Những ngôi nhà "dị dạng" bậc nhất ở Thủ đô
Bộ mặt đô thị trên nhiều tuyến đường mới của Thủ đô đang ngày càng trở nên xấu xí hơn bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo”.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản số 1758/UBND-ĐT về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ, gây phản cảm trước năm 2005. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, bên cạnh những trường hợp cũ, nhiều trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới cũng đang xuất hiện trên các tuyến đường mới.
Điển hình như một công trình có hình khối như "tam giác nhọn" đã xuất hiện tại đoạn đường mới Trần Quý Kiên kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội).
Cũng trên đoạn đường Trần Quý Kiên kéo dài, một số công trình có diện tích vừa nhỏ, vừa méo đang được hình thành.
Tiếp đó, trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều môi nhà "kỳ dị" xuất hiện ngày càng nhiều sau khi công tác GPMB được thực hiện.
Theo tìm hiểu của PV, những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" này được hình thành từ phần còn lại sau GPMB của ngôi nhà cũ.
Trên đường Trường Chinh, công tác GPMB mở rộng tuyến đường đang được triển khai rầm rộ. Tuy nhiên, nhiều phần đất sau giải tỏa chỉ còn rất nhỏ.
Trên thực tế, nhiều ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" đã xuất hiện trên các tuyến đường nghìn tỷ, bởi hệ quả của việc GPMB.
Một ngôi nhà siêu mỏng trên đường Kim Liên đang được sử dụng làm nhà chứa vật liệu xây dựng.
Công trình "chắp vá" đang được đưa vào sử dụng trên đường Trần Khát Chân kéo dài.
Cũng trên đường Trần Khát Chân kéo dài được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, bộ mặt 2 bên đường vẫn còn ngổn ngang, xấu xí bởi những ngôi nhà “không giống ai”.
Những ngôi nhà siêu vẹo, mỏng méo đang biến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác
Một ngôi nhà “toàn mặt tiền” tồn tại sau việc GPMB, cải tạo kênh mương ngõ 139 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội).
Phần đất còn sót lại của một hộ gia đình trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Với lợi thế mặt bằng, một quán cafe được mở ngay trên phần đất nhỏ của đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, trước thời điểm 2015, toàn TP có trên 300 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Sau nhiều năm phối hợp xử lý, tính đến đầu tháng 6.2017, đã “trảm” được 160 công trình. Hiện tại, các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ giảm còn khoảng 132 trường hợp.
Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ở góc độ quản lý, Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo". Với trường hợp có diện tích từ 10 - 15m2, quy mô từ 2 tầng và trên cùng một tuyến ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề (chỉnh trang hợp khối kiến trúc) hoặc cấp phép có điều kiện. Riêng nhà lớn hơn 4m2, nhỏ hơn 10m2, quy mô 3 tầng: hạ độ cao còn 1 tầng. Trường hợp diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2, hiện trạng là nhà 1 tầng: Cho chỉnh trang giữ nguyên trạng tạm thời. Còn các căn hộ “mỏng, méo” dưới 4m2: Xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng. |