Tức cười "ao làng" SEA Games: Siêu thiết bị 180 tỷ đồng vứt xó vì wifi yếu
(Tin SEA Games) SEAGIS - siêu thiết bị công nghệ được nước chủ nhà Philippines thai nghén có nguy cơ "vứt xó" ở SEA Games 30 vì vấn đề đường truyền mạng.
SEA Games 30 chỉ còn tính bằng ngày nhưng công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Philippines đến nay vẫn là mối bận tâm của nhiều người, trong đó có Arnold Labadan.
SEAGIS - siêu thiết bị công nghệ của chủ nhà Philippines có nguy cơ vứt xó ở SEA Games 30 vì... wifi yếu
Vào ngày 11/10, vị doanh nhân đến từ Butuan (Philippines) được Ủy ban tổ chức SEA Games Philippines (PHISGOC) yêu cầu phụ trách dự án chế tạo một phần mềm với tên gọi Hệ thống thông tin SEA Games (tên viết tắt: SEAGIS). Dự án có tổng giá trị lên tới 388 triệu peso (xấp xỉ 180 tỷ đồng, 7 triệu USD).
SEAGIS chứa đựng cơ sở dữ liệu về số huy chương, thành tích VĐV và nhiều dữ liệu quan trọng khác. Đặc biệt, phần mềm có thể kết nối trực tiếp với thiết bị tính thời gian, thành tích thi đấu và gửi tới thiết bị điện tử của khán giả theo dõi qua truyền hình, website hoặc ngay tại địa điểm thi đấu khi có kết quả.
Một dự án như SEAGIS thường mất 1 năm để hoàn thành, nhưng BTC SEA Games cho Labadan thời hạn khoảng... 1 tháng (SEA Games khai mạc vào 30/11). Vì vậy, ông và đội ngũ chuyên gia IT từ Philippines, Malaysia và Indonesia phải làm việc thâu đêm suốt sáng để kịp tiến độ bàn giao.
Cho tới nay, khi SEAGIS gần hoàn thành, một vấn đề nữa khiến Labadan đau đầu là cơ sở vật chất nghèo nàn ở một số địa điểm tổ chức thi đấu. Thậm chí siêu thiết bị bạc triệu có nguy cơ vứt xó vì... wifi yếu.
"Chúng tôi đã hoàn thành xong phần việc của mình, nhưng còn những người khác? Một số địa điểm thi đấu thậm chí chẳng đủ cơ sở hạ tầng để kết nối mạng, thế thì làm sao chúng tôi có thể đồng bộ phần mềm với thiết bị tính thời gian, điểm số?", Labadan bộc bạch.
Janette Obiena, người đứng đầu Hiệp hội Điền kinh Philippines (PATAFA) cũng lo ngại kết quả các môn thi sẽ không khớp với số liệu hiển thị trên SEAGIS nếu kết nối mạng không ổn định và khiến người theo dõi khó chịu:
"Lấy ví dụ nội dung chạy 100m, mọi người trên thế giới đều muốn biết kết quả ngay khi cuộc đua kết thúc. Nhưng nếu phần mềm và thiết bị tính điểm không hoạt động đồng bộ, khán giả không thể thấy kết quả ngay lập tức".
Hiện PHISGOC đang tích cực làm việc với 3 nhà mạng lớn ở Philippines nhưng sớm nhất phải tới ngày 15/11, công đoạn này mới hoàn thành, đồng nghĩa Labadan và cộng sự chỉ còn 2 tuần để tiến hành chạy thử nghiệm phần mềm.
"Thời gian và điểm số phải trùng khớp với thời gian thực tại địa điểm thi đấu, Nếu không, đó là thảm họa và chúng tôi sẽ mất mặt", Labadan than thở.
Martin Nguyễn đã có những lời khuyên cho võ sĩ Việt Nam thi đấu tại SEA Games.