Nợ xấu không hề mất đi

Sau khi tạm chuyển nợ cho VAMC, ngân hàng lành mạnh hơn về bề ngoài nhưng nợ xấu trong nền kinh tế không hề mất đi.

Việc mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, khối nợ sau khi mua về sẽ được xử lý ra sao lại là vấn đề đáng quan tâm. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, có một số nhận định về vấn đề này.

Chuyển nợ sang kho cất trữ tạm

. Phóng viên: TS Trần Du Lịch cho rằng việc bán nợ xấu chưa hẳn đã giúp các ngân hàng (NH) trút được gánh nặng nợ xấu, mà trước mắt chỉ có thể đưa được nợ xấu ra ngoài bảng cân đối kế toán. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

+ TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: Đúng vậy, hiện nay VAMC đang mua nợ xấu theo giá trị sổ sách. Và cách này không phải xử lý nợ về chất mà chỉ về danh nghĩa. Hay nói cách khác sau khi tạm chuyển nợ cho VAMC, bảng tài sản của NH không còn nợ xấu, NH trở nên lành mạnh hơn về bề ngoài nhưng nợ xấu trong nền kinh tế không hề mất đi.

. Nhưng bước tiếp theo của VAMC sau khi mua nợ là phân loại, sắp xếp để tái cấu trúc nợ nên không thể coi xử lý nợ xấu hiện nay chỉ ở vẻ bên ngoài?

+ Để xử lý nợ xấu về chất phải có dòng tiền thật, mà dòng tiền này phải được tạo từ con nợ chứ không phải từ nguồn thứ cấp nào khác. Hiện nay cách mình xử lý nợ là chuyển theo giá trị sổ sách cho VAMC, sau đó VAMC sẽ trao cho NH trái phiếu đặc biệt không trả lãi. NH sẽ cầm cố trái phiếu lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tái đầu tư. Tuy nhiên, nguồn tiền vững chắc phải được tạo ra từ con nợ. Vì con nợ đã lấy tiền, sử dụng một dòng tiền lớn của NH trước đây nên khi xử lý nợ các con nợ cũng phải trả nợ. Nhưng hiện nay VAMC không có động cơ để mà xử lý nợ một cách triệt để. Vì thế xử lý nợ không thực sự bền vững về chất. Mà chỉ là tạm thời, các đối tác chuyển một khoản nợ sang cho VAMC như một cái kho cất trữ tạm trong năm năm.

Nợ xấu không hề mất đi - 1

VAMC có thể xử lý nợ xấu tốt nhất khi lợi ích giữa NH và VAMC cùng đạt được. (Ảnh minh họa: HTD)

Tại sao ông lại cho rằng VAMC không có động cơ để xử lý nợ một cách triệt để, thưa ông?

+ Cái quan trọng để VAMC xử lý tốt nhất nợ xấu là dựa trên lợi ích của NH thì hiện nay không có. Nhưng rõ ràng ở đây không gắn được lợi ích của VAMC vào NH, hay nói cách khác VAMC không có động cơ gì mà hành xử dựa trên lợi nhuận của NH. Vì tôi thu được hay tôi không thu hồi được khoản nợ thì cũng không bị tổn thất gì cả. Nghĩa là không có thang đo để đánh giá hiệu quả của VMAC. Cách mình đang xử lý nợ là dùng lợi nhuận tương lai của các NH để xử lý nợ xấu. NH bán nợ cho VAMC để lấy tiền nhưng VAMC không đưa tiền mà đưa giấy nhận nợ. Nên VAMC đáng ra phải trả lãi cho NH thương mại. Nhưng trong trường hợp này lãi suất lại bằng 0%, nghĩa là không phải trả lãi. Anh đi phát hành nợ mà anh không phải trả lãi. Điều này không tạo cho anh động cơ để xử lý nhanh nợ. Bởi nếu phải trả lãi thì anh sẽ nhanh chóng tìm cách xử lý nợ ngay để có tiền trả lãi. Vậy nên với cách xử lý của mình tạo nên tâm lý ỷ lại.

Mua nợ theo giá thị trường

Vậy làm thế nào để VAMC xử lý tốt nhất?

Đến nay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã ký hợp đồng mua nợ của khoảng 20 NH. Dự kiến hết năm 2013, VAMC sẽ mua khoảng 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu từ các NH.

+ VAMC có thể xử lý tốt nhất khi lợi ích NH đạt được và lợi ích của VAMC cùng đạt được. Trước hết phải trả lãi cho trái phiếu có giá trị đáo hạn, thứ hai phải đẩy nhanh việc mua lại nợ theo giá thị trường chứ không mua theo giá sổ sách như hiện nay. Điểm thứ ba phải tạo điều kiện về cơ chế, khuôn khổ pháp lý… cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để có dòng tiền sạch. Dòng tiền sạch ở đây được hiểu là dòng tiền được tạo ra từ sản xuất chứ không phải các nguồn khác như NHNN bơm ra hay được bơm ra từ quan hệ sân sau của NH.

Nhưng trái phiếu này là trái phiếu đặc biệt, thưa ông?

+ Trái phiếu là phải có lãi suất, phải có giá trị đáo hạn. Nhưng giá trị đáo hạn của trái phiếu này phải được dựa trên xác suất và giá trị kỳ vọng thu hồi của khoản nợ đó. Như vậy trái phiếu đặc biệt, từ này thực ra chúng ta né tránh từ biên nhận giữ hộ nợ chứ không phải là trái phiếu. Vậy nên trái phiếu chúng ta đang làm cần phải được tái cấu trúc, ít nhất là phải trả lãi, thứ hai phải có giá trị đáo hạn. Mà giá trị đáo hạn của trái phiếu đó phải dựa trên giá trị kỳ vọng của khoản nợ có thể thu hồi được chứ không chỉ giá trị đáo hạn bằng 0. Nếu giá trị đáo hạn bằng 0 là không ràng buộc nghĩa vụ nợ của VMAC với trái phiếu đó.

Lãi suất áp dụng cho trái phiếu bao nhiêu thì phù hợp?

+ Nguyên tắc phải trả lãi phụ thuộc rất nhiều yếu tố như mặt bằng lãi suất hiện nay thế nào, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, lãi suất trái phiếu chính phủ, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như thế nào... Nhưng về nguyên tắc là không thể bằng 0.

. Xin cảm ơn ông

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YÊN TRANG (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN