Nhiều ngân hàng khó đủ “sức khỏe” để lên… sàn
Các NHTM phải khẩn trương lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong năm 2015. Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Đề án 254, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và cũng là văn bản riêng vừa được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên, 20 NHTM còn lại đồng loạt lên sàn 2015 hay không? Câu hỏi còn… bỏ ngỏ.
Tiếc vì đánh mất cơ hội
Thực ra, đây cũng không phải lần đầu tiên kể từ khi Đề án này ban hành cơ quan quản lý “nhắc nhở” các NH câu chuyện lên sàn. Vào cuối năm 2013, TTCK đã “nóng” với thông tin UBCK và NHNN đã thống nhất đề xuất lên Chính phủ chủ trương “thúc” các NH đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và kiểm soát được tỷ lệ sở hữu, giảm dần tình trạng sở hữu chéo. Sau đó gần 1 năm, khi thấy các NH không có động tĩnh gì, đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả các NHTM phải lên niêm yết. Thực tế thời gian qua, không ít các NH cũng đã đánh tiếng về kế hoạch lên sàn, nhưng thực tế vài năm nay điểm lại chưa NH nào ghi tên chính thức trên 2 sàn Hose, HNX.
Lên sàn ngân hàng sẽ minh bạch hoạt động lỗ lãi hơn. Ảnh: Như Ý.
Việc các NH chưa thể lên sàn trong giai đoạn vừa qua được nhận định do bối cảnh TTCK vẫn còn nhiều khó khăn. Và nhóm cổ phiếu (CP) NH cũng không ngoại lệ. Thậm chí nhóm CP này bị ảnh hưởng mạnh hơn sau một thời gian tăng trưởng quá nóng cùng với kết quả kinh doanh còn èo uột. Có những CP nhất là CP trên thị trường OTC giảm xuống dưới mệnh giá. Đó cũng là lý do các cơ quan chức năng chưa có quyết định cụ thể về việc bắt buộc các NH đại chúng phải lên sàn mà chỉ dừng lại ở động thái “nhắc nhở”. Liệu có phải chính từ sự nhân nhượng của cơ quan quản lý khiến các NH chây ì? CEO một NH bày tỏ, có 3 nhóm lý do chính khiến thời gian qua các NH chưa thể lên sàn. Đó là sự sẵn sàng về độ minh bạch. Điểm nữa là tốc độ khắc phục tồn tại yếu kém. Một vấn đề quan trọng nữa là cân nhắc quyền lợi của cổ đông - yếu tố quyết định đến việc NH có lên sàn hay không. Về lý thuyết, việc lên sàn giúp các khoản đầu tư của cổ đông được minh bạch hơn. Nhưng thực tế không phải cổ đông nào cũng mong muốn điều này.
Vị CEO này lấy ví dụ từ thực tế. Vào thời điểm năm 2006 – 2007 khi vị này đang làm lãnh đạo tại VIB. Lúc bấy giờ tình hình tài chính cực kỳ sạch, những tồn tại cũ hầu như rất ít và có uy tín trên thị trường NH và HĐQT NH này đã quyết định lên sàn và cũng đã được Đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, đến phút chót, một số cổ đông không đồng ý và NH đã lùi vô thời hạn kế hoạch lên sàn. “Đến giờ phút này tôi cũng không hiểu vì sao VIB lại không lên sàn lúc bấy giờ. Có thể nói thời điểm đó tài chính của VIB minh bạch hơn cả những NH lên sàn thành công ACB, Sacombank”, vị này bày tỏ sự tiếc nuối. Nhấn mạnh việc lên sàn là điều kiện cần thiết để minh bạch thông tin, tăng tính hấp dẫn cho CP NH đối với các NĐT, nhưng vị CEO NH trên phải thừa nhận thực tế, việc này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhất là từ phía các cổ đông có thể vì những lý do khác nhau mà họ không hào hứng với việc các khoản đầu tư của mình được minh bạch hóa.
20 ngân hàng có lên hết?
Dẫu còn nhiều lý do, nhưng kế hoạch lên sàn không thể trì hoãn được mãi. Điểm lại trên cả 2 sàn chứng khoán mới có gần chục NH niêm yết như VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MB... Như vậy, còn hơn 20 NH phải lên sàn trong năm nay. Việc NHNN đưa ra thông điệp ngay từ đầu năm “nhắc nhở” các NH phải nhanh chóng nhập cuộc hiện thực kế hoạch này. Về việc yêu cầu NH khẩn trương niêm yết trên TTCK, bên cạnh việc tăng minh bạch hóa thông tin, giảm bớt tình trạng sở hữu chéo, theo TS Cấn Văn Lực, điều này còn giúp cho các NH thoái vốn theo đúng quy định của NHNN tại Thông tư 36. Bởi lẽ, để thoái vốn thành công việc định giá có vai trò rất quan trọng. “Vì định giá tài sản qua CP niêm yết trên sàn chắc chắn sẽ giúp các NH thoái vốn đơn giản hơn nhiều”, TS Lực khẳng định.
Dù có muốn cố để kịp lên sàn mấy thì ngân hàng phải tuân thủ những điều kiện của thị trường chứ không phải chỉ chuyện riêng của NH muốn là lên được. TS Trần Du Lịch |
TS Trần Du Lịch đồng tình đây là một định hướng tốt của NHNN để thúc các NH phải hoàn thành nghĩa vụ của DN đại chúng. Song, theo quan điểm của ông Lịch thì nên dùng các biện pháp kinh tế sẽ bền vững hơn là hành chính. Và thời điểm này các NH vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu khó có thể có được một cơ thể khỏe mạnh để lên sàn được. “Dù có cố NH phải tuân thủ những điều kiện của thị trường chứ không phải chỉ chuyện riêng của NH muốn là lên được”, TS Lịch khẳng khái nói.
Và vị này nhấn mạnh một lần nữa câu chuyện lên sàn của DN nói chung, NH nói riêng nên khuyến khích các biện pháp kinh tế, chứ không nên hành chính hóa. Vì không phải chỉ là câu chuyện riêng của NH nên TS Lịch cho rằng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác. Cụ thể, TS Lịch đề xuất, đối với DN đại chúng trong đó có NH lên sàn thuế thu nhập DN sẽ thấp hơn những công ty chưa lên sàn. Có như vậy, thì mới khuyến khích các DN nói chung, NH nói riêng tích cực lên sàn hơn. Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý (NHNN) đối với các NH trong thời gian tới bằng các biện pháp kinh tế hỗ trợ các NH có điều kiện tốt hơn để niêm yết trên sàn cũng rất cần thiết. Ví như tăng hạn mức tín dụng, sử dụng công cụ tái chiết khấu...
Việc các NH chưa thể lên sàn trong giai đoạn vừa qua được nhận định do bối cảnh TTCK vẫn còn nhiều khó khăn. Và nhóm CP NH cũng không ngoại lệ. Thậm chí nhóm CP này bị ảnh hưởng mạnh hơn sau một thời gian tăng trưởng quá nóng cùng với kết quả kinh doanh còn èo uột. Có những CP nhất là CP trên thị trường OTC giảm xuống dưới mệnh giá.