Bỏ ra 13 triệu USD nhập hoa lan, nhưng chật vật thu về hơn 4 triệu

Sự kiện: Kinh Doanh

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp hoa lan nhưng giá trị xuất khẩu còn thấp. Trung bình mỗi năm cả nước nhập khẩu 10 triệu USD hoa lan nhưng chỉ xuất khẩu được hơn 4 triệu USD.

Thâm hụt cán cân thương mại

Việc trồng và phát triển ngành hoa lan trên thế giới hiện nay chủ yếu tập trung ở một số quốc gia có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp như Hà Lan, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ... Để đánh giá tiềm năng phát triển ngành hoa lan nội địa, ngoài việc hiểu đối thủ cạnh tranh, việc hiểu rõ nhu cầu thị trường hoa lan thế giới là rất cần thiết.

Bỏ ra 13 triệu USD nhập hoa lan, nhưng chật vật thu về hơn 4 triệu - 1

Sản xuất hoa lan trong nước chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo số liệu từ Trademap.org, tình hình xuất khẩu hoa lan thế giới tăng dần qua các năm gần đây. Đặc biệt, cán cân thương mại hoa lan thế giới giai đoạn 2014 - 2018 luôn ở mức cao. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu đạt 2,17 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD, chênh lệch cán cân thương mại âm 221 triệu USD.

Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu hoa lan toàn cầu đạt 2,17 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD, chênh lệch cán cân thương mại âm 221 triệu USD.

Nhật Bản là nước có quy mô tiêu thụ hoa lan hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 2014 - 2018, cán cân thương mại hoa lan nước này luôn thâm hụt và dao động từ 58,2 - 64,8 triệu USD. Tương tự, mức thâm hụt của Trung Quốc khoảng 12,6 triệu USD; của Úc khoảng 6,2 triệu USD; của Mỹ 29 triệu USD... Đây đều là các khu vực thị trường tiềm năng đối với sản phẩm hoa lan Việt Nam trong thời gian tới.

Ngay trong nước, thống kê năm 2018, Việt Nam chi hơn 13 triệu USD để nhập hoa lan về cung cấp cho thị trường nội địa trong khi chỉ xuất khẩu được hơn 4,7 triệu USD. Trong đó Mỹ, Nhật Bản là các quốc gia nhập khẩu hoa lan Việt Nam hàng đầu. Hiện tại Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu hoa lan đứng thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, danh sách xếp hạng này chỉ có 6 – 7 nước.

Tỷ trọng của hoa lan Việt Nam chiếm phần rất nhỏ so với Hà Lan, Thái Lan. Mức độ biến động về giá trị xuất khẩu cũng không thể hiện rõ nét quá các năm như thị trường thế giới do sản phẩm trong nước chưa đa dạng, thị phần xuất khẩu chỉ tập trung ở một vài quốc gia châu Á quen thuộc.

Chưa tương xứng tiềm năng

TP.HCM là một trong những địa phương sản xuất và tiêu thụ hoa lan lớn trên cả nước. Thế nhưng, đánh giá tiềm năng sản xuất và xu hướng thị trường hoa lan của thành phố, ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM cho rằng, tình hình sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Diện tích hoa lan của thành phố hiện đạt 375ha, tăng 21% so năm 2015. Tỷ lệ này giảm so với giai đoạn 2010 - 2015, khoảng 42%. Nguồn lan của thành phố tập trung ở các huyện Củ Chi và Bình Chánh. Năm 2018, thành phố cung cấp khoảng 134,5 triệu cành.

Giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến khả năng cung ứng hoa lan của thành phố dù có tăng nhưng vẫn chậm hơn so giai đoạn trước, chỉ khoảng 17,7%.

Theo ông Tiến, thâm hụt cán cân thương mại ngành hoa lan thế giới giai đoạn 2014 - 2018 luôn ở mức cao. Điều này cho thấy tốc độ phát triển ngành hoa lan đang tăng rất nhanh theo nhu cầu.

Việt Nam có điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp cho phát triển công nghiệp hoa lan. “TP.HCM cũng có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đô thị, đặc thù như hoa lan. Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện còn nhiều hạn chế, khiến năng lực phát triển chưa tương xứng tiềm năng” - ông Tiến nói.

Đặc biệt, công tác nghiên cứu giống, lai tạo các loài đặc hữu, có bản quyền còn rất chậm nên phụ thuộc rất lớn vào giống từ Thái Lan. Nguồn giống hiện tại từ nước này lại là những giống xưa cũ, không còn giá trị cao, thậm chí có nguy cơ suy thoái do tích lũy mầm bệnh tiềm tàng.

Thị trường nhập khẩu hoa trong nước tăng từ 5,5 triệu USD năm 2014 lên gần 13 triệu USD năm 2018. Trong đó, Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần như tuyệt đối 100%.

Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở nhân giống cấy mô nhưng quy mô còn hạn chế, chất lượng không đều và chưa đủ năng lực cung cấp cho thị trường. Tỷ lệ nhập giống từ Thái Lan vẫn chiếm hơn 90% so với nhu cầu phát triển diện tích.

Theo ông Nguyễn Văn Trực - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, tiềm năng phát triển sản xuất hoa lan của thành phố còn rất lớn. Thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống, để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu. Về lâu dài, cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống. Sưu tập, thuần hóa làm nguồn lai tạo các loại lan rừng đặc hữu tiến tới đăng ký bản quyền.

“Đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường trong và ngoài nước để xây dựng vững chắc mối liên kết các nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp” - ông Trực chia sẻ.

Hoa loa kèn cao nửa mét, giá trăm ngàn khiến người Sài Gòn lặn lội ra Hà Nội mua

Hoa loa kèn là đặc trưng tháng 4 của người Hà Nội nhưng lại được người Sài Gòn ưa chuộng và săn tìm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Vỹ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN