Doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá xăng

Theo xác nhận từ một cán bộ của SaiGon Petro, doanh nghiệp này có mức lãi từ 700 đồng đến 1.500 đồng/lít và doanh nghiệp đã sẵn sàng giảm giá, chỉ còn chờ quyết định của Bộ Tài chính.

Cho đến chiều 19-5, Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái nào về việc quyết định cho giảm giá bán lẻ xăng dầu, dù suốt tuần qua giá dầu thô và xăng thành phẩm thế giới liên tục hạ, đồng nghĩa là món lãi của các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước ngày một "khủng".

Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi to

Cập nhật giá thế giới trong ngày hôm qua 19-5 cho thấy: Giá xăng A92 đã hạ xuống mức 115 USD/thùng, dầu hỏa xuống còn 121 USD/thùng, diezel 0,05S còn 124,4 USD/thùng, diezel 0,25S xuống còn 123,4 USD/thùng, dầu madút còn 673,6 USD/tấn. Các mức giá này đã thấp hơn khoảng 5% so với 20 ngày trước đó.

Theo tìm hiểu của PV từ một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu và cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp (DN) này đang lãi lớn do giá thế giới liên tục giảm, trong khi giá trong nước sau lần giảm nhẹ 500 đồng/lít xăng gần đây thì vẫn giữ nguyên. Theo tính toán, bình quân 15 ngày đầu tháng 5, giá xăng dầu thế giới giảm so với bình quân tháng 4 từ 4,7% đến 6,9% tùy theo từng chủng loại. Riêng xăng A92 giảm 9,1 USD/thùng (tương đương giảm 6,9%), dầu hỏa giảm 6,3 USD/thùng (4,7%), diezel 0,05S giảm 6,3 USD/thùng (4,7%), mazút giảm 5,3 USD/thùng (5,3%). Giá dầu thô thế giới cũng giảm 5,5 USD/thùng.

Có thể giảm 1.000 đồng/lít xăng

Sau quyết định giảm 500 đồng/lít xăng áp dụng từ 22h ngày 9-5, trong 10 ngày qua giá xăng thành phẩm thế giới liên tục giảm thêm trên 4%, đem lại mức lãi cho DN đầu mối hơn 1.000 đồng/lít xăng. Như vậy, giá trong nước hoàn toàn có thể giảm thêm khoảng 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, người ta dự đoán nếu quyết định giảm giá được đưa ra thì cũng chỉ ở mức khiêm tốn, việc điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu xăng dầu, hoặc trích quỹ bình ổn giá có thể được thực hiện đồng thời.

Theo xác nhận từ một cán bộ của SaiGon Petro, doanh nghiệp này có mức lãi từ 700 đồng đến 1.500 đồng/lít và doanh nghiệp đã sẵn sàng giảm giá, chỉ còn chờ quyết định của Bộ Tài chính.

Tổng Giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang cũng cho biết các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang lãi ít nhất 700 đồng/lít xăng, còn đối với những doanh nghiệp nhỏ không nhập hàng hoặc nhập ít khi giá thế giới còn đang cao thì họ còn lãi hơn nhiều. Nếu tính bình quân 10 ngày qua, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ có mức lãi từ 1.300 - 1.500 đồng/lít đối với hầu hết mặt hàng.

Các DN đầu mối xăng dầu đã có lãi, thậm chí lãi lớn và họ sẵn sàng giảm giá. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa có động thái gì về việc này thì cũng không ai dại gì mà tự nguyện chủ động sẻ bớt phần lãi của mình cho người tiêu dùng. Khi chưa có quyết định của Bộ Tài chính, các DN đầu mối so kè với nhau trong việc tăng chiết khấu cho đại lý kinh doanh xăng dầu để giữ thị phần.

Được biết, thông thường doanh nghiệp chỉ có thể chiết khấu cho đại lý ở mức trên dưới 600 đồng/lít. Các DN lớn có đủ lực để giữ được mức chiết khấu thấp, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì lại khác, để chiếm thị phần và đặc biệt là do vốn ít nên họ tìm mọi cách để quay vòng đồng vốn nhanh. Vì thế, họ sẵn sàng đẩy mức chiết khấu cho đại lý lên tới 800 đồng/lít hoặc cao hơn.

Việc này cũng gây sức ép không nhỏ đối với các DN đầu mối lớn, bởi việc tăng chiết khấu có sức hấp dẫn rất lớn, nhiều đại lý sẵn sàng ngả sang làm chân rết cho các DN đầu mối có quy mô nhỏ nhưng trả chiết khấu cao, từ đó các DN đầu mối lớn sẽ mất dần thị trường.

Doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá xăng - 1

Có thể giảm 1.000 đồng/lít xăng. (Ảnh minh họa).

Chỉ người tiêu dùng sốt ruột

Theo quy định, các DN phải xin phép khi muốn điều chỉnh tăng giá và phải giải trình lý do, cơ sở của việc tăng giá, nhưng về việc điều chỉnh giảm giá thì không có quy định chặt chẽ như vậy, DN đầu mối hoàn toàn có thể quyết định. Tuy nhiên, với chiều hướng phải giảm giá thì họ rất "khôn" khi chờ đợi quyết định từ phía cơ quan quản lý nhà nước (thực tế việc tăng hay giảm giá trong gần 1 năm qua đều từ quyết định của tổ điều hành thị trường của liên bộ Tài chính-Công thương) và động thái của các cơ quan quản lý nhà nước lại thường chậm, vì thế DN đầu mối cứ bình tĩnh… đợi!

Một cán bộ của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, việc cơ quan chức năng chậm đưa ra quyết định về việc giảm giá là theo quy định, không dựa vào sự tăng hay giảm giá thế giới trong vài ngày, mà phải dựa trên mức giá biến động bình quân của 20 ngày gần nhất và quan trọng hơn là khi quyết định mức giảm bao nhiêu, cần phải tính toán được các DN đang có mức lãi như thế nào để có quyết định điều chỉnh phù hợp, tránh việc vừa điều chỉnh xong lại phải tiếp tục điều chỉnh, gây biến động giá thị trường.

Theo các chuyên gia tài chính, để cập nhật nhanh hơn các chỉ số giá thành, chi phí, mức lãi, mức lỗ của DN đầu mối thì cần phải minh bạch hóa toàn diện các yếu tố liên quan đến kinh doanh mặt hàng xăng dầu, từ quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài, các chính sách ưu đãi của nhà cung cấp, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và các chính sách phân phối khác trong nước. Cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra chặt chẽ chi phí kinh doanh của doanh nghiệp ngay từ khâu nhập khẩu.

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, phải tăng cường quản lý và kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp, như mức chiết khấu phải kiểm soát đảm bảo việc chi chiết khấu cho đại lý xăng dầu không được vượt quy định. Bên cạnh đó, cần lập một bộ phận có đủ năng lực, độ tin cậy, theo dõi sát, kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời phân tích, dự báo ngắn, trung và dài hạn giá xăng dầu thế giới để phục vụ công tác điều hành.

Tuần qua, giá dầu thô đã giảm tới 4,8%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục giảm phiên thứ 6 do nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm sút của nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 18-5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 giảm 1,08 USD, tương ứng 1,2% xuống còn 91,48 USD/thùng trên sàn New York. Tính chung cả tuần vừa qua, giá dầu thô đã giảm tới 4,8% và đây là tuần thứ 3 liên tiếp, giá mặt hàng này suy giảm, chủ yếu xuất phát từ cơn biến động chính trị ở châu Âu và việc dự trữ dầu thô tại Mỹ hiện lên cao nhất trong suốt 22 năm. Với mức đóng cửa đêm qua, hiện giá dầu thô đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 26-10-2011. Cũng trong phiên đêm qua, giá các mặt hàng năng lượng khác có sự tăng giảm trái chiều. Xăng tháng 6 tăng 1 cent, tương ứng 0,4%, lên 2,89 USD/gallon. Dầu sưởi giảm 2 cent, tương ứng 0,7%, xuống 2,83 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ ngày 19-12-2011 tới nay. Tính cả tuần, dầu sưởi giảm 4,5%, giá xăng hạ 3,7%. Trong khi đó, giá khí tự nhiên giao tháng 6 tăng 15 cent, tương ứng 5,7%, lên 2,74 USD/ triệu BTU trong phiên 18-5, mức giá cao nhất kể từ ngày 11-1-2012, nâng mức tăng giá trong suốt tuần qua lên tới 9,3%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN