Thu hồi đất: Bèo bọt và vớ bẫm

"Vớ bẫm" là từ mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Quang đã dùng để chỉ những khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp kiếm được đằng sau 2 chữ thu hồi.

Trả lời báo chí, ông đưa ra con số "đền bù cho dân 1m2 mấy trăm ngàn, nhưng bán ra hàng triệu".

Thế hóa ra, tư lệnh ngành đất đai cũng biết, việc "thu hồi" đối với những dự án phát triển kinh tế xã hội thực chất là việc lợi nhuận chảy vào túi vài ông chủ đầu tư. Hóa ra người đang cầm trịch việc sửa đổi pháp luật đất đai cũng biết rằng, đằng sau sự "vớ bẫm" của một "nhóm lợi ích" nào đó là hàng ngàn, hàng triệu nông dân bị đẩy ra đường sau khi nhận một khoản tiền còi cọc, không biết làm gì tiếp để sống. Nhưng khoản lợi nhuận "đền bù mấy trăm, bán ra hàng triệu" chưa phải là kỷ lục về sự bất công.

Thu hồi đất: Bèo bọt và vớ bẫm - 1

Những người nông dân đã phải bỏ lại ruộng vườn vì bị thu hồi đất

Như đã phản ánh, ở Mộc Hóa, Long An, hồi năm 2000, những người nông dân đã phải bỏ lại ruộng vườn, cũng là sinh kế, với cái giá bọt bèo y như sự tước đoạt "5.000 đồng/m2" kèm theo một lời hứa "ưu tiên" cho mua một lô đất trên chính đất bị thu hồi của họ để có lối ra phần ruộng còn chưa bị thu hồi. 13 năm qua, thời gian đủ lâu để chính quyền quên bẵng lời hứa với dân, những người nông dân ở đó vẫn chưa được mua đất nên không có lối ra ruộng, diện tích đất canh tác nằm kẹt giữa khu dân cư nên phải bỏ hoang. 13 năm sau, họ mới được "ưu tiên" mua lại đất bị thu hồi với giá 150 triệu đồng/lô 64m2, cao gấp có 469 lần so với lúc bị thu hồi.

Sự bọt bèo cho khoản đền bù không nhiều hơn bát phở và sự chênh lệch trời biển giữa giá đền bù và giá bán, một bất công xã hội dán nhãn thu hồi chính là nguyên nhân khiến cho khiếu tố cả thập kỷ qua chưa bao giờ thôi gay gắt.

Câu hỏi vì sao một lần nữa lại được đặt ra. Người ta có thể đổ lỗi cho việc thu hồi đất là "khá tùy tiện", là do "nguồn gốc đất đai khá phức tạp", rồi thì "quá trình thu hồi liên quan nhiều cơ quan và lúc thực hiện có thể không công bằng, công khai, minh bạch; người thực thi lợi dụng để mặc cả, thu lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích"…

Điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì còn có một yếu tố đóng vai trò nguyên nhân cho mọi yếu tố. Đó chính là chính sách, cụ thể hơn, là Luật Đất đai còn quá nhiều kẽ hở cho bất công xã hội được tùy tiện giải thích và công khai tồn tại. Chính sách không thể đẩy người dân ra đường. Pháp luật không thể tạo ra những khoản "vớ bẫm" cho người này dựa trên sự tước đoạt của người khác.

Và lần này, "cờ" đang ở chính trong tay Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, với đường đi nước bước quá đỗi đơn giản, thậm chí, đã được chính những bất công xã hội chỉ rõ: Chấm dứt việc thu hồi trong những trường hợp dự án khoác áo "phát triển kinh tế xã hội".

Đất đai từ lâu đã chỉ còn "màu mỡ" đối với những nhà đầu tư miệng lúc nào cũng ra rả "phát triển kinh tế xã hội".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Đào (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN