NHNN: Không nhất thiết phải bình ổn giá vàng

Ngày 8- 11, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 với mục tiêu GDP tăng 5,5%, lạm phát khoảng 8%.

Lạm phát thấp hơn năm 2012

Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…

Để thực hiện những mục tiêu này, Quốc hội (QH) yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý.

“Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân” - Nghị quyết nêu rõ.

QH cũng yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, đời sống của nhân dân, chi tiêu ngân sách nhà nước, giảm hội họp, hạn chế tổ chức lễ hội, kỷ niệm thành lập ngành, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài bằng nguồn ngân sách, kể cả đối với các DN có vốn chủ sở hữu nhà nước nắm quyền chi phối.

NHNN: Không nhất thiết phải bình ổn giá vàng - 1
Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Không nhất thiết tổ chức bình ổn giá vàng

Trong Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, việc chênh lệch giá này không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”, cũng không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới.

Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động giá vàng.

Về việc tổ chức bình ổn vàng, Báo cáo của NHNN cho biết, trước đây khi chênh lệch giá vàng ở mức 400.000 đồng/lượng, NHNN phải can thiệp thị trường vàng do hoạt động mua gom ngoại tệ trên thị trường để nhập lậu vàng gây bất ổn thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Đến nay, sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, thị trường vàng trong nước đã được quản lý chặt chẽ, vàng miếng không phải là một mặt hàng thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích nắm giữ.

Giá cả của mặt hàng này sau khi có Nghị định 24 không còn tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường ngoại tệ và tỷ giá, do đó không nhất thiết phải tổ chức bình ổn giá vàng.

Để xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng phục vụ nền kinh tế.

“NHNN sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho các DN và tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 24 được mua bán vàng miếng”- Báo cáo của NHNN cho biết.

Một số NH báo cáo lãi, thanh tra thấy lỗ

Báo cáo của NHNN cũng cho biết, việc cơ cấu lại khu vực ngân hàng, đặc biệt là cơ cấu lại các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm.

Trong đó, quá trình lựa chọn phương án, đặc biệt là phương án tự củng cố, chấn chỉnh của các NH đòi hỏi phải có thời gian, phụ thuộc vào năng lực của các đối tác tham gia, ý chí của các bên liên quan để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý hiện hành chưa điều chỉnh được một cách toàn diện tính đa dạng, phức tạp của thực tiễn, đặc biệt là khi áp dụng với NH yếu kém, cần xử lý khẩn trương để hạn chế tổn thất từ kinh doanh thua lỗ, từ tình trạng mất thanh khoản diễn ra từng ngày. Do vậy, việc tái cơ cấu lại các NHTM cổ phần yếu kém cũng gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, để hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đang xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ Đề án thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung với quy mô lớn, trong đó, tập trung xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng. Chương trình thanh tra năm 2012 được NHNN triển khai rất quyết liệt với 32 TCTD được thanh tra toàn diện.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật, rủi ro gây mất an toàn hoạt động NH như: Vi phạm quy định an toàn cấp tín dụng và hoạt động NH; sở hữu vốn của NHTM cổ phần quá mức quy định…

“Hầu hết các TCTD đều bị giảm kết quả kinh doanh sau thanh tra do phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Nhiều NHTM cổ phần báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế là bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ. Ví như, NHTM cổ phần Nam Việt, Tiên Phong, Đại Tín, Phương Tây, Dầu khí toàn cầu, Nhà Hà Nội đã phải thực hiện củng cố, chấn chỉnh sáp nhập, hợp nhất.

NHNN cũng cho biết, đã tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định pháp luật.

Tính đến cuối tháng 8-2012, số dự phòng rủi ro đã được các TCTD trích lập chưa sử dụng là 72.907 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm 2012, số nợ xấu được các TCTD xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro đạt gần 8.000 tỷ đồng.

Trong Báo cáo vừa gửi các ĐBQH, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại vẫn chưa xác định thời hạn cụ thể thẩm định, phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Quan điểm của Bộ Công Thương là qua thẩm định, nếu thấy ảnh hưởng không có lợi về môi trường sinh thái, xã hội…thì không nên triển khai dự án.

Báo cáo của Bộ Tài chính về chất vấn và trả lời chất vấn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2012 đã thanh, kiểm tra tại 1.172 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết với tổng số truy thu, truy hoàn, phạt 394 tỷ đồng, giảm khấu trừ 79 tỷ đồng và giảm lỗ 2.433 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN