Nguy cơ phá sản ngành ngô Việt Nam vì giá thành cao ngất

Sự kiện: Kinh Doanh

Nối tiếp cây bông, ngành ngô (bắp) Việt Nam sẽ tụt hậu nặng nề do giá thành cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển do chậm áp dụng công nghệ.

TS. Lê Quý Kha, Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đưa ra cảnh báo như thế tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tổ chức ở TP.HCM mới đây.

Nguy cơ phá sản ngành ngô Việt Nam vì giá thành cao ngất - 1

Giá thành sản xuất ngô ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với thế giới. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dẫn số liệu công bố của tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), TS. Kha cho biết giá thành sản xuất ngô của Thái Lan 225 USD/tấn, của Philippines là 275 USD/tấn, của Indonesia là 282 USD/tấn. Brazil là nước có giá thành sản xuất bắp thấp nhất, 138 USD/tấn. Tiếp theo là Mỹ với 142 USD/tấn. Tại Việt Nam, con số này cao gấp đôi với 329 USD/tấn.

Sở dĩ ngô ở các nước phát triển có giá thành thấp vì mức độ cơ giới hóa, tự động hóa và áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất rất cao. Nhiều hoạt động canh tác được điều khiển bằng phần mềm trên máy làm đất. Cho đến gieo hạt, tưới tiêu đều có thể điều khiển bằng hệ thống cảm biến, không phải lao động trực tiếp ngoài ruộng. Sản xuất ngô được tính chính xác về sản phẩm, số lượng, địa điểm và thời điểm.

Cục Thống kê cho rằng diện tích ngô (bắp) ở Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu ha. Tuy nhiên TS. Kha không tin tưởng vào con số này. “Ngành ngô không phát triển và diện tích hiện đã giảm chỉ còn phân nửa. Ngành ngô sẽ nối tiếp ngành bông tụt hậu nhiều khi giá thành quá cao”, TS. Kha nhận định.

Nguy cơ phá sản ngành ngô Việt Nam vì giá thành cao ngất - 2

Cây ngô (bắp) là một trong các mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong giai đoạn 1995 - 2005, nhờ việc áp dụng các giống bắp lai mới và mở rộng diện tích, canh tác bắp Việt Nam chứng kiến bức tăng trưởng ngoạn mục khi tổng sản lượng tăng gấp 4 lần từ hơn 1 triệu tấn/năm lên hơn 4 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, mức tăng sản lượng khoảng dưới 5% trong những năm gần đây cho thấy các giống bắp hiện tại đã đạt mức tới hạn về năng suất. Sản lượng bắp sản xuất trong nước dù tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Bắp vẫn luôn là một trong các mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Sản lượng nhập khẩu bắp liên tục tăng từ 4,4 triệu tấn năm 2014 lên 8,3 triệu tấn năm 2017.

Nguy cơ phá sản ngành ngô Việt Nam vì giá thành cao ngất - 3

Mô hình trồng bắp biến đổi gen hiện đang được khuyến khích phát triển ở nhiều địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong một chiều hướng khác, báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết sau gần 4 năm cấp phép, mặc dù tỷ lệ ứng dụng biến đổi gen (BNĐ) tại Việt Nam chưa cao nhưng diện tích canh tác tăng mỗi năm  từ 12.500 ha năm 2015 đến khoảng 28.1000 ha năm 2017.

Số liệu ghi nhận cũng cho thấy ngô BĐG có năng suất tốt và chi phí đầu vào giảm đáng kể do giảm thuốc trừ sâu, công làm cỏ. Mô hình này hiện đang được khuyến khích phát triển ở nhiều địa phương khắp cả nước.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp trong nước phát triển chủ yếu theo số lượng, dựa trên tài nguyên, lao động, chi phí vật tư quá cao nên giá thành sản xuất ngô và nhiều nông sản khác đều cao.

“Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhưng năng suất lại thấp. Một người làm nông nghiệp chỉ nuôi được 2 – 2,5 người trong khi ở nước ngoài 1 lao động có thể nuôi 100 -150 người. Việc ứng dụng công nghệ cao là điều cấp thiết hiện nay để tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập của nông dân”, PGS. Bộ chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN