Rủi ro bủa vây doanh nghiệp Việt

Một số bài học kinh nghiệm giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư ra ngoài lãnh thổ.

Hoàng Anh Gia Lai, Thủ Đức House, Phân bón Bình Điền, C.T Group… là các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam đang đầu tư mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Lào cho đến Mỹ. Bên cạnh lợi nhuận, các DN còn phải đối diện với nhiều rủi ro, khó khăn đến từ thị trường, hệ thống pháp luật, thể chế chính trị, thậm chí là những cáo buộc từ tổ chức phi chính phủ.

Tích lũy kinh nghiệm

“Đầu tư ở nước ngoài thật chẳng dễ dàng chút nào!” - ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, chia sẻ.

Ông kể cách đây 10 năm (2003), Bình Điền đã mang phân bón Đầu Trâu sang bán cho nông dân trồng lúa tại Campuchia. Nhưng DN chẳng thu được kết quả nào vì nông dân ở đây đã quen với tập quán canh tác mỗi năm một vụ bằng nước trời, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ và một ít phân urê, DAP được Chính phủ cho không. “Sau đó, chúng tôi hợp tác với Tập đoàn Yetak của Campuchia để tìm cách khác thâm nhập thị trường. Các kỹ sư Bình Điền thì liên kết với các viện nghiên cứu, trường ĐH để sản xuất ra những loại phân bón phù hợp. Mức tiêu thụ phân bón của chúng tôi tại Campuchia đã tăng từ 2.000 tấn năm 2002 lên gần 100.000 tấn và có mặt ở 26/26 địa phương” - ông Phong kể.

Rủi ro bủa vây doanh nghiệp Việt - 1

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến 20-3-2013)

Còn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết đang cùng một số chủ trang trại chăn nuôi trong tỉnh góp vốn mua trang trại rộng hơn 100 ha tại Canada để đầu tư sản xuất heo giống và nuôi heo thịt. Khi được hỏi vì sao lại chọn đất nước xa xôi như Canada để đầu tư, ông Công cho hay vì ở Canada cơ sở chuồng trại tốt, công nghệ hiện đại và chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi. Đặc biệt, Hiệp hội Chăn nuôi Canada rất có tiếng nói với chính phủ, hợp tác với hiệp hội thì đầu ra cho sản phẩm sẽ ổn định. Tuy nhiên, việc đầu tư chăn nuôi ở đây cần chú ý đến thủ tục phức tạp, khí hậu rất lạnh, chi phí cho công nghệ hiện đại, nhân lực, đi lại quản lý trang trại tốn kém...

Lắm kiểu rủi ro

Tuy nhiên, theo TS Alan Phạm, Trưởng kinh tế gia Tập đoàn VinaCapital, một khi DN đã ra nước ngoài đầu tư thì việc phải đương đầu với nhiều khó khăn, rủi ro là không thể tránh được.

Sự kiện nổi bật liên quan đến vấn đề này đã xảy ra vào tháng 5 vừa qua, khi tổ chức phi chính phủ Global Witness lên tiếng cáo buộc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có hành động phá rừng, hối lộ… trong quá trình đầu tư tại Campuchia và Lào.

Dù các nội dung Global Witness cáo buộc đã được khẳng định là sai nhưng ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, cho biết một khi thông tin xấu phát ra thì đường nào DN cũng thiệt hại như hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng, giá cổ phiếu giảm, cổ đông chất vấn liên tục… Tình trạng đó khiến DN không thể chuyên tâm sản xuất, kinh doanh mà suốt ngày chỉ lo đi… giải thích.

Ở góc nhìn khác, vụ việc Global Witness còn được xem là hồi chuông cảnh báo cho hoạt động quản lý DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nhận xét mặc dù Nhà nước cũng có hoàn thiện hành lang pháp lý nhưng thể chế chính sách chưa hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế nên chưa tác động mạnh đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN. Các đại diện của Chính phủ ở nước ngoài thì chưa tích cực hỗ trợ DN. Ngược lại, các DN cũng không chủ động báo tình hình hoạt động cho đại diện Chính phủ ở nước ngoài cập nhật. Nhiều DN lại chưa nắm vững luật pháp nước sở tại, thiếu liên kết chặt chẽ nên dễ xảy ra xung đột lợi ích với nhau và với DN nước sở tại…

Đó là nguyên nhân căn bản khiến các DN lâm vào tình cảnh lạc lõng khi giải quyết khó khăn, rủi ro trong triển khai dự án ở nước ngoài.

Phải nhanh nhạy, minh bạch

Lấy kinh nghiệm từ việc tư vấn cho VinaCapital, TS Alan Phạm phân tích đối với việc đầu tư tại các nước Lào, Campuchia, Myanmar… thì DN Việt có chút lợi thế bởi thị trường, hệ thống pháp luật… của họ hiện tương tự Việt Nam hồi 10, 15 năm trước. “Bối cảnh đó giúp DN Việt biết cách vượt qua để phát triển mạnh vì đã kinh qua môi trường tương tự như vậy ở trong nước nhiều năm”.

Còn đối với các lãnh thổ, quốc gia khác như châu Âu, Mỹ… thì mức độ cạnh tranh thị trường khốc liệt hơn nhiều. Các cáo buộc kiểu Global Witness đối với hệ thống pháp luật ở châu Âu, Mỹ cũng là bình thường. Khi đó, ông Alan Phạm cho rằng DN bị cáo buộc chỉ cần sớm chủ động giải thích rõ ràng và đầy đủ như Hoàng Anh Gia Lai đã làm sau cáo buộc của Global Witness.

Đặc biệt, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội các DN đầu tư sang Lào, Campuchia, Myanmar, khuyến cáo trước khi quyết định đầu tư, DN cần nghiên cứu kỹ tập quán và thói quen tiêu dùng, luật đầu tư, góp vốn, quan hệ với DN bản địa, thể chế hành chính… ở nước sở tại để tránh dính dáng đến tranh chấp, kiện tụng.

Ngoài ra, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng khả năng xử lý rủi ro từ thị trường sẽ tùy thuộc vào sự nhanh nhạy của DN. Ông tiết lộ với dự án lớn mới khởi công ở Myanmar, tranh thủ lúc nhu cầu thuê văn phòng và khách sạn đang cao, DN đã cho công nhân làm ba ca để rút thời gian xây dựng từ ba năm còn một năm rưỡi. Song song đó là lập bộ phận giám sát theo dõi thị trường hằng ngày để biết ai sẽ cạnh tranh với mình, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Để hỗ trợ các DN trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là Jetro của Nhật và Kotra của Hàn Quốc. Sau khi gửi danh mục cơ hội đầu tư cho các hiệp hội DN, cơ quan chuyên trách này sẽ tổ chức các chuyến đi tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ tập trung thu hút đầu tư từ nước ngoài vào, việc xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa được chú trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Nhơn - Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN