Nút thắt ở chính sách đền bù

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đang tổ chức các đoàn công tác đến nhiều địa phương cả nước để giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Một thành viên đoàn giám sát cho biết từ “phức tạp” được nhiều địa phương dùng trong các bản báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai.

“Người dân không khiếu kiện mới là lạ”

Số lượng đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai được thống kê đã phần nào phản ánh tình trạng đó. Chẳng hạn, từ khi thực hiện Luật đất đai 2003 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền Đồng Nai tiếp nhận gần 9.200 đơn, Bắc Ninh tiếp nhận hơn 7.300 đơn, Thanh Hóa có gần 4.400 vụ khiếu kiện, trong khi Sóc Trăng có gần 12.500 vụ việc khiếu nại quyết định hành chính về đất đai.

Vẫn theo nguồn tin trên, gần như tất cả địa phương đều khẳng định nguyên nhân số một dẫn đến tình trạng khiếu kiện vẫn là chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng. Có hai địa phương cạnh nhau, điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, nhưng khung giá đền bù hằng năm do HĐND quyết định thì khác nhau, người dân nơi áp giá đền bù thấp sẽ vác đơn đi kiện. Theo quy định thì mỗi năm một lần, HĐND cấp tỉnh, thành quyết định khung giá đất cụ thể tại địa phương mình. “Nhưng có mấy dự án thực hiện được trong một năm. Cho nên năm này chưa thực hiện đền bù giải tỏa xong, đến năm sau thực hiện khung giá khác thì lại nảy sinh mắc mứu. Nhiều địa phương đề nghị phải quy định ổn định khung giá đất từ 3-5 năm thì mới đủ thời gian triển khai dự án, thực hiện một giá đền bù cho cả một chu kỳ ổn định” - một thành viên đoàn giám sát nói.

Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất hiện nay vẫn là quy định bồi thường phải sát giá thị trường. Nhiều địa phương thừa nhận rằng khung giá đất do HĐND quyết định có độ chênh lớn so với giá chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường. Tình trạng này khiến cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp được cho là “hay” thì luôn gặp bế tắc. Chính sách như vậy khiến lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bình luận trong cuộc làm việc với đoàn giám sát rằng “người dân không khiếu kiện mới là lạ”. Trong khi lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thừa nhận giá bồi thường thấp hơn giá thực tế trên thị trường nhưng giá đất tái định cư dành cho người dân lại sát giá thị trường, vì vậy nguyên tắc được pháp luật quy định là nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ là rất khó được thực hiện.

“Miếng mồi ngon” cho tham nhũng

Tại các cuộc làm việc mới đây ở Đồng Nai và Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những bất cập trong việc thực hiện pháp luật về đất đai, đề xuất các biện pháp, nội dung sửa đổi pháp luật làm sao hài hòa giữa lợi ích của người có đất với lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của thành viên đoàn giám sát cũng như thừa nhận của không ít địa phương, chính sách biệt đãi các nhà đầu tư về đất đai để thu hút đầu tư dẫn đến kết quả Nhà nước không được gì từ quá trình thu hồi đất. Thậm chí không ít địa phương đã phải chi tiền ngân sách để hỗ trợ nhà đầu tư ở một số khâu trong quá trình đền bù, giải tỏa. Trong khi đó, chất lượng tái định cư không tốt, đào tạo giải quyết việc làm thiếu căn cơ, người có đất bị thu hồi ở nhiều nơi cảm thấy thiệt thòi, thậm chí bế tắc trong việc tìm kế sinh nhai sau khi bị thu hồi đất.

Chỉ thấy rằng sau khi thu hồi đất thực hiện dự án, đặc biệt là đối với các dự án khu đô thị, khu chung cư, khu dịch vụ - thương mại thì đặc lợi đã rơi vào tay tư nhân, doanh nghiệp với sự phát đạt của nhiều “đại gia” (tất nhiên, có không ít doanh nghiệp bị sa lầy do gặp trở ngại trong giải phóng mặt bằng khiến thời gian chờ giao đất quá lâu). Quản lý yếu kém đã biến đất đai trở thành “miếng mồi ngon” cho tham nhũng.

“Cá biệt” ở Đà Nẵng

Kết quả sơ bộ của cuộc giám sát cho thấy trường hợp khá “cá biệt” ở Đà Nẵng. Cùng thời gian thực thi Luật đất đai 2003 như các tỉnh, thành khác, Đà Nẵng đã ban hành khoảng 156.000 quyết định hành chính về đất đai, gần 94.000 hộ dân phải di dời để thực hiện các dự án. Nhưng các cấp thẩm quyền của Đà Nẵng chỉ phải ban hành hơn 400 quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy họ rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo TP sẵn sàng đối thoại và giải quyết kịp thời những vướng mắc của dân liên quan đến chính sách, quá trình thực hiện đền bù, giải tỏa. Một điểm khác biệt nữa là từ nhiều năm nay TP tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng 100% các dự án chứ không để nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân. Đà Nẵng cho rằng nếu để các nhà đầu tư tự thỏa thuận thì mỗi nhà đầu tư sẽ làm một phách, không ai giống ai, người dân sẽ có sự so bì và nảy sinh khiếu kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN