Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp!

Nhà nước đã dành ngân sách lớn để đầu tư cho các công trình phục vụ Sea Games 22 ở Hà Nội và các vùng lân cận, nhưng sau 9 năm nhiều công trình trong số này "đua nhau" xuống cấp.

Để đăng cai và tổ chức thành công Sea Games 22 năm 2003, ngành thể thao đã mạnh tay đầu tư vào các sân vận động, các nhà thi đấu. Tuy nhiên, những công trình này sau khi phục vụ cho một số đại hội thể thao tầm cỡ quốc tế đã không được sử dụng như mục đích ban đầu, hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Để tạo ra nguồn thu phục vụ cho việc duy trì, bảo dưỡng nhiều nhà thi đấu và sân vận động đã chuyển đổi hướng khai thác dịch vụ, nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Sân Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội)

Sân vận động Mỹ Đình chính thức đi vào hoạt động ngày 2/9/2003 để phục vụ cho Sea Games 22 tại Hà Nội. Chi phí xây dựng sân Mỹ Đình gần 53 triệu USD, sức chứa 40.000 chỗ ngồi và là sân vận động hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Sau khi được bàn giao và đem vào sử dụng, sau SEA Games 2003 Ban quản lý (BQL) sân Mỹ Đình phải "tự túc" tạo ra nguồn thu.

Hiện tại, một số khu vực của sân Mỹ Đình được người dân thuê để kinh doanh các dịch vụ không liên quan đến thể thao, hay tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn. Cụ thể, khu vực khán đài A biến thành sân tập tennis; mặt bằng sân vận động được "trưng dụng" thành các quán dịch vụ như: cà phê, khu mua sắm, khu ăn uống,... phần nào ảnh hưởng tới mỹ quan và thiết kế ban đầu của một công trình thể thao hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 1

Sân vận động Mỹ Đình bị khai thác kinh doanh ảnh hưởng tới thiết kế và mỹ quan.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 2

Các dịch vụ hoạt động tấp nập về đêm tại Sân vận động Mỹ Đình.

Cung thể thao Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội)

Cung thể thao Quần Ngựa được xây dựng từ quý I/2000 với tổng kinh phí 71,53 tỉ đồng để phục vụ các sự kiện lớn của Thể Thao Việt Nam như Sea Games 22, Lễ bế mạc Asean Para Games, Asian Indoor Games III (Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3)... Hiện tại, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao thì đây cũng là nơi dành cho các hoạt động "ngoài lề" như: họp, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật - âm nhạc, các lớp học võ, thể dục, thể hình... Tuy nhiên, những nguồn thu từ các hoạt động ngoài lề hàng năm so với số vốn đầu tư ban đầu của công trình cũng không thấm vào đâu.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 3

71,53 tỉ đồng để xây dựng cung thể thao Quần Ngựa.

Nhà thi đấu Gia Lâm (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội)

Nằm ngay sát quốc lộ 5, Nhà thi đấu Gia Lâm được xây dựng phục vụ Sea Games 2003 thi đấu môn Karate. Vốn dự toán để xây nhà thi đấu là 27 tỷ đồng với sức chứa khoảng 2.100 chỗ ngồi và 500 chỗ đứng. Năm 2009, khi Asian Indoor Games III diễn ra, Nhà thi đấu Gia Lâm được bố trí là nơi tổ chức thi đấu môn Kurash. Để tổ chức thành công giải đấu, nhà nước lại tiếp tục "rót" thêm 15 tỷ đồng vào đây cải tạo, nâng cấp.

Hiện tại, Nhà thi đấu chỉ phục vụ cho một số giải đấu nhỏ của thành phố Hà Nội và địa phương, thời gian còn lại dường như bỏ trống, hoặc cho một số đơn vị thuê để tổ chức hội thao, đại hội, liên hoan, các hoạt động văn nghệ... Ông Khúc Mạnh Tuấn, Giám đốc trung tâm thể thao Gia Lâm đã cho biết: "Hiện tại, Nhà thi đấu Gia Lâm chỉ tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng trên địa bàn huyện và đăng cai tổ chức một số giải đấu lớn của thành phố. Thời gian trống còn lại, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, các sự kiện lớn để tăng thêm nguồn thu, tu bổ cho nhà thi đấu".

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 4

Nhà thi đấu Gia Lâm, một trong những công trình có số vốn đầu tư lớn...

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 5

... có sức chứa hơn 2000 khán giả.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 6

Để tạo ra nguồn thu, Ban quản lý Nhà thi đấu thường cho các doanh nghiệp cá nhân tổ chức các hoạt động văn hóa.

Nhà thi đấu Hoàng Mai (đường Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội)

Nhà thi đấu Hoàng Mai (trước đây được gọi là Nhà thi đấu Hai Bà Trưng - Hà Nội) được xây dựng phục vụ môn cầu mây tại Sea Games 22. Năm 2009, nhà nước tiếp tục rót vốn đầu tư, nâng cấp nhà thi đấu này để phục vụ cho các giải thi đấu cấp quốc gia.

Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, Nhà thi đấu Hoàng Mai đang bị xuống cấp nghiêm trọng: hệ thống tường bao xung quanh xuất hiện rất nhiều vết nứt lớn kéo dài; hệ thống ổ cắm, phích điện trơ các mối nối, gây nguy hiểm cho các vận động viên; hệ thống ánh sáng phục vụ cho nhà thi đấu cũng xuống cấp, nhiều hệ thống đèn bị vỡ và thiếu ánh sáng.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 7

Mặt tiền của nhà thi đấu Hoàng Mai.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 8

Tường bao xung quanh Nhà thi đấu Hoàng Mai xuất hiện rất nhiều vết nứt như thế này.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 9

Hệ thống ánh sáng xung quanh nhà thi đấu hỏng hóc.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 10

Hệ thống điện sát mép sàn thi đấu lộ ra những mối nối giữa hai đoạn dây, gây nguy hiểm cho những vận động viên khi tham gia thi đấu.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 11

Hệ thống ghế ngồi cho khán giả cũng xuống cấp, nhiều chiếc ghế "bật" tung khỏi khán đài.

Trung tâm tập luyện bộ môn đua thuyền Hà Nội (đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội)

Để chuẩn bị cho Sea Games 22, nhà nước cũng đã chi khoảng gần 20 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng bến bãi cố định và di động, nhà tập thể lực, nhà tập huấn, cùng các hạng mục công trình khác phục vụ cho tập luyện và thi đấu của các vận động viên bộ môn đua thuyền.

Song mấy năm qua, thực trạng tại Trung tâm tập luyện bộ môn đua thuyền Hà Nội có nhiều bất cập khi dụng cụ hỗ trợ cho việc luyện tập của các vận động viên còn thô sơ, cũ kỹ và chưa đạt tiêu chuẩn, phòng tập thể lực quá bé trong khi số vận động viên đua thuyền cả nước về đây tập luyện ngày càng đông...

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 12

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 13

Một góc của trung tâm tập luyện bộ môn đua thuyền Hà Nội.

Công trình hậu Sea Games 22: Xuống cấp! - 14

Các dụng cụ hỗ trợ tập luyện thể lực cho các vận động viên đua thuyền đã cũ kỹ và xuống cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Hoàn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN