Ám ảnh chuyện ngộ độc thức ăn

Ngoài yếu tố chuyên môn hay nguy cơ bị trọng tài xử ép, điều mà các tuyển thủ Việt Nam lo nhất tại SEA Games 27 này chính là chuyện... ăn uống.

Hôm nay (ngày 4/12), đoàn quân tiên phong của thể thao Việt Nam lên đường sang Myanmar tranh tài tại SEA Games 27. Tại các kỳ SEA Games trước, từng có 3 sự cố dở khóc dở cười xảy ra liên quan đến… cái bụng của vận động viên và đều bắt nguồn từ các món ăn hải sản. 

Cả đội bị ngộ độc

Mục tiêu 4 HCV của ĐTQG môn Karatedo tại SEA Games 23 năm 2005 tưởng như đã tan thành mây khói khi vừa đặt chân đến thành phố Cebu (Philippines) một ngày, cả đội đồng loạt “dính” ngộ độc thức ăn tại khách sạn. Nguyên nhân xuất phát từ những món ăn hải sản được các đầu bếp phục vụ. Vụ ngộ độc thức ăn đã làm quá nửa số tuyển thủ bị rối loạn tiêu hóa, phải tiếp nước suốt cả đêm với sự đau đớn và mệt mỏi. Nặng nhất chính là hai võ sĩ hàng đầu, Bùi Việt Bằng và Nguyễn Ngọc Chung - hai người bị mất nước quá nhiều do rối loạn tiêu hóa. 

Hậu quả đã đến với đội ở ngày đấu đầu tiên với việc không giành nổi tấm HCV nào, kể cả ở những nội dung sở trường. Cũng may nhờ tích cực điều trị và ý chí quyết tâm của các võ sĩ nên Karatedo VN kịp “hồi sức” trong những ngày sau đó để đoạt 5 HCV chung cuộc. 

Ám ảnh chuyện ngộ độc thức ăn - 1

Xạ thủ Xuân Vinh suýt ôm hận vì sự cố liên quan đến ăn uống

“Tào Tháo" tấn công

Tại SEA Games 26 năm 2011 diễn ra trên đất Indonesia, ngay buổi tối trước ngày tranh tài, 6 nữ tuyển thủ (phần lớn thuộc diện đánh chính) của đội bóng chuyền nữ đã bị tiêu chảy khi dùng bữa tại nhà ăn khách sạn lưu trú tại Palembang (Indonesia). Thủ phạm được nhận định là món súp tôm biển có mùi vị khác thường. Rất may họ chỉ bị nhẹ, nên sau khi dùng thuốc và nghỉ ngơi, vẫn kịp hồi phục để thi đấu. Tất nhiên, tình trạng thể lực và phong độ suy giảm đáng kể. Hậu quả được giảm thiểu, vì cuộc so tài hôm đó mới là trận vòng loại, lại gặp đối thủ Thái Lan mà theo tính toán, Việt Nam sẽ không bung hết sức vì kiểu gì cũng thua. 

Thực tế hôm đó, ĐTVN cũng chỉ có thể thi đấu như đi bộ trên sân, phòng thủ và tấn công đều chệch choạc vì thiếu sức rồi thua nhanh người Thái sau 3 hiệp. Giả thiết, sự cố xảy ra trước trận bán kết chạm trán chủ nhà, rất có thể bóng chuyền nữ đã thua cuộc và không giữ nổi tấm HCB.

6 xạ thủ suýt không cầm nổi súng

Cũng tại Indonesia cách đây 2 năm, 5 xạ thủ trong đó có trụ cột số 1 Xuân Vinh của ĐT bắn súng VN đã “dính chưởng” sau bữa ăn tối nhiều vị hải sản đúng ngày khai mạc Đại hội. Họ đã bị “Tào Tháo” hành cho mệt lử, khuôn mặt hốc hác và nói chẳng ra hơi. Cực chẳng đã, Ban huấn luyện phải quyết định cho các xạ thủ nghỉ một ngày tập để tập trung điều trị, hồi phục. 

Do lịch thi đấu thuận lợi của môn này, nên cả 5 xạ thủ sau đó đều vẫn có thể “chiến đấu” song họ phải gắng gượng hơn gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ, khi thể lực và sự tập trung đã sa sút. Như thừa nhận của Xuân Vinh, người giành cú đúp HCV cá nhân, nếu như là môn đòi hỏi thể lực trực tiếp hoặc không có kinh nghiệm xử lý sự cố, chắc chắn anh đã thua cuộc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN