Đắng lòng trước gia cảnh kình ngư Xuân Hiền

Vượt gần 300km từ TP Vinh (Nghệ An) đến xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình chiều 26/9, PV Báo Giao thông đã đến thăm hỏi động viên và trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng từ Chương trình “Chung tay vì ATGT” cho gia đình nạn nhân Trần Xuân Hiền - “kình ngư vàng” một thời của làng bơi lội Việt Nam, vừa tử nạn vì TNGT.

Cúng 3 ngày cũng là sinh nhật tuổi 31

Chúng tôi đến nhà anh Hiền khi gia đình vừa hoàn tất lễ cúng 3 ngày cho anh. Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi bất ngờ của anh. 

Bên bàn thờ, chị Phan Thị Thương (vợ anh Hiền) ngồi ôm đứa con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi, vẻ mặt thẫn thờ. Dường như cú sốc quá lớn khiến chị không còn khóc được nữa, hai mắt thâm quầng trên khuôn mặt gầy sọp vì mất ngủ. 

Bà Mai Thị Lài, mẹ anh Hiền, ôm đứa cháu nội 3 tuổi (con đầu lòng của anh Hiền), giọng bùi ngùi: “Từ hôm thằng Hiền mất đến giờ, nó (chị Thương) chẳng nói, chẳng rằng, cả ngày chỉ ngồi ôm con mà nức nở. Con khóc cũng chẳng buồn cho bú. Nhìn mẹ con nhà nó, ai cũng ứa nước mắt”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi một người bạn thân của anh Hiền đội mưa mang đến một chiếc bánh sinh nhật đặt lên bàn thờ anh, (hôm nay là ngày anh tròn 31 tuổi). Trong tiếng nấc nghẹn, chị Thương òa lên khóc: “Anh ơi! Bạn anh đến mừng sinh nhật anh kìa! Anh về gặp bạn anh đi. Rồi về đây với mẹ con em, ở dưới đó lạnh lắm anh ơi”. Vừa dứt lời, chị Thương ngất lịm.

Sau khi thắp nén hương lên bàn thờ và thay mặt Ban biên tập Báo Giao thông, chúng tôi trao tận tay số tiền 5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. 

Ông Trần Xuân Thống, bố anh Hiền cảm ơn Báo Giao thông, Chương trình “Chung tay vì ATGT” đã đến động viên, chia sẻ và tặng quà. Ông Thống kể: “Hiền là con cả trong 4 anh chị em, nó là đứa ngoan ngoãn hiếu thảo nhất. Gia cảnh khốn khó khiến Hiền sớm phải làm quen với công việc đồng áng. Mới 8 tuổi, Hiền đã ra đồng giúp đỡ bố mẹ, hàng ngày sáng đi học, chiều về chăm em, lúc rảnh rỗi nó lại cùng chúng bạn đi mò cua đánh cá. Trong xóm, ngoài làng ai cũng hết lòng khen ngợi nó không chỉ vì sự siêng năng, chịu khó mà còn về cái tài bơi lội “có một không hai”.

Năm 12 tuổi, Hiền đã trở thành VĐV ít tuổi nhất toàn quốc hoàn thành chặng bơi 10km trong Giải bơi vượt sông Bạch Đằng truyền thống năm 1994 tại Hải Phòng. Năm 13 tuổi, Hiền được gọi vào đội tài năng trẻ của tỉnh và được cử đi học tại Trường TDTT Quốc gia 3 - Đà Nẵng. Từ đó Hiền đã giành được nhiều huy chương cao quý”.

Trong tủ trưng bày đặt ngay sát bàn thờ của Hiền, có đến gần 30 chiếc huy chương các loại, cùng 3 chiếc Cúp vàng giành được trong các giải bơi lội. Ở vị trí trang trọng nhất là chiếc Huy chương Bạc bộ môn bơi 100m ếch tại SEA Games 2001 trên đất Malaysia, khi anh mới 19 tuổi. 

Tấm huy chương này không chỉ đánh dấu một chặng đường mới của thể thao Việt Nam, mà nó còn giải “cơn khát huy chương” ở môn bơi lội kéo dài đằng đẵng suốt 28 năm. Từ đó, Hiền được mệnh danh là “kình ngư vàng” của làng bơi Việt Nam.

Tưởng rằng với những “chiến công” hiển hách như vậy, kình ngư Trần Xuân Hiền sẽ có một vị trí xứng đáng trong làng thể thao nước nhà. Thế nhưng, những vinh quang trên “đường đua xanh” lại không song hành với đường đời. Năm 2004, sau mâu thuẫn với HLV trong đợt tập huấn tại Australia, Hiền đã sớm giải nghệ. 

Đắng lòng trước gia cảnh kình ngư Xuân Hiền - 1

Vợ và hai con kình ngư Xuân Hiền

Phòng trọ 9m2 trở thành dĩ vãng

Trở về quê hương với 2 bàn tay trắng, Hiền phải bắt đầu lại. Cũng như những VĐV các môn thể thao khác, những năm tháng vinh quang trên đường bơi không những không giúp anh có được cuộc sống tốt hơn mà nó còn lấy đi của anh rất nhiều thứ. 

Ngoài 20 tuổi, không việc làm, không trình độ học vấn, Hiền lại một lần nữa khăn gói rời xa quê hương để lập nghiệp. Trên chặng đường mưu sinh, Hiền đã phải làm đủ nghề: Từ trông xe, gác cửa cho đến làm thợ hồ, trực hồ bơi và gần đây nhất là làm nhân viên của CLB bơi lội Tân Phú (TP HCM). 

Năm 2009, khi đang theo học lớp Bổ túc trung học tại TP HCM, anh gặp chị Thương - cô công nhân may quê Nam Định, kém mình 3 tuổi. Số phận run rủi thế nào đã đưa 2 con người khốn khó gặp nhau, yêu nhau và nên vợ nên chồng. 

Có con rồi cuộc sống vốn đã khốn khó lại càng cực nhọc hơn. Cả 4 con người phải “chui ra chui vào” trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 9m2. Thu nhập hiện tại của cả gia đình chẳng đủ chi tiêu, hàng tháng gia đình nội ngoại, anh chị em vẫn phải gửi thêm tiền hỗ trợ 2 vợ chồng nuôi con. 

Cực chẳng đã, hai vợ chồng đành phải gửi đứa con đầu lòng về nhờ bà ngoại nuôi giúp. Đâu ai có thể ngờ, kình ngư lừng danh một thời không có lấy 1 tấc đất cắm dùi đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Vợ con cũng không có tiền để mua áo quan, thuê xe đưa anh về quê Quảng Bình. Toàn bộ số tiền đều do bạn bè giúp đỡ.

Anh Trần Xuân Hiếu (em trai Hiền) cũng đang làm việc ở TP HCM kể về cái ngày định mệnh của anh trai mình: “Ngày Chủ nhật, anh Hiền còn gọi điện cho em, nói em tối lên nhà chơi. Chiều ni tranh thủ xuống nhà chị làm thủ tục nhập hộ khẩu, để khi lấy bằng Đại học xong sẽ được biên chế tại CLB bơi lội Tân Phú. Vậy mà chiều em sang nhà chờ mãi không thấy anh về, gọi điện không thấy ai nghe máy, tưởng anh đang trên đường về. Đến hơn 9h tối bất ngờ nhận được hung tin”.

Được biết không chỉ anh Hiền, mà ngay cả chị Thương cũng sắp được nhận vào làm tại CLB bơi lội Tân Phú. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của anh Hiền đã xóa đi tất cả những tia hy vọng mới thắp lên của gia đình. Giờ đây, không biết 3 mẹ con chị Thương sẽ sống thế nào, tương lai của 2 đứa nhỏ rồi sẽ ra sao khi bố mất sớm, mẹ không việc làm, không có nhà để ở. Gia đình dự tính cả 3 mẹ con ở lại luôn nhà chồng cơm cháo qua ngày, vì quay lại TP HCM thì cuộc sống càng bấp bênh hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thanh - Văn Lộc (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN