Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ 3 con lợn giống ban đầu, giờ đây đến thăm mô hình nuôi lợn rừng leo núi của chị Nguyễn Thị Cảnh (SN 1970) ở khối 6, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn (Lạng Sơn) đâu đâu cũng thấy những chú lợn lông đen xù xì chạy nhảy khắp các ngõ ngách nơi khu nuôi toàn núi đá. Nhờ “mát tay”cộng với sự mạnh dạn chị đã phát triển đàn lợn của gia đình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Clip chị Cảnh chăm sóc đàn lợn rừng leo núi của gia đình.

Dẫn chúng tôi thăm khu trại nuôi loài lợn leo núi của gia đình, chị Cảnh liên tục “cảnh báo” chúng tôi về độ dốc và sự trơn trượt của sườn núi. Bước ra khỏi cánh cửa phía sau ngôi nhà, đập vào mắt chúng tôi là núi đá vôi dốc trơn trượt do trời đang mưa. Chuồng trại được thiết kế, xây dựng theo những ngóc ngách đá vôi như ma trận và có độ dốc lớn.

Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán - 1

Đàn lợn tại trại nuôi của chị Cảnh chạy nhày leo dốc thoăn thắt.

Chị Cảnh dí dỏm: “Giống lợn rừng Thái Lan này khác lợn nhà, leo dốc núi giỏi hơn người, ngày chạy lên chạy xuống liên tục”. Chị kể: Một lần vô tình theo dõi chương trình về chăn nuôi trên TV thấy nói về mô hình nuôi lợn rừng ở Thái Bình. Nhận thấy giống lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên chị đã bàn với chồng đã mạnh dạn đầu tư, chăn nuôi lợn rừng từ năm 2008.

“Năm đó vợ chồng lặn lội về tận Thái Bình tham quan mô hình và mua 3 con lợn rừng giống với giá 300 nghìn/kg, nhưng đi vào khoảng tháng 7 thời tiết nắng nóng lợn chưa về đến nhà đã chết mất 2 con. Sau đó vợ chồng quyết tâm quay lại mua tiếp thêm 2 con nữa rồi từ đó là mới phát triển dần dần và được như ngày hôm nay”, chị nhớ lại.

Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán - 2

Thức ăn chủ yếu vẫn là rau cỏ, tinh bột chỉ mang tính bổ sung.

Chị cho biết: Hai vợ chồng chị quê dưới huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên năm 1992 mới “dạt” lên đây lập nghiệp. Mới lên lạ nước lạ cái, hai vợ chồng lại tay trắng.  Ban đầu vợ chồng chị thuê 8 sào đất ruộng ở ngoại thành thành phố để trồng rau mang ra chợ bán, mặc dù chăm chỉ làm việc nhưng đói nghèo vẫn đeo bám dai dẳng năm này qua năm khác.

May mắn mỉm cười khi chị biết đến mô hình nuôi lợn rừng, sau khi chuyển sang nuôi giống lợn rừng leo núi này gia đình chị có thu nhập ổn định. Khoảng 6 tháng sau cả 2 con nái đều trở dạ một lũ lợn con lon ton theo lợn mẹ “khám phá” cây cỏ, ngóc ngách núi đá vôi ngay sườn núi sau nhà. Ban đầu mới nuôi do chưa có kinh nghiệm nên lợn cũng hay bị ốm, bị viêm phổi và đi ngoài. Chị lại tất bật chăm sóc và tìm hiểu cách phòng bệnh cho đàn lợn của gia đình.

Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán - 3

Sườn núi đá vôi sau nhà được vợ chồng chị Cảnh cải tạo, thiết kế thành nơi chăn thả đàn lợn.

“Lợn rừng đẻ rất mắn, đẻ sòn sòn, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 10 – 14 con. Thức ăn cho lợn chủ yếu là cám mạch, cám ngô, cám gạo, cây chuối, các loại rau, cây lá trên rừng… Ngày nào tôi cũng phải leo lên khu rừng ở trên để chặt cây cỏ ném xuống cho đàn lợn ăn. May gần núi đá có nhiều cây cỏ, chỉ cần chặt 1 lúc là có cả đồng rồi ném xuống nên cũng thuận tiện”, chị Cảnh chia sẻ.

Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán - 4

Để có được khu nuôi như hiện tại, hai vợ chồng đã phải rất vất vả xây dựng, thiết kế.

Theo chị Cảnh, giống lợn rừng gia đình đang nuôi là giống lợn rừng Thái Lan, có sức đề kháng khá tốt nhưng chúng lớn khá chậm do chủ yếu cho ăn rau cỏ, tỉnh bột chỉ mang tính chất bổ sung nhưng đổi lại thịt lợn ngon, chắc và thịt giòn, khách hàng ưa chuộng. Vì vậy, đàn lợn nái đẻ ra bao nhiêu chị Cảnh đều để nuôi hết thành lợn rừng thịt, ấy thế mà bao nhiêu cũng không đủ bán. Một năm trọng lượng đạt được của 1 con lợn từ 40 – 50/kg tùy con.

Lợn rừng leo núi nhà chị Cảnh có sức đề kháng cao hơn lợn nhà, cho thả rông, leo núi nên không hay bị bệnh, nếu có cũng chỉ là bệnh tiêu chảy, chỉ cần bổ sung lá ổi, nhọ nồi… vào bữa ăn hàng ngày lợn sẽ khỏi bệnh.Nhờ sự kiên trì, chịu khó đến nay đàn lợn rừng của gia đình chị đã phát triển lên gần 55 con (trong đó có 5 con lợn nái). Hàng năm, gia đình xuất bán gần 60 - 80 con lợn rừng ra thị trường trong đó có lợn thương phẩm bán với giá lợn hơi là 150 nghìn/kg và lợn con làm giống (từ 8 - 10 kg) cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi giá 250 nghìn/kg.

Nuôi loài lợn leo núi, thịt chắc giòn, đẻ sòn sòn, mãi không đủ bán - 5

Nhờ sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm cuộc sống gia đình chị khấm khá và ổn định dần, được UBND tỉnh tuyên dương và tặng bằng khen về sản xuất kinh doanh giỏi.

Lợn rừng nuôi sạch, cho chạy bộ leo núi cả ngày nên chất lượng thịt ngon nên khách hàng đặt mua nhiều, chủ yếu là các nhà hàng trên TP.Lạng Sơn và các khách hàng có nhu cầu đến tân nơi đặt mua. Giờ đây khi mô hình nuôi lợn rừng đã giúp gia đình chị có doanh thu hơn 400 triệu/năm, cuộc sống dần khấm khá, ổn định, nhìn lại khoảng thời gian mới bắt đầu chị Cảnh vẫn nghẹn ngào: “Hồi đó vất vả lắm, muốn nuôi mà không có chỗ làm chuồng. Hai vợ chồng leo dốc, xách từng xô vữa, viên gạch, thanh sắt lên dốc núi đá phía sau nhà để ngăn chuồng, xây khu nuôi cho đàn lợn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chang Liễu ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN