Sắp "chết", BĐS vẫn đòi "cứu" người

Dù đang thoi thóp và nợ đầm đìa, nhưng nhiều DN bất động sản vẫn hùng hồn tuyên bố bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để nhảy sang lĩnh vực khác.

Với độ “nóng” của cái tên Bianfishco, thông tin CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) bơm tiền giải cứu CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) được dư luận đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, giới quan sát đưa ra lý giải khá thận trọng với trào lưu nhiều DN BĐS đã và đang manh nha đổ bộ sang lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp…

“Bẻ lái” đa ngành

Chỉ vài ngày sau khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của NTB thông qua tờ trình bổ sung ngành nghề kinh doanh trong đó có mảng thủy sản, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Bianfishco đã dành những lời có cánh giới thiệu NTB như đối tác có khả năng đưa Công ty đang ngấp nghé bên bờ vực phá sản hồi sinh.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NTB, ông Trần Kim Minh xác nhận lời ông Trí và cho biết, sau khi họp HĐQT, NTB quyết định bơm vốn cho Bianfishco 500 tỷ đồng nhằm giúp Công ty khôi phục sản xuất.

Sự kiện gây chú ý trước hết vì trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, cái tên Bianfishco xuất hiện với tần suất dày đặc gắn liền với những khoản vay nợ lớn. Không chỉ vậy, giới đầu tư quan tâm đến số phận Bianfishco còn tỏ ra bất ngờ khi “Mạnh thường quân” ra tay cứu giúp DN thủy sản này lại là một công ty bất động sản (BĐS) - lĩnh vực kinh doanh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, NTB chưa phải là một “đại gia” trong ngành và nếu nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, kết quả kinh doanh gần đây của NTB khá nghèo nàn, năng lực tài chính không có gì sáng sủa (vốn chủ sở hữu 543 tỷ đồng, nợ vay khoảng 1.500 tỷ đồng, quý I vừa qua, NTB lãi 508 triệu đồng…).

Những cú bắt tay như NTB và Bianfishco hiện nay không phải là trường hợp mang tính đơn lẻ. Thành viên HĐQT một công ty BĐS niêm yết tại HOSE (có trụ sở tại Thủ Đức, TP. HCM) tiết lộ, HĐQT công ty vừa nhóm họp để thống nhất trình ĐHCĐ tổ chức vào cuối tháng 5 việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới.

Theo đó, bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh truyền thống là BĐS, xây dựng công trình giao thông, công ty này sẽ có một mảng kinh doanh mới là kết hợp với một số DN thủy sản phát triển vùng nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản và để ngỏ khả năng mua lại một DN thủy sản. Đề xuất này được Chủ tịch HĐQT khởi xướng, gây bất ngờ với chính một số thành viên HĐQT công ty này.

Câu chuyện DN BĐS lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh thủy sản, nông nghiệp không phải mới mẻ, nhưng điểm mới là xu hướng này nở rộ trong thời gian gần đây. Vào tháng 2 vừa qua, một DN BĐS đã xin ý kiến cổ đông bổ sung mảng kinh doanh mới là nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản. Cách đây vài tuần, DN này đã nhận chuyển nhượng phần vốn của một DN thủy sản trước không ít ánh mắt ngạc nhiên.

Tương tự, ồn ào từ năm ngoái về chủ trương mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua, cổ đông của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) rất quan tâm đến chủ đề này. Khẳng định chủ trương sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh, nhưng trước nhiều câu hỏi chất vấn của cổ đông, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR chỉ cho biết, lĩnh vực kinh doanh mới đang được cân nhắc, vì vậy, sẽ được ông giữ kín cho đến khi hoàn tất phương án đầy đủ.

Sắp "chết", BĐS vẫn đòi "cứu" người - 1

Việc hình thành liên minh DN trong ngành BĐS - thủy sản - ngân hàng đang là một xu hướng mới

Phía sau những cuộc “hôn nhân” ngành

Tiên phong trong trào lưu DN BĐS đa dạng hóa các mảng hoạt động phải kể đến CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Xuất phát điểm là DN gỗ, rồi sang ngành BĐS và vài năm trước đây, HAG mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực kinh doanh mới như trồng và khai thác cao su, khai khoáng mỏ, thủy điện...

Các mảng kinh doanh mới này được kỳ vọng tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định cho Tập đoàn. Trao đổi với báo giới, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG từng chia sẻ, việc Tập đoàn huy động được vốn quốc tế một phần là nhờ vào cao su và thủy điện, nếu giới thiệu Hoàng Anh Gia Lai là một DN BĐS thuần túy, chắc chắn nhiều NĐT quốc tế không quan tâm.

Có thể sự thành công của HAG là động lực khiến một loạt DN BĐS tìm kiếm những cuộc “hôn nhân” ngoài ngành. Xu hướng này đang trở nên rõ nét trong môi trường “đóng băng” kéo dài của thị trường BĐS và lãi suất ngân hàng quá cao, khiến mảng kinh doanh truyền thống không đem lại hiệu quả.

Sự chuyển dịch này nên xem là bình thường vì trên thế giới cũng có những trường hợp chuyển hướng tương tự và thành công. Chẳng hạn, Tập đoàn tên tuổi Hathaway Berkshire của tỷ phú Warrentt Buffett thời sơ khởi chỉ là công ty dệt may nhỏ, nhưng giờ Hathaway Berkshire nổi tiếng với các lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ tài chính, ngân hàng tới sản phẩm in ấn, thực phẩm…

Nhưng điều không bình thường tại Việt Nam hiện nay là một số DN BĐS đang thoi thóp, hoạt động cầm cự, nợ đầm đìa, nhưng cứ hùng hồn nhảy sang các mảng kinh doanh mới. Một số lý giải nhận xét rằng, DN BĐS bắt tay với DN thủy sản nhằm biến các vùng nuôi thành các dự án BĐS, nhưng về logic, giả thiết này khó đứng vững. Sự trầm lắng của thị trường BĐS khiến các DN trong ngành đa phần hoạt động khó khăn, phần lớn đang chịu lãi vay lớn, tìm đâu ra vốn mới để triển khai dự án, dự án hoàn thành bán cho ai?

Góc khuất của việc lấn sân sang ngành thủy sản hiện nay có thể được hé lộ tại ĐHCĐ của 1 DN BĐS lớn vào cuối tháng 5 tới. Thành viên độc lập HĐQT của công ty này nói rằng, chỉ khi bị phản đối, Chủ tịch HĐQT mới tiết lộ chủ trương mua lại một công ty thủy sản là tạo cầu nối để DN BĐS có thể tiếp cận vốn ngân hàng với chi phí thấp.

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được ưu tiên hỗ trợ lãi suất, trong khi đó, tín dụng BĐS nằm trong diện không được khuyến khích. Do các khó khăn của ngành, việc mua lại công ty thủy sản khá dễ dàng, vòng quay vốn của ngành khá lớn, rộng đường cho công ty BĐS tìm cửa trung gian tiếp cận vốn ngân hàng.

Nếu lý giải trên là nỗi niềm chung của các DN BĐS thì giới phân tích hoàn toàn có lý khi đánh giá, việc hình thành liên minh DN trong ngành BĐS – thủy sản - ngân hàng đang là xu hướng mới để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho tất cả các phía. Với ngân hàng là khả năng đảo nợ xấu và lách các quy định hiện hành để bơm vốn qua cửa trung gian cho DN BĐS. Còn DN BĐS, đó là khả năng tiếp cận vốn vay mới với chi phí thấp. Giải pháp này trước mắt có thể tháo gỡ nút thắt cho một số DN, nhưng không thể khuyến khích, bởi mối liên minh này khó bền vững và tiềm ẩn hệ lụy khi một trong các mắt xích có vấn đề, sẽ ảnh hưởng và gây đổ vỡ dây chuyền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Giang Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN