"Quốc hội phải biết về quản lý vốn đầu tư"

Sự kiện: Họp Quốc hội

Đại biểu đề nghị Quốc hội phải biết về đầu tư vốn nhà nước thay vì chỉ có vai trò giám sát như hiện nay.

Tại phiên thảo luận Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất trước Quốc hội ngày 11/11, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, toàn bộ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước giao hết cho Chính phủ, Quốc hội đứng ngoài giám sát là không hợp lý.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị nên để Quốc hội biết về đầu tư vốn nhà nước thay vì chỉ có vai trò giám sát như hiện nay. Các doanh nghiệp, tập đoàn phải báo cáo trực tiếp Quốc hội chứ không giao hết cho Chính phủ.

“Vốn Nhà nước chủ sở hữu là toàn dân, giao cho Chính phủ quản lý, sử dụng nhưng Quốc hội lại đứng ngoài việc kiểm tra giám sát. Theo tôi, cần có quy định để một số tập đoàn ở quy mô lớn phải báo cáo với Quốc hội”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ.

"Quốc hội phải biết về quản lý vốn đầu tư" - 1

Đại biểu Trần Du Lịch

Đại biểu kiến nghị, phải có tổ chức độc lập đại diện cho Quốc hội, Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào cần báo cáo Quốc hội để Quốc hội quản lý tốt đồng vốn của Nhà nước một cách hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết, gần đây có những vụ việc gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đều vô can.

Theo đại biểu, trước khi xảy ra những đổ vỡ đó đã có hàng chục các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng làm việc tại doanh nghiệp.

“Đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát, chưa nói đến tham nhũng trong sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước”, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị.

Cũng theo đại biểu, cần tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, phải làm rõ ai là đại diện chủ sở hữu.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác nhau sẽ có những điều kiện khác nhau. Chẳng hạn đối với các đơn vị công ích cũng cần có sự phân loại rõ ràng.

Ông cho rằng, cần phân biệt đơn vị sự nghiệp công bởi: “Anh không thể so sánh Agrinbank với Vietinbank. Dầu khí không thể so với sản xuất phân bón. Sản xuất than không thể so sánh với dịch vụ bưu chính viễn thông. Xác định đơn vị tự chủ được 100%, tự chủ 1 phần hoặc hoàn toàn vốn nhà nước, từ đó mới quy định thu cổ tức, cổ phần cho hợp lý. Đơn vị nào nhiều tiềm năng thu nhiều, ít tiềm năng để lại”, ông Tiên lý nói.

Trong thời gian qua Chính phủ, Quốc hội rất trăn trở đổi mới đơn vị sự nghiệp công trong đó có phân loại đơn vị sự nghiệp. Do vậy, cần thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ để quản lý nguồn vốn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN