UCI đau đầu vì 'doping công nghệ'

Cách đây 2 ngày, Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) đã phát hiện một scandal ở giải đua xe đạp địa hình. Điều đáng nói là VĐV sử dụng "doping" cho chính công cụ thi đấu của mình thay vì bản thân.

Năm 2012, làng thể thao thế giới đã chấn động trước thông tin Lance Armstrong -nhà vô địch 7 lần liên tiếp giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France, bị phát hiện sử dụng doping trong thi đấu. Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) đã ra phán quyết tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France (1999-2005) và cấm thi đấu suốt đời đối với tay đua người Mỹ. Từng được tung hô là VĐV vĩ đại nhất, Armstrong đã chấm dứt sự nghiệp của mình với tai tiếng là VĐV lừa dối tinh vi nhất trong lịch sử thể thao.

UCI đau đầu vì 'doping công nghệ' - 1

Vụ “doping công nghệ” đang gây rúng động làng xe đạp quốc tế

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là bê bối duy nhất trong lịch sử bộ môn đua xe đạp. Cách đây 2 ngày, UCI đã phát hiện thêm scandal ở giải đua xe đạp địa hình, chỉ khác là doping được VĐV sử dụng cho chính công cụ thi đấu của mình. Thông báo của UCI cho biết, họ đang tạm giữ một chiếc xe đạp bị nghi ngờ gắn động cơ bí mật tại Giải đua xe đạp địa hình U23 nữ thế giới 2016 diễn ra ở Zolder (Bỉ).

“Liên đoàn Xe đạp Quốc tế xác nhận có trường hợp gian lận công nghệ, một chiếc xe đạp ở Giải đua xe đạp địa hình U23 nữ thế giới 2016 đã bị tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra. Một động cơ được tìm thấy. Chúng tôi tin rằng nó có liên quan đến việc sử dụng ‘doping công nghệ’”, chủ tịch UCI Brian Cookson tuyên bố.

Tay đua sở hữu chiếc xe đạp này được xác định là nữ VĐV 19 tuổi nước chủ nhà Femke Van den Driessche. UCI đã phát hiện ra trường hợp này nhờ sử dụng một máy tính có thể đọc tần số phát ra từ động cơ.

Trong bối cảnh Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đang siết chặt việc kiểm tra doping đối với các VĐV trong mỗi mùa thi đấu, việc sử dụng “doping công nghệ” được cho là sẽ thuận tiện hơn và dễ dàng qua mắt BTC hơn. Nếu được sử dụng vào đúng thời điểm trong một cuộc đua, ngay cả một động cơ nhỏ cũng có thể tạo ra một sự bứt phá quan trọng về sức mạnh và tốc độ.

Trước đó đã có nhiều đồn đoán cho rằng, “doping công nghệ” có thể đã được sử dụng tại các cuộc thi chuyên nghiệp cấp cao nhất. Năm 2010, tay đua người Thụy Sỹ Fabian Cancellara dính nghi án gian lận sau chiến thắng thuyết phục tại Tour of Flanders. Năm ngoái, áo vàng Tour de France 2015- Chris Froome cũng bị nghi gắn động cơ vào xe đạp bởi anh luôn thể hiện phong độ chói sáng và cho thấy sự thống trị hoàn toàn trên những con dốc của dãy Alps.

Tuy nhiên, trường hợp trên là lần đầu tiên UCI chính thức xác nhận một động cơ bí mật được gắn vào xe đạp. Thep luật UCI, nếu bị kết là gian lận, tay đua có thể bị loại khỏi giải đấu, bị cấm thi đấu tối thiểu 6 tháng và bị phạt tiền từ 20.000 đến 200.000 franc Thụy Sĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN