Hàng Việt ra biển lớn: Dở khóc, dở cười

Sự kiện: Kinh Doanh

Sự bắt tay giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vẫn lỏng lẻo.

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mong muốn các thương vụ Việt Nam (VN) ở nước ngoài cung cấp thông tin nóng hổi kịp thời cũng như cảnh báo những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong xuất khẩu. Qua đó giúp cộng đồng DN Việt có thể xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng mới và không bị thiệt hại nặng như thời gian qua.

Giành nhau từng mét vuông

Chia sẻ tại hội nghị tham tán thương mại do Bộ Công Thương vừa tổ chức ở TP.HCM, ông Trần Tấn Thiện, Giám đốc Công ty Cà phê Hello5, nói: “Hiện nay việc bước ra thị trường xuất khẩu đối với hàng VN vẫn gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Thiện dẫn chứng câu chuyện để có mặt tại một hội chợ triển lãm quốc tế ở nước ngoài, các DN phải giành nhau từng mét vuông một để có thể quảng bá sản phẩm của mình với đối tác và người tiêu dùng nước ngoài. Nguyên nhân là do gian hàng tại hội chợ này của VN chỉ rộng 19 m² nhưng có tới… hơn 15 người đại diện DN chen chúc nhau. Hơn nữa, mỗi đơn vị làm một bảng quảng cáo riêng, to có, nhỏ có. Điều này trông rất lộn xộn.

“Quá nhiều đơn vị trong một gian hàng khiến hàng Việt quảng bá không hiệu quả, không tạo được ấn tượng đối với khách tham quan. Do vậy, đề nghị các tham tán thương mại sàng lọc chất lượng sản phẩm của DN từ đầu vào chứ không thể ôm nhiều DN vào một gian hàng rồi phó mặc họ muốn làm sao thì làm” - ông Thiện kiến nghị.

Câu chuyện Công ty Gỗ Global Home (có trụ sở chính tại Cộng hòa Czech), giám đốc là chồng của cô ca sĩ nổi tiếng, nhận hàng của nhiều DN đồ gỗ VN nhưng không thanh toán cũng được nhắc đến như một bài học thời sự cho xuất khẩu. Trong vụ việc này nhiều DN Việt thiệt hại lớn, trong đó có công ty cho biết mất hơn 7 tỉ đồng.

Hàng Việt ra biển lớn: Dở khóc, dở cười - 1

Gần đây có thêm nhiều mặt hàng mới của Việt Nam đã xuất ngoại. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại một công ty ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Sở dĩ DN Việt gánh chịu hậu quả nặng nề như trên, theo ông Bùi Hữu Thêm, Chánh Văn phòng Hiệp hội DN đồ gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (Hawa), một phần là do khi sự việc xảy ra, hiệp hội và DN đã tìm cách liên hệ với tham tán thương mại của Thương vụ VN ở Czech để xin thông tin về vị giám đốc Công ty Gỗ Global Home có dấu hiệu lừa đảo hay không. Đáng tiếc là qua nhiều lần liên hệ vẫn không nhận được câu trả lời. Đến khi nhận được văn bản trả lời thì sự việc đã xong, thiệt hại lớn.

Vụ việc trên và nhiều vụ việc khác cho thấy có nhiều bài học trong làm ăn với đối tác nước ngoài được rút ra. “Ví dụ tham tán thương mại cần thông tin cụ thể, nóng sốt để giúp DN tránh rủi ro khi làm ăn với đối tác ngoại” - ông Bùi Hữu Thêm đề nghị.

Hồi đáp về vụ việc đáng tiếc này, ông Trần Hiệp Thương, Tham tán thương mại của Thương vụ VN ở Czech, thừa nhận thương vụ không nắm được thông tin DN trên có lừa đảo hay không. Tuy vậy, lẽ ra DN phải hỏi thương vụ về đối tác của mình trước khi ký kết hợp đồng thì sẽ không chịu thiệt hại.

“Không chỉ vụ việc trên mà có một công ty cao su bị khách hàng lừa đảo không thanh toán số tiền lớn 300.000 USD. Đáng tiếc là vụ việc đã xảy ra cách đây 10 năm, nay DN mới đề nghị tham tán thương mại cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm hiểu đối tác. Chúng tôi cũng bay sang Slovakia để liên hệ xác minh nhưng khi đó DN này đã tuyên bố phá sản từ lâu. Do vậy, DN cần tìm hiểu thông tin trước khi ký kết hợp tác làm ăn” - ông Thương khuyến nghị.

Đừng đổ lỗi cho khách quan

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng Cơ quan Thương vụ VN tại Úc, cho biết Úc cũng như nhiều nước trên thế giới đang có những quy định chặt chẽ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, riêng năm 2017 có đến 39 trường hợp DN Việt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Úc, thậm chí có lô hàng bị tiêu hủy ngay lập tức.

Trước đây, lúc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN mỗi năm chỉ đạt mức 50 tỉ USD nhưng kinh phí chi cho xúc tiến thương mại cũng 100 tỉ đồng. Thế nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu đã gấp bốn lần, lên con số 200 tỉ USD mỗi năm, vậy mà kinh phí cho xúc tiến thương mại lại giảm chỉ còn 70 tỉ đồng. Vì vậy cần xem lại nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương TRẦN QUỐC KHÁNH 

Tuy vậy, bà Thúy cho rằng các DN VN cần bỏ suy nghĩ đó là do các nước đưa ra hàng rào kỹ thuật để làm khó hàng hóa Việt mà thực chất là họ đang gia tăng các chính sách để bảo vệ người tiêu dùng nước họ.

“Vấn đề DN phải làm sao đầu tư các sản phẩm chất lượng, sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu chứ không thể mãi xuất thô, sơ chế” - bà Thúy nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra rằng DN VN phải chấp nhận một thực tế rõ ràng rằng đó là quy định mới của nước nhập khẩu.

Đơn cử, luật chơi của Mỹ trước đây có thể cho phép DN VN nhập thép cán nguội về sản xuất ra sản phẩm tôn. Hiện nay, luật Mỹ lại bắt buộc tôn VN nhập khẩu vào Mỹ được làm từ thép cán nguội sản xuất tại VN, nếu nhập từ Trung Quốc thì bị đánh thuế cao.

“DN VN buộc phải tuân thủ quy định mới này. Mặt khác, khi xảy ra các vụ khiếu kiện, các DN tập hợp thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bộ cũng sẽ chỉ đạo tham tán thương mại tăng cường cập nhật thông tin, đưa ra những thông báo, cảnh báo sớm nhất cho DN nhưng chính DN cũng phải chủ động” - lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Giúp một doanh nghiệp thắng kiện 250.000 USD

Nhờ nỗ lực của các tham tán thương mại, thời gian qua nhiều mặt hàng Việt đã được xuất ngoại. Ví dụ tôm, xoài, thanh long vào Úc; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan...

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán VN tại EU và Vương quốc Bỉ, cho hay thời gian qua tham tán còn giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện bảo vệ DN VN. Điển hình như trong năm 2017, thương vụ đã giúp một công ty ở Khánh Hòa thắng kiện, đòi lại khoản tiền 250.000 USD. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN