“Việt Nam đăng cai ASIAD, tôi lo lắm...”
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh, người đã nhiều năm gắn bó với công tác hoạch định, tham mưu các đề án phát triển thể thao của nước nhà, đã bày tỏ tâm trạng như trên sau sự kiện Việt Nam được trao quyền đăng cai ASIAD 2019.
Trước đây, vào thời điểm ngành Thể thao xây dựng đề án đăng cai ASIAD 2019, ông Minh là một trong những người đã có những phản biện về kế hoạch xin đăng cai ASIAD của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong đó ông đề xuất lùi thêm một số năm để nền kinh tế phục hồi giúp Việt Nam có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc đăng cai sự kiện thể thao lớn. Trước việc Việt Nam đã được chính thức trao quyền tổ chức ASIAD 2019, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Minh đã chỉ ra những băn khoăn về khâu chuẩn bị cũng như tổ chức của Việt Nam...
Thể thao Việt Nam "như đang ngồi trên lưng hổ"
* Từng nhiều năm gắn bó với thể thao nước nhà, cảm xúc của ông thế nào khi Việt Nam nhận quyền đăng cai ASIAD 2019?
Tôi hoàn toàn không bất ngờ khi biết Việt Nam nhận quyền đăng cai. Nếu như đây là thời điểm chục năm về trước, tôi khẳng định Việt Nam sẽ không có cửa. Tuy nhiên, việc nền kinh tế toàn cầu suy thoái, đã có những thay đổi trong các cuộc chạy đua xin đăng cai ASIAD.
* Ông có thể phân tích cụ thể hơn về cuộc đua đăng cai ASIAD 2019 và chiến thắng của đoàn Việt Nam?
Vì sao Đài Loan (Trung Quốc) lại bỏ cuộc? Vì sao UAE có tiềm lực tài chính như thế đã xin rút lui phút chót? Trước đó, nhiều quốc gia khác như Malaysia cũng xin thôi. Rõ ràng là các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã nhìn thấy những khó khăn trước mắt của nền kinh tế nên họ không dám mạo hiểm đầu tư cho một kỳ ASIAD rất tốn kém. Đó là lý do mà cuộc đua còn lại chỉ còn 2 ứng viên là Indonesia và Việt Nam, nhưng tôi đã dự đoán trước Việt Nam sẽ trúng và điều đó đã xảy ra.
* Như vậy, theo ông Việt Nam xin đăng cai ASIAD thời điểm này là quá sớm và dự kiến sẽ có nhiều thách thức với chúng ta?
Đúng vậy, tôi đã nói vấn đề này nhiều với báo chí. Chính tôi cũng đã nhiều lần đưa ra ý kiến đề nghị việc đăng cai nên lùi lại 4 năm, thậm chí là 8 năm nữa, chờ cho nền kinh tế phục hồi. Tôi xin đặt câu hỏi thế này, có ai trả lời được trong 7 năm nữa kinh tế sẽ như thế nào không? Nếu đi lên thì là tốt, nhưng nếu tiếp tục khó khăn thì cũng nguy đấy. Lúc đó, việc tổ chức một Đai hội thể thao lớn nhất châu lục, lại trở thành gánh nặng.
Ông Minh tỏ ra lo lắng cho việc VN đăng cai ASIAD
* Tuy nhiên Việt Nam đã rất quyết tâm đăng cai và chúng ta đã được chính thức trao quyền tổ chức. Ông nhận định như thế nào về tình hình thực tế này?
Vậy thì thể thao Việt Nam như đang ngồi trên lưng hổ rồi. Chúng ta buộc phải thực hiện đúng cam kết với OCA (Hội đồng Olympic Châu Á) là sẽ tổ chức thành công Đại hội. Tuy nhiên tất cả vẫn ở phía trước, chưa thể nói được điều gì lúc này.
Cần cái nhìn thực tế
* Từng tham gia tổ chức, điều hành các sự kiện thể thao lớn của Việt Nam, điều gì khiến ông lo lắng nhất về kế hoạch chuẩn bị của Việt Nam cho ASIAD 2019?
Thách thức lớn nhất chính là nền kinh tế phía trước được dự báo còn nhiều khó khăn. Tất cả đều thấy người dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất nặng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Như vậy, cùng lúc phải phục hồi nền kinh tế, cùng lúc phải đầu tư lớn cho Đại hội thể thao châu Á là việc khó để có thể giải quyết cùng lúc.
* Kinh phí dự trù cho việc tổ chức ASIAD 2019 đưa ra là 150 triệu USD được xem là vừa sức, không muốn nói là quá khiêm tốn cho một kỳ Đại hội lớn như ASIAD. Ông nhìn nhận như thế nào về bài toán tài chính cho việc đăng cai ASIAD 2019?
150 triệu USD mà anh Hoàng Vĩnh Giang (Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) đưa ra là con số chưa sát với thực tế. Theo kinh nghiệm của tôi, số tiền đó không đủ và chắc chắn sẽ còn phát sinh thêm nhiều.
* Căn cứ vào những cơ sở nào mà ông cho rằng những tính toán về kinh phí trên có thể phải xem lại?
Chúng ta đã thấy nhiều bài học rồi. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Moskva 1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Tiếp đó, lần tổ chức Olympic ở Hy Lạp năm 2004 đã trở thành gánh nặng và trở thành một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này những năm sau đó bị vỡ nợ. Gần nhất, Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỷ USD, nhưng thực tế lại gấp đôi con số này. Như vậy có thể thấy, hầu như các quốc gia đều có những phát sinh trong quá trình tổ chức và nếu không tính toán một cách thực tế nhất, chúng ta sẽ rơi vào cảnh khó khăn những năm sau đó.
* Vậy theo ông, con số kinh phí thực tế cho tổ chức một sự kiện tầm cỡ như ASIAD 2019 ước tính có thể sẽ là bao nhiêu?
Khó tính được vì thực tế tôi không còn là người trong cuộc. Tuy nhiên, cứ nhìn lần tổ chức AIG III (Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3) từ năm 2009 đến nay, tôi biết một số chi phí vẫn chưa quyết toán được. Một Đại hội thể thao lớn không chỉ có kinh phí xây mới các địa điểm thi đấu mà còn rất nhiều hạng mục khác. Điều này thì tôi đang băn khoăn không rõ ngành thể thao đã tính hết chưa.
Tôi đã có ý kiến rằng chúng ta cần phải có những cái nhìn thực tế, nhìn trước được mọi khó khăn rồi mới bắt tay vào làm. Cá nhân tôi cũng cho rằng các quan chức thể thao Việt Nam nên hết sức trung thực, khách quan trong việc nhìn nhận vấn đề. Chúng ta không thể cứ nhìn thấy cơ hội đăng cai là quyết làm, mà không tính đến chuyện có thể kế hoạch đăng cai ấy sẽ đánh đổi lấy những gánh nặng.
Dự báo nhiều thách thức hơn là thuận lợi
* Tạm gác những thách thức liên quan đến khó khăn về kinh tế, vấn đề trước mắt theo ông Việt Nam cần phải làm gì để tạo nên một kỳ Đại hội thể thao châu Á thành công trên sân nhà?
Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất thì lực lượng tham dự, lực lượng điều hành là rất quan trọng của mỗi nước chủ nhà.
Tôi cho rằng ngay từ thời điểm này, ngành thể thao phải xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV nếu không sẽ không kịp. Nên nhớ tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị đội ngũ VĐV mất gần 10 năm. Như vậy, để có một lứa VĐV tốt, chúng ta ít nhất phải bỏ ra 10 năm để chuẩn bị. Thậm chí như Trung Quốc, thời gian chuẩn bị còn gấp nhiều lần như thế. Những thế hệ VĐV như hiện tại, tôi đánh giá sẽ khó có thể đủ sức tranh tài sòng phẳng ở tốp đầu với các nước tại ASIAD trong 7 năm tới.
Với cách làm của thể thao Việt Nam hiện tại, chúng ta đang bị trống rất nhiều đội ngũ kế cận về lực lượng VĐV. Sau những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Tiến Minh, Hà Thanh...hiện TTVN chẳng có ai xứng tầm phía sau họ. Vậy thì liệu 7 năm tới, chúng ta có được những VĐV tài năng để có thể tham dự 35 môn, trong đó phần lớn là các môn Olympic?
Ngoài ra, lực lượng điều hành, tổ chức Đại hội cũng là khâu cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã trải qua SEA Games và AIG 3, nhưng đó là 2 sự kiện thể thao có quy mô vừa phải. Trong khi đó với ASIAD, Việt Nam sẽ phải có lực lượng điều hành, tổ chức lên tới hàng chục nghìn người. Nhìn vào thực tế hiện tại thì đa số các Liên đoàn thể thao đều không có kinh nghiệm trong khâu tổ chức. Điều đó thật sự là một nỗi lo lớn cho những người làm công tác chuyên môn.
* Về mục tiêu nước chủ nhà Việt Nam giành 10-15 HCV để lọt vào tốp 10 ASIAD 2019, theo ông mục tiêu trên đã thực tế với thực lực của các VĐV chúng ta?
Đó là một mục tiêu thiếu cơ sở. Như tôi đã nói ở trên, với những gì hiện có chúng ta không có đủ lực lượng chứ chưa nói gì đến chất lượng. Nhìn các kỳ Olympic gần đây, đoàn Thể thao Việt Nam đều trắng tay, còn ở ASIAD gần nhất, Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCV. Tất nhiên trên sân nhà, TTVN sẽ có nhiều lợi thế, nhưng điều đó là chưa đủ để đưa ra một chỉ tiêu như vậy được.
* Như vậy, mục tiêu quan trọng của việc đăng cai ASIAD 2019 là cú hích thúc đẩy sự phát triển của thể thao nước nhà đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn?
Đúng vậy, quả thực tôi cảm thấy lo lắng sẽ có nhiều thách thức hơn là thuận lợi. Ngay từ lúc này, TTVN cần phải bắt tay vào làm ngay nếu không sẽ không kịp. Tuy nhiên, làm gì và làm như thế nào thì tôi nghĩ khi vào cuộc dự kiến sẽ có nhiều lúng túng và đó là điều mà chúng ta cần phải xác định. Dẫu sao thì TTVN đang đứng trước những thách thức và thời cơ, là người từng tham gia công tác quản lý hoạt động thể thao, tôi mong sao những ý kiến của mình được nhìn nhận trên tinh thần đóng góp xây dựng. Một kỳ đại hội lớn như ASIAD, chúng ta không thể làm trong sự mơ tưởng được.
* Xin cảm ơn ông!