Nợ công đang tiến sát trần?

Nếu tổng nợ công tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.

Thâm hụt ngân sách cao hơn dự toán

Cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỷ đồng, và bội chi là 249.362 tỷ đồng. So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%. Đáng lưu ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%.

Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013; 6,3% năm 2014; 6,1% năm 2015 và ước tính là 5,5% năm 2016. Tỷ lệ này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, BVSC cho rằng ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.

Theo tính toán của CTCK Bảo Việt (BVSC), áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.

Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ. Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm.

Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng. Tổng áp lực gia tăng nợ công này có thể hiểu là mức tối đa tăng ròng nợ công trong năm 2016 theo kế hoạch, đặt trong giả thiết các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh hoàn toàn phát sinh mới và được cộng dồn vào năm trước .

Nợ công đang tiến sát trần? - 1

Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2016 theo mục đích sử dụng (đvt: tỷ đồng). Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tính toán của BVSC.

Tính đến cuối tháng 7/2016, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 207.379 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP), đạt 83% so với kế hoạch năm. Do vậy, Chính phủ có thể chủ động điều hành kế hoạch vay nợ trong năm 2016. Tuy nhiên, BVSC cho rằng ngay cả khi giả định nguồn huy động từ TPCP đạt kế hoạch, theo Quyết định 1011, Chính phủ vẫn cần huy động thêm tổng cộng 86.000 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và từ tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Nợ công đang tiến sát trần? - 2

Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2016 theo nguồn vay (đvt: tỷ đồng). Nguồn:  Quyết định 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP

Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. So với con số GDP cập nhật của Tổng cục Thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm này là 2.607.960 tỷ đồng. Giả định tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng theo tính toán ở trên, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.

Nợ công đang tiến sát trần? - 3

Áp lực nợ công giai đoạn 2013-2016 (tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và tính toán của BVSC.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo nêu trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công. Tại phiên hợp thường kỳ của Chính phủ tháng 7/2016, Chính phủ nhận định tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này thành hiện thực, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%) vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; hoặc 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản tăng trưởng của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN