Tài chính ngân hàng: "Tội đồ" của những rủi ro?

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Dominic Mellor, những rủi ro có tác động đến triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính ngân hàng (NH) và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm.

Nợ xấu không rõ ràng

Để nền kinh tế không rơi vào thảm họa, các chuyên gia đều cho rằng, vấn đề nợ xấu cần được quan tâm và xử lý. Tuy nhiên, đến nay, “nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu luôn tăng cao xuất phát từ khó khăn của doanh nghiệp”, ông Dominic Mellor nói.

Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống NH tăng nhẹ, trong 7 tháng đầu năm đã lên 14% cao hơn nhiều so với mức 9% do NHNN quy định. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy đủ rủi ro của một số NH (đặc biệt là những NH làm ăn với các DNNN thua lỗ và làm ăn dàn trải) đang đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ.

Tài chính ngân hàng: "Tội đồ" của những rủi ro? - 1

Tài chính ngân hàng có thể làm cho nền kinh tế rực rỡ, nhưng cũng có thể làm cho nền kinh tế đầy rủi ro

Do đó, để giải quyết được nợ xấu, NHNN có thể phát hành trái phiếu. Nhưng trong môi trường đầu tư hiện tại cũng rất khó thu hút vốn. Vì vậy Chính phủ có thể phải dùng vốn của mình để hỗ trợ. Có thể xem xét thành lập một công ty quản lý tài sản nhà nước để mua nợ xấu từ các NH hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các khoản nợ xấu của khu vực tư nhân.

“Có thể dùng các công ty quản lý nợ, bơm bao nhiêu tiền phải rất cẩn thận và minh bạch. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy đề xuất này đạt được những tiến bộ rõ ràng”, ông Dominic cho biết.

Cùng đó, ADB cũng quan ngại về mối liên kết giữa các NH bao gồm cả sở hữu chéo và NH cho các công ty liên quan vay vốn.

Việc sáp nhập các NH nhỏ và yếu vừa qua được ADB đánh giá là một bước đi quan trọng, tuy nhiên, sự kiện một số thành viên Hội đồng quản trị của các ngân hàng bị bắt giữ và từ chức làm dấy lên quan ngại về quản trị doanh nghiệp, sức khỏe cũng như năng lực trang trải các khoản nợ ngoài dự kiến của Chính phủ.

Ngoài ra, sự suy giảm trong thị trường bất động sản trong hai năm qua cho thấy giá trị của tài sản thế chấp cho vay NH đang suy giảm.

“Điều này có nghĩa tăng trưởng tín dụng yếu và trần lãi suất đang có áp lực tới lợi nhuận các NH trong năm nay”, ông Dominic cho biết.

Một rủi ro nữa cũng được nhắc đến đó là các biện pháp tài chính và tiền tệ trong năm nay không có tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế trừ khi nó mang lại lợi ích cho một số các DN nhỏ và vừa. Bởi, đối tượng DN này thường khó khăn trong việc đem tài sản đảm bảo cho các khoản vay NH.

“Các công ty có lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận trong môi trường kinh doanh hiện tại sẽ không được hưởng lợi nhiều từ việc giãn thanh toán thuế theo gói tài chính được ban hàng trong tháng 5 vừa qua”, ADB cho biết.

Cải cách vẫn nằm trên “bàn giấy”

Theo ADB, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án cấu trúc lại DNNN, theo đó sẽ tư nhân hóa một phần các tổng công ty trừ những tổng công ty có tầm chiến lược cao. Chính phủ chỉ đạo các DNNN loại bỏ các hoạt động do mở rộng sang các lĩnh vực không liên quan đến ngành kinh doanh cốt lõi và cam kết sẽ công bố thêm thông tin tài chính các DNNN.

Tuy nhiên, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc ADB cho rằng, kế hoạch này không chỉ rõ khi nào tiếp tục hành động và sẽ được thực hiện như thế nào.

Ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh, ADB ủng hộ kế hoạch cải cách của Chính phủ Việt Nam, kế hoạch thì rất ổn nhưng nó vẫn đang chỉ là kế hoạch. Cần phải có lộ trình thực hiện kế hoạch cụ thể.

Theo đó, Việt Nam cần phải duy trì trọng tâm cải cách và quyết tâm cải cách. Cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện niềm tin của thị trường

“Việc công bố thông tin tài chính về các NH và DNNN phát ra tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của Chính phủ", ông Tomoyuki Kimura nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN