Phạt như “gãi ngứa”, sách lậu đầy đường

Có lẽ hiếm có ở đâu trên thế giới, thị trường sách lậu lại sôi nổi và nhộn nhịp như ở nước ta, nhưng điều đáng nói là câu chuyện sách thật chưa ra đến thị trường, sách lậu đã bán được hàng ngàn cuốn.

Không đâu tìm mua sách giả dễ như ở Hà Nội. Thậm chí còn có những tuyến phố được coi là phố “sách lậu” như đường Láng, Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, Đinh Lễ, Nguyễn Xí...

Sách lậu vẫn.. sống khỏe!

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi luật Xuất bản năm 2004 có hiệu lực, sách lậu ít hơn bây giờ. Việc xin được một giấy phép in sách không hề đơn giản. Với sự ra đời của Luật Xuất bản, mọi thủ tục in ấn, phát hành dường như thông thoáng hơn. Nhưng chính việc cấp phép dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách lậu được in tràn lan.

Chính vì thế, mấy năm trở lại đây, tình trạng buôn bán sách lậu tại các cửa hàng, vỉa hè, lòng đường thuộc các tuyến phố Hà Nội được buôn bán một cách công khai, tấp nập, tràn lan đến nỗi đã hình thành nên những “con đường sách lậu” có tiếng.

Khi được hỏi giữa hai lựa chọn là “sách lậu” và “sách không lậu”, đa số các độc giả đều có chung lựa chọn là “sách lậu”. Đây là một thực tế đau lòng, nhưng cũng không khó hiểu bởi bản thân sách lậu giờ đây không chỉ có mỗi ưu thế giá thành rẻ bằng khoảng một nửa giá bìa những cuốn“sách không lậu” nữa, mà nay lại thêm yếu tố hình thức cũng không thua kém gì sách thật, dễ hiểu tại sao sách lậu lại đang... "lên ngôi".

Phạt như “gãi ngứa”, sách lậu đầy đường - 1

40% sách trên thị trường là sách lậu

Tại Hội thảo “Đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong họat động in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội” tổ chức sáng 13/11, ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó TGĐ NXB GDVN cho biết, đã đi kiểm tra tại các tụ điểm chuyên kinh doanh sách, kết quả là kiểm tra ở bất kỳ tụ điểm nào cũng thấy sách lậu.

Trưởng phòng Quản lý in, Cục Xuất bản, Phạm Trung Thông cho rằng, nguyên nhân là do chế tài không đủ mạnh, việc xuất bản và phát hành sách lậu hiện chủ yếu là bị xử phạt hành chính với mức xử phạt thông thường là từ 3-5 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng và tịch thu tang vật. Trường hợp bị xử lý hình sự cũng chỉ bị xử phạt tối đa là 1 năm tù giam.

Thực tế, mức phạt này chỉ như “gãi ngứa” so với lợi nhuận khủng mà hoạt động in lậu sách mang lại. Các cơ sở in lậu, các đầu nậu sách in lậu với thủ đoạn “hớt tay trên”, chỉ cần ngồi một chỗ nhưng thu về hàng trăm triệu đồng trong nháy mắt.

Theo ông Vương Chí Dũng, Chi cục trưởng chi cục QLTT Hà Nội, xã hội hóa thị trường xuất bản, in, phát hành với nhiều thành phần kinh tế tham gia đã gây ra mặt trái là in lậu. HN hiện có hơn 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp. Việc in lậu tràn lan làm méo mó bộ mặt ngành xuất bản, thị trường sách, đã khởi tố một số vụ nhưng hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, hiện sách lậu chiếm khoảng 40% sách lưu hành trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Nhà sách Thái Hà, ngay trong ngày đầu tiên phát hành, những cuốn sách “hot” ngay lập tức đã bị dân in lậu sách “luộc nguyên con”, không khác gì sách thật. Bản thân ThaiHabook cũng là nạn nhân của tình trạng này. Thậm chí, cuốn “Sống như Tiểu Cường” của nhà sách này còn bị dân in lậu “công” giá lên 85.000 đồng, trong khi sách thật chỉ 69.000 đồng. Giá sách lậu được in với giá bìa cao hơn sách thật từ 20-72 % là một thủ đoạn mới trong các vụ in lậu tại Hà Nội gần đây nhằm giảm giá 30-40%. Người mua tưởng rẻ nhưng giá bán vẫn cao hơn sách thật, chất lượng lại kém hơn nhiều.

Kiện thương hiệu: Hướng đi đúng?

Hiện nay, các giải pháp về kỹ thuật được các DN xuất bản áp dụng để đối đầu với nạn sách lậu, như dán tem chống hàng giả, (được xem là hữu hiệu nhất), giải pháp kỹ thuật trong in ấn, mã số sash, mã vạch, mã Cục Xuất bản… Đi đầu trong lĩnh vực này là NXB Giáo dục. Nhưng cho đến nay phương án này cũng đã bị dân in lậu đuổi kịp khi mà tem chống hàng giả cũng bắt đầu bị làm giả.

Một trong những hình thức chống nạn sách lậu được dư luận chú ý gần đây chính là những vụ khởi kiện để bảo vệ thương hiệu của Công ty First News (Trí Việt). Hai bị đơn của các vụ kiện này là Trường Ngoại ngữ Quốc tế Úc Châu và trường Ngoại ngữ Quốc tế Hội Việt Úc đã công khai xin lỗi First News, cam kết không tái phạm việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với những giáo trình Tiếng Anh do First News mua bản quyền và chấp nhận đền bù toàn bộ con số yêu cầu First News đưa ra trước đó, tổng cộng là 770 triệu đồng. Việc này đã đem lại hy vọng về phương thuốc “đặc trị” căn bệnh in lậu sách cho những DN xuất bản trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này. Tuy nhiên, đây là biện pháp khá tốn kém, mất nhiều thời gian và công sức.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Nhà sách Thái Hà, thiệt hại do nạn in lậu gây ra là vô cùng lớn, về kinh tế, về tri thức, về uy tín, thương hiệu, thế nhưng “việc quản lý sách lậu thời gian qua gần như bị buông lỏng, tôi không rõ trách nhiệm thưộc về ai: Công an, Quản lý TT, Cục XB, Cục bản quyền, Bộ TTTT hay Bộ VHTTDL… Các cơ sở in lậu hiện vẫn tự do hoành hành. Có lẽ kẽ hở của việc không cùng một khung pháp lý làm phát triển nạn in lậu, in giả, in trái phép tràn lan”.

Do đó, các DN xuất bản phải tự bảo vệ mình. “Tới đây chúng tôi sẽ đóng dấu DN lên sản phẩm. Nếu sách không có dấu là sách lậu, nếu dấu bị làm giả thì chúng tôi sẽ khởi kiện hình sự. Làm vậy rất mất công nhưng hiệu quả và tạm thời”, ông Hùng cho biết.

Để hạn chế tình trạng sách lậu hiện nay, “theo tôi, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở in, xử phạt thật nặng nếu phát hiện cơ sở in lậu. Đánh vào kinh tế là biện pháp hiệu quả nhất. Đơn cử như tịch thu máy in, đó là biện pháp tốt nhất để hạn chế việc in lậu. Đồng thời công khai danh tính các cơ sở in lậu trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Ý kiến này của ông Hùng cũng là ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực in, xuất bản hiện nay.

Theo đó, đã đến lúc phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự, xác định in lậu cũng giống như hành vi sản xuất hàng giả để xử lý với mức hình phạt cao hơn, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN