Nói về nợ xấu, đừng kể những chuyện khó tin

Những thông tin thực sự về nợ xấu, nếu bị che đậy lâu ngày sẽ tích tụ lại và khi bùng phát ra thì hậu quả sẽ khôn lường.

Trích lập dự phòng nợ xấu: lại một lần hoãn?

Thông tư 02/2013/TT-NHNN được dự định có hiệu lực vào ngày 1/6/2013 thì nay có khá nhiều ý kiến về việc NHNN nên xem xét lùi thời hạn thực hiện của một số điều khoản trong thông tư này.

Theo đánh giá của giới quan sát, Thông tư 02 nếu đi vào thực hiện thì sẽ buộc việc phân loại nợ và trích lập dự phòng phải tiến hành chặt chẽ hơn và phản ánh đầy đủ hơn bộ mặt thật sự của chất lượng các khoản nợ ở các ngân hàng thương mại. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khoản nợ đang được phân loại là “chưa xấu” sẽ phải chuyển sang nhóm nợ xấu và khoản trích lập dự phòng của một số ngân hàng sẽ phải tăng lên.

Đó là vì, một mặt, Thông tư 02 xác định rõ: quyết định 780/QĐ-NHNN sẽ hết hiệu lực. Quyết định 780/QĐ-NHNN vốn đã được xem là một lần “hoãn binh” trong chuyện xếp loại nợ xấu. Theo quyết định ban hành tháng 4/2012 này thì đối với các khách hàng mà tình hình kinh doanh có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt thì các khoản nợ từ các khách hàng đó sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Nói về nợ xấu, đừng kể những chuyện khó tin - 1

Như vậy, theo quyết định này, một số khoản nợ sắp quá hạn, sắp rơi vào nhóm nợ xấu, hoặc đã rơi vào nhóm nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được giữ lại ở nhóm nợ “tạm thời chưa dưới tiêu chuẩn” (nhóm 1 và nhóm 2) sau khi thực hiện gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ. Tất nhiên, có nhiều khoản nợ được phân loại ở nhóm cao hơn thì áp lực phải trích lập dự phòng cũng ít hơn. Nhưng mặt tiêu cực của công cụ này là nếu cứ được duy trì thì nhiều khoản nợ xấu sẽ cứ được tái cơ cấu mãi và vẫn được mang cái mác “nợ chưa xấu”.

Nay quyết định này mà hết hiệu lực thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ mất đi một công cụ để “tái cơ cấu” số nợ xấu này. Còn nếu gia hạn những điều khoản trong Quyết định 780 thông qua việc lùi thời hạn thực hiện một số điều khoản của Thông tư 02 thì có nghĩa là NHNN lại một lần nữa “hoãn binh” trong việc phân loại nợ xấu.

Ngoài tác động của Thông tư 02 đối với công cụ tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780, thông tư này cũng yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro với nhiều loại tài sản mà trước đây không bị yêu cầu trích lập như tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác. Điều này có nghĩa là nhiều khoản nợ quá hạn trên thị trường liên ngân hàng, trước đây thoát khỏi “tầm ngắm”, nay phải được trích lập dự phòng.

Mặt khác, các khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con, hoặc các khoản nợ do các tổ chức tín dụng vay với mục đích góp vốn vào các tổ chức tín dụng khác mà có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận góp vốn thì cũng được xếp vào loại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn).

Và hệ lụy lớn hơn

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 9/2012 là 8,82% tổng dư nợ, gần gấp đôi con số 4,93% do các tổ chức tín dụng báo cáo. Trong khi đó, các tổ chức xếp hạng nước ngoài như Fitch và Moody’s đưa ra những ước tính nợ xấu lên tới trên 13% tổng dư nợ. Nếu Thông tư 02 được thực hiện đầy đủ thì có thể kéo gần lại khoảng cách chênh lệch của các con số này một chút (dù vẫn còn những khác biệt nhất định trong cách tính toán con số nợ xấu theo cách của NHNN và các tổ chức trên). Nó sẽ phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong chuyện công khai phân loại và xử lý nợ xấu, tạo ra một ấn tượng tốt với giới đầu tư nước ngoài.

Giới đầu tư nước ngoài từng tỏ ra lạc quan hơn với tình hình vĩ mô của Việt Nam khi Chính phủ bày tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề nợ xấu. Nay khi “bàn tay sắt” này được thu trở lại, nhà đầu tư nước ngoài dễ đặt câu hỏi về thông điệp quyết tâm xử lý nợ xấu.

Điều đáng nói, những suy luận có thể đi xa hơn thực tế rất nhiều, chẳng hạn như sự ưu ái với các tập đoàn Nhà nước đang có khối nợ xấu không nhỏ, hoặc như sự thiếu công bằng trong ứng xử giữa khối DNNN và khối tư nhân...

Ở một góc nhìn khác, nếu các khoản nợ được phân loại rõ ràng, chặt chẽ và trích lập dự phòng đầy đủ thì tỷ lệ nợ xấu và con số trích lập dự phòng rủi ro sẽ phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Nếu được tính toán chặt chẽ và trung thực thì khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng rủi ro giảm, đó là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Ngược lại, nếu tỷ lệ nợ xấu trên tổng nợ và con số trích lập dự phòng rủi ro không phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế, nó sẽ trở thành những con số vô nghĩa.

“Đừng kể những câu chuyện khó tin”

Thái độ tránh né, thiếu dứt khoát và thiếu minh bạch của các cơ quan điều hành đối với các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế như nợ xấu, phá sản và thất nghiệp tiềm ẩn một nguy cơ là đến một lúc nào đó, những tin xấu bị trì hoãn sẽ bị “rò rỉ” ra, mà là “rò rỉ” đồng loạt. Đây sẽ là một cú sốc có hệ thống ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư sau một giai đoạn chật vật vừa qua, có thể cuốn nền kinh tế vào một giai đoạn sụy sụp (depression) hoặc hoảng loạn.

Tất nhiên, cách tiếp cận trì hoãn tin xấu cũng có thể mang lại lợi ích nếu sau một giai đoạn kinh tế khó khăn, bất ngờ có những thuận lợi từ bên ngoài, chẳng hạn kinh tế toàn cầu hồi phục, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam từ nước ngoài tăng lên và vốn nước ngoài đổ vào nhóm các thị trường mới nổi một cách ào ạt, thì những tin xấu được che dấu cũng sẽ tan biến. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, rủi ro tin xấu bị “rò rỉ” đồng loạt cũng rất lớn.

Chẳng hạn, Hy Lạp đã công bố những con số sai lệch về nợ công và thâm hụt ngân sách kể từ năm 2004. Điều này nghĩa là trong nhiều năm từ trước khủng hoảng nợ nổ ra, việc che dấu và thiếu minh bạch đã khiến những tin xấu này tích lũy lại, một khi nó nổ ra, tin xấu sẽ xuất hiện dồn dập quá khả năng chịu đựng, tạo ra hoảng loạn ngoài khả năng kiểm soát. Vì vậy, một cái nhìn thẳng thắn với nợ xấu là yêu cầu bắt buộc, thay vì để mặc những đồn đoán cho đến khi không “mặc” được nữa.

Dòng vốn sẽ không đổ vào những nơi mà nhà đầu tư đã không còn tin vào câu chuyện tăng trưởng mà họ nghe được trước đây. Nói thẳng, nói thật về nợ xấu, nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng của nền kinh tế có lẽ là một cách tốt để chứng tỏ rằng chúng ta đang bắt đầu một câu chuyện mới, với một cách kể chuyện mới. Và tất nhiên, đừng kể những câu chuyện mà người ta không thể tin. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Quốc Tuấn (Đầu tư Chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN