Xây nhà tái định cư… rồi để đấy!

Trong khi hàng trăm nghìn người vẫn đang khát khao chỗ ở, thậm chí nhiều hộ thuộc diện tái định cư vẫn đang loay hoay với bài toán an cư thì có những dự án nhà tái định cư xây xong rồi… để đấy. Những bất cập xung quanh câu chuyện nhà tái định cư đã được chỉ ra rất nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là có nên xây nhà tái định cư nữa hay không khi số tiền để phục vụ xây dựng các dự án tái định cư này không hề nhỏ, trong khi hiệu quả sử dụng rất thấp.

Nhà tái định cư không hiệu quả

Xây xong từ lâu tòa nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu đến nay vẫn chưa có bất kỳ người dân nào vào ở. Tọa lạc tại “địa điểm vàng” ngay mặt đường Đại Cồ Việt (cạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo), gần 160 căn hộ xây xong từ chục năm nay nhưng chỉ để tốn tiền duy tu, bảo dưỡng. 

Thực tế tại khu nhà, hiện 3 tầng đế mới chỉ có duy nhất một công ty thuê làm trụ sở và một đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại hoàn toàn trống không. Lối xuống tầng hầm để xe lối ra vẫn đang được bịt lại bằng cửa gỗ đóng tạm. Có 4 thang máy, tuy nhiên do có quá ít người sử dụng nên Ban quản lý tòa nhà chỉ vận hành luân phiên 1 thang để tiết kiệm. 

Trao đổi với PV, đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết, ông này mới chỉ về quản lý ở đây được vài tháng, trước đây là đơn vị khác, không nắm rõ mọi việc nên không phát ngôn. Tuy nhiên, vị đại diện Ban Quản lý này cũng thừa nhận, hiện vẫn chưa có bất kỳ một người dân nào dọn về đây ở. 

Xây nhà tái định cư… rồi để đấy! - 1

Tòa nhà tái định cư 4A Tạ Quảng Bửu nằm ở vị trí rất đắc địa nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có người ở.

Bà Đào Thị Lợi, số nhà 27A, ngõ 16 Tạ Quảng Bửu, người chứng kiến từ ngày đầu tòa nhà này được xây dựng cho biết, tòa nhà này vừa được cải tạo lại nên sạch sẽ hơn. Trước tòa nhà này bỏ hoang phải đến 15 năm, rác thải, ô nhiễm môi trường làm người dân rất bức xúc. 

“Rác thải, môi trường là một chuyện, bỏ hoang lâu ngày đây còn là nơi tập trung tệ nạn xã hội, nghiện hút, tiêm chích phức tạp lắm. Chính vì thế bà con ở đây rất bức xúc”, bà Lợi cho biết.

Để thấy các dự án nhà tái định cư thực sự kém sức hút đối với người dân chỉ cần điểm qua vài dự án đã đưa vào hoạt động. Cách vài bước chân từ dự án nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu là khu nhà tái định cư 8C. 

Cũng trên tuyến đường này, khu tái định cư 8C Tạ Quang Bửu cũng thuộc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà, đến nay vẫn còn nhiều căn chưa bố trí người dân vào ở. 

Trong khi đó, tòa nhà này cũng đang ngày càng xuống cấp, nhếch nhác. Kế đến là chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 đã hoàn thiện, cũng nằm ở vị trí rất đắc địa bên ven hồ Hoàng Cầu song số người dân về ở còn lác đác. Hàng trăm suất ngoại giao căn hộ vẫn được bán với giá trên 30 triệu đồng/m2.

Cần điều chỉnh chính sách tái định cư

Nhà tái định cư hiện nay đang bộc lộ quá nhiều bất cập, điều này thể hiện rất rõ qua phản ảnh của những người sống ở các khu tái định nhiều năm qua. Ông Nguyễn Hữu Bình, P206, NƠ 6 khu tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp bày tỏ bức xúc, từ khu vực Nguyễn Công Trứ chuyển về đây sinh sống 7 năm nay. Thực trạng khu nhà xuống cấp một cách đáng báo động. 

Thi thoảng, khu nhà có được đầu tư kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng, nhưng thực chất cũng chỉ là quét lại vôi ve ở mặt ngoài, vá víu tạm lại những điểm bị lún nứt. Người dân đã ý kiến rất nhiều, hàng loạt đơn từ, kiến nghị đã được gửi đi nhưng cũng chẳng có ai hồi đáp. 

“Nhà tái định cư có hai bất cập lớn đó là chất lượng quá kém và một vấn đề cũng rất quan trọng nữa là như gia đình tôi là đang từ chỗ làm ăn buôn bán, xuống đây cả nhà không biết làm gì, sinh kế rất khó khăn. Con cháu học hành cũng bất tiện. Chính vì thế mà rất nhiều gia đình ở đây đã phải bỏ để đi nơi khác”, ông Bình chia sẻ.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì việc đảm bảo được nhà tái định cư cho những người dân bị thu hồi nhà, đất là tích cực. Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư ra sao thì vẫn còn là vấn đề phải bàn. 

“Tôi cho rằng lý do khiến nhà tái định cư bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân. Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm…, đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp nên người dân không nhận nhà tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở”, ông Liêm phân tích. 

Vì thế, theo TS Phạm Sỹ Liêm, việc tái định cư nên thực hiện theo Luật Nhà ở, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.

Để giải quyết những bất cập về chất lượng của nhà tái định cư khiến người dân không mặn mà, UBND TP Hà Nội đang đề xuất “đặt hàng” nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư. Cụ thể, thành phố sẽ “đặt hàng” nhà thương mại từ một số dự án có chất lượng phù hợp. Về giá bán sẽ do liên ngành thành phố thẩm định. 

Ngay khi xây xong móng đủ điều kiện bán, thành phố sẽ giới thiệu người dân đến tìm hiểu và đăng ký. Như vậy ngay khi xây dựng xong, các căn hộ về bản chất đã có chủ. Với những căn hộ không có người đặt mua theo diện tái định cư thì chủ đầu tư có quyền bán cho người khác. 

Theo lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội, với cơ chế đặt hàng, chất lượng nhà ở, chất lượng dịch vụ gắn liền với trách nhiệm của nhà đầu tư. Nếu đầu tư chất lượng nhà kém thì sau này quản lý vận hành, nhà đầu tư phải bỏ thêm chi phí. Nhà đầu tư cũng không dám làm nhà kém chất lượng vì sẽ không có người mua. 

Đánh giá về phương án này, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng đây là phương án khả thi. Người dân giới thiệu đến các dự án, nếu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình thì mua. 

“Các chủ đầu tư nhà ở thương mại khi tham gia vào xây dựng chắc chắn họ phải làm tốt, như vậy mới có người mua, có nghĩa là đáp ứng được các yêu cầu cuộc sống của cư dân, chứ không phải chỉ có mỗi cái “xác” nhà như các dự án nhà tái định cư đã làm thời gian qua. Phải thay đổi chính sách giải phóng mặt bằng hiện nay. Nếu cứ tư duy thu căn nhà này và trả lại căn nhà khác nhưng chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào… thế thì làm sao người dân có thể vào ở. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay”, ông Liêm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hoạt (CAND)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN