Bắp biến đổi gien: Vẫn còn băn khoăn
Bắp biến đổi gien MON 98034 vừa được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, trong khi những tranh cãi về lợi ích của loại cây trồng này vẫn chưa kết thúc.
Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam - đơn vị duy nhất hiện nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho bắpbiến đổi gien MON 98034 kháng sâu bộ cánh vảy - cho biết vẫn cần tiếp tục đánh giá về hiệu quả thực tế của loại giống này trên đồng ruộng Việt Nam.
Chưa xác định giá thành
Theo ông Nguyễn Hồng Chính, do mới được cấp phép và chưa chính thức đưa bắp biến đổi gien ra trồng trên đồng ruộng nên công ty chưa có phương án về giá thành của giống này. Ông Chính cho biết muộn nhất là đến đầu năm 2015, giống bắp được cấp phép mới được công ty trồng thử để cùng nông dân đánh giá hiệu quả, từ đó mới có chiến lược trồng giống nào ở vùng nào, giá thành bao nhiêu thì được chấp nhận.
Sắp tới, giống bắp biến đổi gien sẽ được trồng thử nghiệm. Trong ảnh: Ruộng bắp lai ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An Ảnh: Đỗ Hương
“Loại giống này không mang lại hiệu quả tức thời nhưng sau ít nhất 3-5 năm, khi kỹ thuật canh tác được nâng cao thì hiệu quả sẽ cao hơn. Khi đó, có thể nâng giá giống lên ở mức nông dân có thể chấp nhận được khi so sánh với hiệu quả kinh tế” - ông Chính nhìn nhận.
Trong khi đó, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, lo ngại sẽ có yếu tố độc quyền trong việc cung cấp giống biến đổi gien cho nông dân bởi bắp biến đổi gien không để giống được. “Nếu họ nâng giá, nông dân không thể mua bởi giá giống bắp bình thường hiện chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi giá giống bắp biến đổi gien có thể lên tới 200.000 đồng/kg. Chưa kể, sự độc quyền còn nằm ở chỗ nông dân phải mua thuốc trừ cỏ và lệ thuộc vào quy trình chăm sóc của các công ty cung cấp giống” - ông Long phân tích.
Thực tế, đã có nhiều bài học từ các quốc gia trên thế giới cho thấy lợi ích của việc đưa giống biến đổi gien vào trồng đại trà lệ thuộc vào những người nắm công nghệ về giống.
Cân nhắc bài toán kinh tế
Thực phẩm biến đổi gien ra đời được kỳ vọng sẽ bù đắp sự thiếu hụt về lương thực, thực phẩm. Đối với Việt Nam, nếu phát triển được thực phẩm biến đổi gien sẽ giảm nhập khẩu bắp, đậu tương, khô dầu đậu tương và bã bắp cho chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo GS Trần Đình Long, loại bắp biến đổi gien mới được cấp phép chỉ kháng sâu hay kháng cỏ dại, năng suất không cao, trong khi Việt Nam cần bắp chịu hạn, năng suất cao. “Việt Nam đã có giống bắp năng suất 8-10 tấn/ha. Vậy tại sao có giống tốt mà không phát triển để dùng, lại nhập giống biến đổi gien, trong khi nguy cơ của loại cây trồng này chưa được đánh giá hết?” - GS Trần Đình Long đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, với bắp, Việt Nam hiện có khoảng 50% giống tự cung cấp, 50% phải nhập khẩu. Nếu cho phép triển khai cây trồng biến đổi gien thì nước ta sẽ gia tăng sự lệ thuộc vào nước ngoài do phải nhập giống và thuốc bảo vệ thực vật đồng bộ. “Gánh nặng nhập khẩu sẽ không giảm vì giá giống bắp biến đổi gien có thể đắt gấp 4 lần so với giống bình thường” - ông Long lo ngại.
Pháp cấm trồng các loại cây biến đổi gien Theo GS Trần Đình Long, đất đai nhiều nơi trên thế giới đã có biểu hiện xấu như thay đổi kết cấu, giảm độ phì nhiêu sau khi trồng và sử dụng thuốc trừ cỏ của các giống cây trồng biến đổi gien. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc quan tâm vì sao Pháp lại cấm trồng các loại cây biến đổi gien. “Tác động của cây trồng biến đổi gien là lâu dài, hiện nay chưa đánh giá hết được” - ông Long cho biết. |