Nông dân Ninh Thuận rớt nước mắt nhìn hàng tấn táo đổ bỏ cho dê, cừu ăn
Những ngày cận Tết, hàng trăm hecta táo của nông dân Ninh Thuận trong thời kỳ thu hoạch bị hư hại hoàn toàn, phải đem đổ bỏ cho dê, cừu ăn.
Video người dân Ninh Thuận đem táo đổ cho dê, cừu ăn.
Một ngày đầu năm 2019, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại xã Phước Sơn, xã Phước Hậu và xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều vườn táo của bà con đang trong thời kỳ thu hoạch đã bị vàng, thối và rụng trái. (Ảnh: Duy Quan).
Để giữ lại giàn cành cho vụ sau, bà con ở huyện Ninh Phước phải hái trái thối, hỏng xuống đất hoặc đem cho dê, cừu ăn. (Ảnh: Duy Quan).
Gia đình ông Phạm Ngọc Bông (ngụ thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) có hơn 3.000 m2 đất trồng táo, đầu tư hơn 10 triệu đồng. (Ảnh: Duy Quan).
Ông Bông giọng buồn rười rượi nói: “Bây giờ tay trắng rồi cậu ơi! Tất cả giàn trái đã bị hư 90%, hy vọng vớt vát lại được vài đồng mua thịt thà chuẩn bị Tết”. (Ảnh: Duy Quan).
Nhiều gia đình đã mất trắng hoàn toàn vụ táo Tết. Tiền công đầu tư hàng chục triệu đồng đã bị cuốn trôi đi theo mưa bão. (Ảnh: Duy Quan).
Bà Lê Thị Hương (ngụ thôn Ninh Quý 1, xã Phước Sơn) buồn bã cho biết: “Táo đang vào vụ Tết, hiện nay giá dao động từ 6.000 – 7.000 đồng, nếu thời tiết ổn định thì 2.000m2 của tôi hái cũng được 6 tấn, lãi tầm 25 triệu đồng. Nhưng do mưa tầm tã liên tục nên táo cũng hư hết. Bây giờ may ra thu về được vài trăm nghìn đồng”. (Ảnh: Duy Quan).
Cách gia đình bà Hương khoảng 50m là vườn táo của gia đình anh Bùi Văn Huy cũng chịu tình cảnh tương tự. (Ảnh: Duy Quan).
Anh Huy bộc bạch: “Hiện tại nếu không mưa vườn táo nhà tôi có thể thu hoạch được khoảng 5 tấn/sào. Từ nay đến Tết, gia đình cũng kiếm được kha khá. Nhưng bây giờ hư hết thế này thì không còn mặn mà Tết nữa”. (Ảnh: Duy Quan).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: “Hiện diện tích táo đang cho trái hư rất nhiều, nhất là trái đang thu hoạch trong mùa Tết năm nay. UBND xã cũng đã kiến nghị cấp trên tạo điều kiện để hỗ trợ về vật chất và kỹ thuật để bà con canh tác, giảm thiệt hại để giúp bà con ổn định cuộc sống”. (Ảnh: Duy Quan).
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết: “Trước tình hình thiệt hại, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai các giải pháp cho các địa phương tìm giải pháp khắc phục sau mưa lũ. Đồng thời, chúng tôi cũng cử cán bộ các phòng chuyên môn, các trạm bảo vệ thực vật tỉnh, các huyện, thành phố, bám sát địa bàn, cùng chia sẻ, cùng trao đổi, hỗ trợ nông dân một số giải pháp khắc phục”. (Ảnh: Duy Quan).