Đến lúc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang có vai trò mờ nhạt, nếu không trích quỹ, giá mặt hàng này sẽ hội nhập với thế giới

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định sự tồn tại của quỹ này là cần thiết. Tuy vậy, khi diễn biến giá xăng dầu không quá “sốc” như hiện nay, vai trò của quỹ là khá mờ nhạt.

“Vô thưởng vô phạt”

Tại kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 20-7, cùng với “mệnh lệnh” giảm giá xăng và giữ nguyên giá dầu từ phía liên bộ Công Thương - Tài chính, mức sử dụng Quỹ BOG cũng được điều chỉnh lại. Cụ thể, xăng khoáng giảm sử dụng quỹ từ 426 đồng/lít ở kỳ trước còn 0 đồng/lít; xăng E5 cũng giảm từ 467 đồng/lít còn 0 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 472 đồng/lít còn 51 đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 660 đồng/lít về 254 đồng/lít; dầu ma dút cũng giảm chi quỹ từ 151 đồng/kg xuống 136 đồng/kg. Trong khi đó, quỹ này tiếp tục được trích lập 300 đồng/lít đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Đáng nói, mức trích lập này đã được duy trì khá dài, bất kể diễn biến giá xăng dầu trên thị trường tăng hay giảm.

Đến lúc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - 1

Nếu không trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá mặt hàng này sẽ thấp hơn Ảnh: TẤN THẠNH

Từ đầu năm tới nay, diễn biến tăng giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới khá “đều tay” và duy trì ở biên độ không lớn lắm. Số tiền Quỹ BOG do trích lập đều đặn cũng phát huy tác dụng ở một số thời điểm nhằm giữ giá tăng ở mức thấp nhất có thể. Do đó, số dư quỹ còn lại ở con số không ít nhưng cũng không phải quá “khủng”.

Số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu vào 15 giờ ngày 20-7, ước Quỹ BOG của doanh nghiệp này còn 1.350 tỉ đồng. Như vậy, so với chu kỳ liền kề trước đó (ngày 5-7) ở mức 1.405 tỉ đồng, Quỹ BOG của Petrolimex đã giảm tiếp 55 tỉ đồng.

Song, quỹ này có phát huy tác dụng thực không khi đều đặn trích lập ở mỗi lít sản phẩm 300 đồng và “tước” mất cơ hội giảm giá sâu hơn trong nhiều thời điểm?

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng về mặt khoa học thì Quỹ BOG tỏ ra khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu. Bởi theo TS Độ, quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn.

Khi đó, quỹ sẽ giúp giảm cú “sốc” tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi “lạm thu” quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.

Còn hiện nay, giá xăng dầu dịch chuyển lên xuống với biên độ nhỏ. Vai trò của quỹ trong bình ổn giá - cụ thể là hạn chế tăng giá sốc - trong thời gian gần đây tỏ ra khá mờ nhạt. Chưa kể đến điều hành quỹ có thể gây băn khoăn trong dư luận với câu hỏi tại sao diễn biến giá thế giới giữ ở đà giảm mà quyết định trích quỹ vẫn được duy trì khá lâu?

Nên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tuy vẫn là mặt hàng được xếp vào danh mục “nhạy cảm” nhưng trong xu thế và các cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu xăng dầu ở nhiều thị trường đã giảm sâu. Hiện nay, thuế bình quân gia quyền được áp dụng chưa phải là phương án được giới chuyên gia đánh giá là tối ưu song cũng đã chứng tỏ phần nào định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa giá xăng dầu về gần hơn với thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đáng nói là Quỹ BOG vẫn được duy trì quan điểm kế thừa từ Nghị định 84 với mong muốn bình ổn giá các mặt hàng nhiên liệu phục vụ sản xuất và đời sống. Ngay từ khi Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu còn hiệu lực, đã có rất nhiều ý kiến góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực song kết quả là quỹ tiếp tục được tồn tại.

Như vậy là, cho đến hiện nay, người tiêu dùng vẫn chịu cảnh là phải “rút” thêm 300 đồng/lít cho quỹ thay vì được mua giá thấp hơn. Việc giá xăng dầu không phản ánh đúng thị trường sẽ còn tác động đến sản xuất và kinh doanh, giá cả các hàng hóa khác, tạo dây chuyền cả nền kinh tế bị ảnh hưởng. Lựa chọn này bị nhiều ý kiến đánh giá là không hợp lý và nên tiếp tục được đưa vào phần đánh giá tổng kết hiệu quả của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương chủ trì tới đây.

“Nếu thực thấy quỹ không hiệu quả, người dân không đồng tình thì các bộ nên xem xét chỉnh sửa Nghị định 83. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhiều lần đưa ý kiến nên bỏ Quỹ BOG để dần dần giảm bớt quy định hành chính, đưa giá xăng dầu hội nhập với thị trường thế giới” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Có thể gây tác dụng ngược

Theo TS Nguyễn Đức Độ, theo dõi các dự báo gần đây, có thể đặt ra lo lắng về việc giá xăng dầu sẽ tăng trở lại. Khi đó, không dám chắc nguồn quỹ sẽ ứng cứu được đến đâu để hạn chế tăng giá. Mối lo lắng của ông Độ có cơ sở bởi khi đã cạn quỹ, cộng với việc giá trong nước bị kìm hãm trước đó, có thể gây ra tình trạng phải tăng giá cực sốc để tránh lỗ cho doanh nghiệp. Khi đó, quỹ vừa không bình ổn được giá vừa tạo tác dụng ngược, xa rời thị trường. “Do đó, không thực sự cần thiết phải sử dụng quỹ này” - ông Độ đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN