Nhộn nhịp chợ buôn tiền những ngày giáp Tết

Gần sát Tết, chợ đổi tiền lẻ, tiền mới càng trở nên sôi động. Mức chênh lệch với tiền mệnh giá càng nhỏ càng lớn với nguồn cung rất dồi dào, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tiếp tục không lưu thông tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Dạo một vòng qua “chợ tiền” trên mạng, nhan nhản các thông tin về dịch vụ đổi tiền thu phí “bao nhiêu cũng có”, từ mệnh giá nhỏ như 200, 500 đồng trở lên. Trên nhiều trang web hay trên các trang mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí ăn chênh lệch từ 10 - 20% tùy thuộc mệnh giá tiền, thậm chí 50% - 70% đối với các loại tiền có mệnh giá 1.000 đồng hay 500 đồng, còn nguyên cọc.

Còn với các điểm đổi tiền lẻ trực tiếp, mức độ công khai dù có phần khép kín hơn, nhưng chỉ cần khách có nhu cầu thì không sợ thiếu. Mức phí đổi tiền giữa các nơi có chênh lệch nhưng không nhiều. Cụ thể, với mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên là 5,3 triệu "ăn" 5 triệu đồng.

Nhộn nhịp chợ buôn tiền những ngày giáp Tết - 1

Nhiều trang web công khai đổi tiền lẻ, tiền mới ăn chênh lệch

Với mệnh giá 10.000 đồng đến 50.000 đồng, phí chênh lệch chiếm 10-18%, số lượng nhiều thì phí đổi sẽ rẻ hơn. Đáng chú ý, mệnh giá càng nhỏ chênh lệch sẽ càng lớn, ví dụ với 5.000 đồng, chênh lệch là 15%, tiền 1.000-2.000 đồng chịu phí 30-40%. 

Riêng tiền mệnh giá 200-500 đồng phí sẽ là 100%, đổi số lượng lớn có thể giảm còn 70%. Trong khi đó, tại các cổng đền chùa, việc đổi tiền đã bớt công khai so với mọi năm, thay vì đổi trực tiếp ăn chênh lệch, một số người bán hàng yêu cầu khách mua đồ lễ hoặc hoa quả với giá cao hơn thông thường.

Thực ra, việc đổi tiền cũng xuất phát từ cung cầu thực tế. Khi người dân chưa thay đổi được thói quen rải tiền lẻ ở đền chùa, thì việc đổi tiền sẽ vẫn diễn ra theo kiểu thuận mua vừa bán. Chính nhưng người có “cầu” đổi tiền lẻ đang tự mình “làm khó” bản thân, tự mình móc túi của mình cho những kẻ trục lợi, chứ không ai ép họ phải đổi tiền lẻ cả. Song, thực tế không phải ai có nhu cầu đổi tiền lẻ cũng vì “lệch lạc” văn hóa cả.

Chị Ánh Hồng- một cán bộ ở Hà Nội cho biết hai vợ chồng chị đều từ quê nhà nông thôn làm ruộng lên Hà Nội lập nghiệp. Tất cả anh em họ hàng hai bên nội ngoại đều ở quê nên năm nào chị cũng phải về ăn Tết. Cả năm đi biền biệt, Tết về gặp người già, trẻ nhỏ trong họ không thể không rút tiền ra mừng tuổi. Cán bộ làm công ăn lương, mừng tiền lớn thì không có nên phải cố xoay bằng được tiền lẻ.

Với các cụ già và em nhỏ ở quê, mừng 5.000 hay 10.000 họ sẽ không quá chú trọng, nhưng nếu đó là tờ tiền còn thơm mùi giấy mới sẽ niềm vui sẽ nhân đôi. Vì thế, đổi cho mình còn chưa đủ, chị còn phải đổi giúp tiền lẻ để ông bà, cô chú mừng tuổi các cháu. 

Khách VIP ngân hàng thì không đến lượt, thế nên năm nào chị cũng phải lọ mọ tìm các điểm đổi tiền, cắn răng chấp nhận trả thêm chênh lệch để có được tiền mới. “Tôi không có thói quen đi chùa, nên không dùng tiền lẻ, tiền mới theo cách phản cảm, nhưng phong tục mừng tuổi tiền mới là văn hóa. Đáng tiếc là nhu cầu chính đáng của những người như tôi vẫn đang bị “làm giá”, chị Hồng than thở.

Theo thông tin từ NHNN, chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ được thực hiện từ năm 2013. Để thực hiện chủ trương này, NHNN cũng đã có các biện pháp tuyên truyền để người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích để hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội. 

Đáng chú ý, theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.

Đại diện NHNN cho biết cơ quan này đã có công văn yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải khất, hoãn, chi trong giao dịch thanh toán làm ảnh hưởng xấu đến lưu thông tiền tệ; đảm bảo cung ứng tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. 

Đặc biệt, NHNN yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN Trung ương chỉ để phục vụ mục đích đối ngoại, hoặc đổi cho tổ chức, cá nhân mà không phục vụ nhu cầu lưu thông. Được biết, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có ngân hàng nào khất hay hoãn chi trả tiền mặt, lùi thời gian chi trả với lý do không đủ tiền mặt, kể cả tiền mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng cũng không hề thiếu, chỉ khan hiếm tiền mới mà thôi. 

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tuyệt đối không găm giữ tiền mới để trục lợi. Đồng thời các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đổi, gom và chuyển tiền mới mệnh giá nhỏ từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc các tỉnh phía nam ra phía bắc phục vụ nhu cầu lễ hội, đền chùa dịp Tết.

Chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ chắc chắn là hợp lý. Không kể chuyện tiết kiệm tới 2.200 tỷ đồng, thì rõ ràng việc giúp người dân thay đổi thói quen dùng tiền lẻ đi rải khắp các ban bệ ở chùa chiền gây phản cảm, lãng phí là điều cần triệt để thực hiện. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đã 5 năm, NHNN công bố không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, và thực tế thì trong hệ thống ngân hàng, tình trạng khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ là có thực, nhưng trên thị trường “chợ đen”, việc trao đổi vẫn diễn ra công khai và bao nhiêu cũng có. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đang trục lợi bất hợp pháp từ một chủ trương rất hợp lý. 

Vậy nguồn tiền này từ đâu ra? Xem ra với cách giơ cao đánh khẽ này, chủ trương của NHNN vẫn sẽ mãi là chủ trương, người cần chính đáng vẫn phải chịu phí cắt cổ, còn nhưng kẻ trục lợi vẫn nhởn nhơ kiếm ăn theo mùa. Câu hỏi xin chuyển đến NHNN, mong sớm có câu trả lời cũng như giải pháp chấn chỉnh để tránh năm nào cũng tái diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Thúy (CAND)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN