Tín dụng ngoại tệ: Tăng mạnh “kèm” rủi ro?

Với việc tăng đột biến gấp gần 6 lần so với tín dụng nội tệ VND, tín dụng ngoại tệ tăng đã khiến dư luận e ngại về khả năng đô la hóa quay trở lại trong rổ tiền tệ sau thời gian từng giảm mạnh.

Tranh thủ tăng

Tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng đã đột nhiên tăng lên ngưỡng 3,52% - mức khả quan so với báo động có thể âm hoặc tăng cực thấp trước đó. Góp phần cứu tín dụng bàn thua trông thấy này không thể không nhắc tới sự đóng góp của tín dụng ngoại tệ (tăng tới 12,03% trong khi tín dụng bằng VND ì ạch chỉ tăng 2,17%).

Tín dụng ngoại tệ tăng sẽ kéo theo điều gì và có thực sự quan ngại? Theo đại diện NHNN, việc để tín dụng ngoại tệ tăng mạnh là có ý đồ. “Trong 6 tháng đầu năm 2014 tín dụng tăng trưởng thấp nên NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ để đẩy tăng tín dụng chung của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ lý giải.

Tín dụng ngoại tệ: Tăng mạnh “kèm” rủi ro? - 1

Tín dụng ngoại tệ tranh thủ tăng mạnh. Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB thì nhìn nhận: Phần lớn các khoản vay ngoại tệ phục vụ cho xuất khẩu. Mà đối tượng DN xuất khẩu có nguồn ngoại tệ nên ảnh hưởng không nhiều đến cầu ngoại tệ trên thị trường. Vì thế, xu thế chung của toàn ngành NH thời điểm này tín dụng ngoại tệ của NH tăng cao hơn VND.

Lý giải về việc tín dụng ngoại tệ tăng cao, lãnh đạo một NHTMCP cho hay là vì vay ngoại tệ lãi suất thấp, tỷ giá ổn định. Nên các DN đủ điều kiện vay ngoại tệ họ thích vay ngoại tệ hơn. Và NH sẵn sàng cho DN này vay vốn vì họ đảm bảo nguồn thu ngoại tệ tốt bán lại cho NH.

Cũng theo ông Tùng, so sánh với tăng trưởng những năm trước, con số tăng tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2014 không quá lớn thậm chí thấp hơn nhiều so với cách đây vài năm.Chưa kể có một thực tế được tính toán là tín dụng nội tệ gấp 8 lần ngoại tệ. Nên nếu tín dụng ngoại tệ có tăng 8 lần chỉ bằng tín dụng VND tăng 1 lần.

Có đáng ngại?

Về bản chất tăng tín dụng ngoại tệ, trao đổi với PV, lãnh đạo Vụ chức năng NHNN phân tích: Bản chất tín dụng ngoại tệ phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, mà riêng DN nhập khẩu hiện nay NHNN quản lý chặt chẽ.

“Nhiều năm trở lại đây xuất khẩu luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cho thấy nguồn thu ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu khá ổn định để trả nợ vay. Và điều này sẽ không tạo áp lực tới các ngân hàng phải bán ngoại tệ cho DN để trả nợ vay”- vị này khẳng định.

Còn với các NHTM muốn cho vay bằng ngoại tệ, theo vị này nhất thiết thì phải có nguồn thu ngoại tệ. Nếu nguồn ngoại tệ bắt đầu chạm vạch đỏ (trạng thái âm) nhất là vào mùa cao điểm kinh doanh, NH có muốn cho vay mạnh cũng không dám. Mặt khác, chúng ta cần hiểu rằng cho vay ngoại tệ DN sản xuất luân chuyển hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài hoặc phục vụ trong nước chứ không phải đẩy tiền mặt ra ngoài lưu thông ảnh hưởng đến tiến trình chống đô la hóa”, vị này nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm con số tín dụng ngoại tệ không quá lo ngại, nhưng theo TS Cấn Văn Lực vẫn phải để mắt đến tín dụng ngoại tệ. Có thể khẳng định các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trả nợ, bán lại cho NH. Nhưng không ai dám chắc DN đó sẽ bán lại toàn bộ ngoại tệ cho NH mình vay vốn mà có thể lại phân tán ra nhiều NH có thể hưởng chênh lệch chút ít về giá.

“Vì vậy, nếu mạnh tay cho vay ngoại tệ mà không cân đối nguồn tốt NH lại rơi vào bẫy thanh khoản mất cân đối đầu vào đầu ra. Như thế, NH có thể chịu rủi ro kép vừa chịu rủi ro tỷ giá, vừa chịu rủi ro thanh khoản”, một chuyên gia NH khác cảnh báo.

‘Việc đẩy mạnh cho vay ngoại tệ trong thời điểm này được một số ý kiến nhận định chỉ nền là giải pháp tình thế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi mà tín dụng nội tệ đang gặp khó. Nếu kéo dài dù ít nhiều vẫn sẽ tác động đến sự ổn định tỷ giá nhất là khi thị trường gặp biến cố như sự kiện biển Đông vừa qua rất có thể nhiều NH không kịp trở tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN