Thêm 'cửa' xử lý ngân hàng

Theo các chuyên gia, việc Nghị định 01 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng của Việt Nam từ 15% lên 20%, thậm chí cao hơn là bước đầu tiên để mở cửa cho nhà đầu tư ngoại thực hiện đầu tư sâu vào các ngân hàng yếu kém trong năm 2014.

Theo các chuyên gia, việc Nghị định 01 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng của Việt Nam từ 15% lên 20%, thậm chí cao hơn là bước đầu tiên để mở cửa cho nhà đầu tư ngoại thực hiện đầu tư sâu vào các ngân hàng yếu kém trong năm 2014.

Thêm cửa nhưng vẫn khó

Theo Nghị định 01/2014 vừa được Chính phủ ban hành về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, từ 20/2 tới, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên 20% (quy định cũ là 15%). 

Mức sở hữu cổ phần tối đa (room) của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, room để vào ngân hàng nội địa có thể vượt mức 30% này, tùy thuộc vào quyết định của Thủ tướng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định 01 là tín hiệu tích cực với thị trường ngân hàng. Nhưng để tạo làn sóng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực ngân hàng thì không dễ. Vì kiếm được đối tác ngoại có đủ tiềm lực để trở thành cổ đông chiến lược trong bối cảnh hiện nay không phải chuyện dễ dàng. 

Thêm 'cửa' xử lý ngân hàng - 1

 Tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hồng Vĩnh

Như trường hợp của VPBank dù “rao” và tích cực tìm kiếm trong suốt thời gian qua, ngân hàng này vẫn chưa tìm được nhà đầu tư xứng tầm để bắt tay hợp tác. HDBank sau khi trở thành ngân hàng lớn với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng nhờ sáp nhập DaiAbank, nay cũng chưa tìm được đối tác ngoại để se duyên.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng ở khu vực phía Nam cho rằng, đến thời điểm hiện tại gần một nửa số ngân hàng nội đang hoạt động trên thị trường đã tìm được đối tác ngoại để hợp tác. 

Tại các ngân hàng này, hầu hết đã bán vốn kịch trần cho đối tác ngoại nên với tỷ lệ tăng thêm 5% không giúp thay đổi được nhiều. “Room vốn ngoại được nới lên mức 49% như đối với các công ty niêm yết thì sẽ là vấn đề khác”, ông nói.

Với trường hợp của ngân hàng Phương Đông (OCB), đơn vị báo lãi 320 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng 250 tỷ đồng trong năm 2013, cũng không còn đất để tăng sở hữu cho đối tác. Vì ngay từ năm 2010 ngân hàng này đã bán tới 20% vốn điều lệ cho BNP Paribas. 

Trường hợp tương tự của Ngân hàng Quốc tế (VIB) đang có đối tác ngoại Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ. Một loạt ngân hàng khác cũng đang có đối tác ngoại nắm 20% vốn có thể kể đến như HSBC nắm 20% vốn của Techcombank …

Lối thoát cho ngân hàng yếu kém?

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thời gian qua, không chỉ VPBank, HDBank mà còn rất nhiều ngân hàng đã âm thầm “đốt đuốc” tìm đối tác ngoại nhưng vì nhiều lý do kết quả không được như kỳ vọng.

Điểm hấp dẫn duy nhất có thể tính tới trong thời điểm hiện nay đối với các nhà đầu tư ngoại chính là các ngân hàng có hoạt động yếu, tỷ lệ nợ xấu cao. Điều này do Nghị định 01 không quy định rõ tỷ lệ sở hữu áp dụng với các ngân hàng yếu kém. 

Tuy nhiên, chỉ khi Chính phủ cho phép bán vốn tại các ngân hàng yếu kém với tỷ lệ cao, đủ để nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát hoàn toàn ngân hàng thì mới có thể hút sự quan tâm của họ. Còn không, đổ vốn vào không khác gì cầm dao đằng lưỡi.

“Nhu cầu tìm kiếm các đối tác đầu tư có nguồn vốn mới là rất lớn. Thậm chí, sau áp dụng Thông tư 02, nhiều ngân hàng nợ xấu sẽ cao đến mức sẽ phải tìm cách sáp nhập, mua lại”, ông Lê Xuân Nghĩa nói

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, với các ngân hàng yếu kém, việc tăng tỷ lệ sở hữu, thậm chí bán đứt cho ngân hàng nước ngoài là rất cần thiết. Với những “quy định mở”, Nghị định 01 có thể là bước khởi đầu mở đường cho Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), đơn vị chỉ lãi vỏn vẹn hơn 50 tỷ đồng trong năm 2013, được bán 100% vốn cho đối tác ngoại là Ngân hàng UOB của Singapore. 

Về hiệu quả của việc tăng tỷ lệ sở hữu cho tổ chức tín dụng nước ngoài đầu tư vào tổ chức tín dụng yếu kém trong nước, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nếu được tạo cơ hội kinh doanh ở chừng mực hợp lý các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng rót vốn để “tái cơ cấu” các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Theo VAFI, nếu được khối đầu tư ngoại tiếp sức cùng với việc bơm vốn, phương thức quản trị của các ngân hàng yếu kém sẽ được thay đổi căn bản. “Những ngân hàng yếu kém sẽ nhanh chóng trở thành những ngân hàng mạnh và góp phần làm cho hệ thống ngân hàng trong nước mạnh lên. Điều này được khẳng định qua việc mở cửa thị trường ngân hàng châu Á tại thời điểm cần giải quyết hậu quả của cuộc  khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngân hàng yếu kém bằng mọi giá”, đại diện VAFI cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thục Quyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN