Chặn nông sản độc ngay từ biên giới

Sau nhiều lo ngại về các mặt hàng nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư vượt mức cho phép, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, tới đây VN sẽ có nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nông sản độc ngay từ biên giới trước khi được nhập khẩu vào nước ta.

Ông Trung thừa nhận, thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau quả nhập khẩu vào VN đúng là có nhiều vấn đề. Mới nhất là 3 mẫu nho, và cả khoai tây đều có dư lượng thuốc BVTV gấp 3-5 lần.

- Trước tình trạng đó, Cục BVTV đã có giải pháp gì ?

Chúng tôi đã chỉ đạo cho các chi cục Bảo vệ Thực vật tham khảo thông tin, tập trung vào các loại hàng hóa, nhất là trái cây có nguy cơ mất an toàn, nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép.

Nhưng tôi cũng phải khẳng định rằng, hàng năm, chúng ta nhập khẩu rất nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn tối đa cho phép không phải là lớn nên người tiêu dùng vẫn hoàn toàn có thể yên tâm. Mặt khác, chúng tôi cũng luôn chủ động kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ cao, các loại rau, hoa quả có vỏ mỏng… lấy mẫu, không phải chỉ khi có sự cố xảy ra mới xử lý. Nếu mất nguy cơ an toàn, chúng tôi sẽ cảnh báo cho người tiêu dùng biết. Hiện nay, với phương pháp, cách thức làm như hiện nay chúng ta vẫn yên tâm có thể kiểm soát được độ an toàn của thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

- Phương pháp, cách thức để kiểm soát an toàn thực phẩm ông vừa nói ở trên cụ thể được thực hiện như thế nào ?

Hiện Cục BVTV được Bộ NN-PTNT giao kiểm tra ATVSTP theo Thông tư 13. Các nước đủ điều kiện nằm trong danh sách xuất khẩu thực phẩm vào VN phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan. Chúng ta được thẩm định và cử đoàn sang các nước có xuất thực phẩm vào VN để kiểm tra tận gốc. Đó là việc chúng tôi làm trước khi lô hàng đó xuất sang VN, đặc biệt là các mặt hàng có nguy cơ cao trước khi xuất vào nước ta. Khi sang tới VN, chúng ta tiếp tục lại lấy mẫu để kiểm dịch phân tích các mặt hàng này.

Hiện chúng tôi đã thực hiện kiểm tra ở Mỹ và Trung Quốc. Thực tế, các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, như khoai tây mỗi năm 30.000 tấn, rau, hoa quả nhiều mặt hàng chiếm tới 60 -70% với chủng loại khá đa dạng cam, quýt, lựu, nho, táo, rau, lê, dưa…

Chúng tôi sang các nước kiểm tra xem cách thức trồng ở trang trại, từ việc sử dụng thuốc BVTV, cách thức chăm sóc, thu hoạch, bảo quản ra sao… Các cơ quan của họ có kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không ? Căn cứ vào đó mới xem xét có cho nhập vào nước ta.

Khi về tới VN, chúng ta mới lấy mẫu theo hệ thống, kiểm tra tập trung vào các hóa chất nào. Qua đó rút ngắn quá trình kiểm tra, tránh tràn lan mà không hiệu quả.

- Hiện các nước có nhập khẩu mặt hàng nông sản của của VN đang đưa ra nhiều quy định, tạo ra hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa vào thị trường của họ, trong khi hàng rào kỹ thuật của nước ta để kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chưa tương xứng với thế giới, thưa ông ?

Không phải các nước bây giờ mới áp dụng hàng rào kỹ thuật, mà từ trước họ đưa ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, rất chuẩn mực theo quy định quốc tế. Đối với VN, sau năm 2007 khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta phải áp dụng quy định theo Hiệp định SPS (Hiệp định về vệ sinh ATTP và kiểm dịch động, thực vật), cũng như Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật mà VN tham gia ký kết.

Mới đây nhất, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Thông tư 39 về kiểm dịch đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trước khi xuất khẩu vào nước ta, nhằm loại bỏ các loại nông sản độc hại, kém chất lượng.

- Điểm mới của Thông tư 39 Ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật so với quy định trước đây là gì, thưa ông ?

Đây là thông tư tiếp cận dần với các quy định của quốc tế, nâng cao bước tiếp cận hàng rào kỹ thuật của quốc tế và nâng cao hàng rào kỹ thuật của chúng ta lên. Ngoài ra, trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đổi mới nhất là các thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào VN phải được phân tích nguy cơ dịch hại. Từ đó, chúng ta sẽ có đủ công cụ hữu hiệu để nganh chặn từ xa, bảo đảm hiệu quả kinh tế về mặt kỹ thuật để ngăn chặn dịch hại không xâm nhập vào VN.

Trước đây, chỉ quy định giống và quả tươi, thì Thông tư này bổ sung là cỏ, gỗ. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát ngoài thông tư này, chúng tôi phát hiện hàng hóa nhiễm sâu bệnh, lập tức tiến hành cho cơ quan kiểm dịch các nước xuất khẩu tiến hành đánh giá nguy cơ lại từ đầu ngay.

- Vậy quy định của Thông tư 39 có nằm trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đang được xây dựng không, thưa ông?

Dự thảo Luật đã đến lần thứ 8, điểm mới của dự thảo này là chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ thực vật, tăng thêm trách nhiệm cho chủ tài nguyên thực vật theo dõi, phòng trừ dịch hại của chủ sở hữu. Vấn đề công bố dịch cũng sẽ cơ động hơn cho các địa phương cũng như Bộ NN-PTNT. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ công bố dịch đối với dịch hại thuộc diện kiểm dịch thực vật hay dịch hại lạ. Để đảm bảo uy tín hàng hóa của VN trên trường quốc tế, tất cả các mặt hàng thực vật và có nguồn gốc thực vật xuất hay nhập đều phải kiểm dịch thực vật. Trong tình trạng khẩn cấp, đe dọa tới an ninh lương thực, gây tổn hại uy tín của hàng hóa VN trên trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu.

Vừa qua, EU ra thông báo đến 1/2/2013 chỉ 5 mẫu không đảm bảo sẽ cấm nhập khẩu. Hiện dự thảo luật của chúng ta cũng đã quy định vấn đề này. Đối với thuốc, cũng sẽ tập trung quản lý chặt chẽ hơn. Dự kiến tháng 9 gửi Bộ Tư Pháp và trình Thủ tướng Chính phủ, tháng 12 sẽ trình lên UBTVQH và tháng 5/3013 Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo này.

- Xin cảm ơn ông ! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Nguyễn (Diễn đàn doanh nghiệp)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN