Cà phê 'đểu': Sai đâu phạt đấy
Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (QLCLNLTS) Đắc Lắc cho rằng, việc lấy mẫu cà phê bột phân tích phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, chủ yếu là hàm lượng caffeine, độ ẩm, nấm mốc. Còn các phụ gia, hóa chất thì chưa thể kiểm tra, phân tích vì Bộ Y tế chưa quy định loại nào bị cấm, loại nào được dùng, liều lượng bao nhiêu...
Ông Trần Ngọc Thanh - Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS, Sở NNPTNT Đắk Lắk - cho biết, khi kiểm tra thì có nhiều nội dung như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, cơ sở có công bố chất lượng sản phẩm hay không. Sai đâu phạt đấy. Mức phạt căn cứ Nghị định 54/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 45/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt khoảng 3 triệu đồng/lỗi, đồng thời buộc tiêu hủy sản phẩm, tạm đình chỉ lưu thông...
Nhiều loại hương liệu, tinh càphê, muối, đường không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng tại cơ sở sản xuất cà phê Nguyên Lâm, Đắk Lắk.
Nhưng vấn đề được quan tâm là có những chất gì trong càphê bột, tác hại như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng? Ông Thanh cho rằng việc lấy mẫu, kiểm nghiệm phải bám vào các văn bản hướng dẫn, có định hướng chứ không thể kiểm nghiệm tràn lan được. Mục đích là kiểm nghiệm chất lượng theo tiêu chuẩn VN, chủ yếu là hàm lượng caffeine, độ ẩm, nấm mốc. Nếu các tiêu chí này vi phạm tiêu chuẩn VN hoặc không đúng với thông tin cơ sở đã công bố thì xử phạt.
Ông Thanh cũng thừa nhận, hàm lượng caffeine thấp là do các cơ sở sản xuất sử dụng chất độn nhiều để hạ giá thành như bột bắp, đậu nành. Còn phụ gia, hóa chất như chất tạo màu caramel, hương cà phê, vani... trong càphê thì chi cục không bóc tách được vì Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn loại nào cấm, loại nào được dùng, liều lượng bao nhiêu. Do vậy có bóc tách ra cũng không biết căn cứ vào đâu mà phạt. Chẳng hạn thấy cà phê có mùi lạ, nhưng không có hướng dẫn, định hướng, chi phí phân tích lại rất đắt nên không phân tích làm gì. Tóm lại, Chi cục QLCLNLTS chỉ căn cứ vào các văn bản của Nhà nước để xử phạt, còn thành phần nào trong cà phê gây hại cho sức khỏe, gây hại như thế nào thì chỉ có ngành y tế mới biết.
Cũng theo ông Thanh, xử lý kiên quyết nhưng cũng phải có đạo lý. Ở Đắk Lắk có khoảng 150 cơ sở chế biến cà phê bột, đa số là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đặc điểm chung là vốn liếng ít, trang thiết bị thô sơ, nhận thức pháp luật của chủ cơ sở còn hạn chế. Do vậy các trường hợp vi phạm lần đầu đều chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, nếu tái phạm mới phạt tiền, buộc tiêu hủy sản phẩm, nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh.
Về phía chi cục cũng có những khó khăn là chức năng quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản mới tiếp nhận từ ngành y tế từ năm 2012, hiện còn thiếu kinh phí, trang thiết bị, nhân lực. Sản phẩm quản lý thì rất đa dạng, trong khi các văn bản hướng dẫn của Nhà nước mới ban hành, chưa được cụ thể hóa... “Từ nay đến năm 2015, chúng tôi mới làm xong tổng sơ đồ. Đó là thống kê các cơ sở sản xuất, chia theo các nhóm ngành hàng, phân loại để có kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp. Trước hết chỉ tập trung kiểm tra các thông số có nguy cơ cao, sau đó mới mở rộng ra từ từ” - ông Thanh nói.