Khoai tây nghi nhiễm độc vẫn ngập chợ

Thông tin về việc 26 tấn khoai tây hồng Trung Quốc bị nhiễm độc mới được tiêu hủy tại Đà Lạt tràn ngập trên các trang báo, nhưng nhiều người vẫn vô tư mua loại khoai này về ăn.

Thậm chí, người bán còn cho rằng, thứ họ bán không phải khoai tây Trung Quốc mà là khoai tây Đà Lạt.

Khoai tây nhiễm độc bán tràn lan

Khoai tây hồng vẫn đang được bán khá chạy ở các chợ, thậm chí nhiều người còn ưa sử dụng loại khoai này vì hình thức bắt mắt, khi nấu rất bở dù vài ngày trước nó đã được công bố là có chứa chất độc hại chlorpyrifos vượt ngưỡng cho phép 16 lần.

Chị Phạm Thị Yến (phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đang chọn mua khoai tây hồng tại chợ Kim Liên cho biết: “Tôi không hề biết thông tin khoai tây hồng là khoai của Trung Quốc và nhiễm độc nên vẫn vô tư mua ăn. Khi mua loại khoai tây này tôi cũng có nói sợ khoai Trung Quốc nhưng người bán trấn an là khoai “tuyển” của Đà Lạt nên nó mới to và ngon như thế”. Chị Yến bảo, hai cháu nhỏ nhà chị rất thích ăn khoai tây chiên nên hay mua về chiên cho con.

Khoai tây nghi nhiễm độc vẫn ngập chợ - 1

Tiểu thương vẫn nói dối khi bán khoai tây hồng cho người tiêu dùng. Ảnh: MH

Tiếp cận chị Hà (chuyên bán rau, củ, quả tại chợ Ngọc Hà, Hà Nội), chúng tôi được rỉ tai bí quyết nghề nghiệp: “Trông bên ngoài, khoai tây hồng Trung Quốc cũng giống khoai Đà Lạt. Sau khi loại khoai này được nhập về, chủ buôn trộn đất đỏ trông lấm lem như mới đào để làm giả khoai nội, như vậy mới bán được. Ngay cả các loại rau cải bắp, củ cải, rau súp lơ cũng được đổi lại tên nội mới dễ bán”.

Tìm hiểu về khoai tây, bà Hoàng Thị Mai - một nông dân nhiều kinh nghiệm ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) khẳng định: “Khoai tây Việt Nam trồng chỉ có một vụ thu hoạch gần Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch. Khoai tây xuất hiện những tháng còn lại toàn là khoai của Trung Quốc. Khoai Trung Quốc rất rẻ và để được lâu, còn khoai ta thì nhanh hỏng. Cà rốt hay cải bắp cũng tương tự. Cà rốt ta chỉ để một ngày trời nóng là hỏng, còn của Trung Quốc để cả tháng cũng chỉ bị héo thôi”.

Nhận diện khoai tây hồng

Khoai tây hồng Trung Quốc có màu hồng, tía đỏ ở vỏ ngoài, củ to đều, vỏ dày. Một loại khoai tây khác của Trung Quốc lại có vỏ màu vàng giống như khoai tây ta nhưng củ khá to, vỏ dày. Cả hai loại khoai này thường xuất hiện quanh năm. Trong khi khoai tây ta củ thường nhỏ, vỏ mỏng, có vị thơm ngon.

Thông tin từ các tiểu thương cho biết, khoai tây Trung Quốc chủ yếu nhập về TPHCM tiêu thụ vì đây là thị trường lớn nhất cả nước. Nhưng để "đội lốt" khoai nội, thương lái thường đưa hàng về Đà Lạt, dùng đất Đà Lạt “phù phép” sau đó mới chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố lớn khác.

Ăn rau, củ, quả đúng mùa

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: “Rất khó xử lý được tiểu thương khi họ gắn “mác nội” cho hàng Trung Quốc vì đó chỉ là lời của tiểu thương nói với khách hàng, không có chứng cứ. Khoai tây Trung Quốc chỉ được phát hiện khi nó được đưa vào siêu thị nhưng ghi là xuất xứ Đà Lạt, hay một địa danh nào đấy”.

Cũng theo vị đại diện Chi cục QLTT thì trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu khoai tây Trung Quốc trên thị trường để giám sát, xử lý kịp thời.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau vụ khoai tây Trung Quốc ở Đà Lạt bị phát hiện chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, Cục sẽ tăng cường tần suất kiểm tra và nâng mức kiểm tra lên chặt hơn đối với mặt hàng khoai tây ở cửa khẩu. Đây là đầu mối quan trọng nhất vì phải qua cửa khẩu, khoai tây Trung Quốc mới phát tán đi các tỉnh.

Trong khi chưa thể ngăn chặn khoai tây độc hại trên thị trường, ông Trần Văn Mây - Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Vân Nội (Hà Nội) khuyên rằng: “Để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, người tiêu dùng chỉ nên ăn các loại rau, củ quả đúng mùa. Chẳng hạn như các loại rau họ cải chỉ nên ăn vào vụ cuối năm và đầu năm. Khoai tây thì ăn vào thời điểm trước và sau Tết vì đó mới đúng là thời điểm thu hoạch khoai tây của người nông dân Việt Nam. Ngoài ra, ăn khoai tây sau thời điểm này thường là khoai đã mọc mầm rất độc hại hoặc là khoai Trung Quốc không tốt cho sức khỏe”.

Theo các chuyên gia lĩnh vực hóa học cho biết, chất chlorpyrifos có trong thuốc bảo vệ thực vật rất độc hại. Vì vậy, dư lượng chất chlorpyrifos có trong khoai tây Trung Quốc, nếu người tiêu dùng ăn vào với hàm lượng nhất định sẽ gây ung thư phổi.

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách chọn các loại rau, củ, quả đúng mùa, dừng sử dụng khi có nghi ngờ không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nên chọn mua rau, củ ở những địa điểm uy tín, đảm bảo chất lượng, có sự kiểm soát chặt của cơ quan chức năng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hạnh (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN