm ngàn tấn, trị giá 2 tỉ USD. Tổng cục Hải quan đánh giá đây là một dạng tội phạm nhưng chế tài xử lý chưa có, trong khi nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN