Nhà xã hội sẽ đại hạ giá nhờ ...gạch?

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng gạch không nung vào xây dựng nhà ở xã hội sẽ tiết kiệm thời gian, giảm giá thành.

Giảm 50%

Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội cho biết, vừa qua nhà thương mại sốt với những căn hộ chung cư ở Đại Thanh, Kim Văn- Kim Lũ với giá 10 - 15 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư vẫn có lãi. Với những ưu đãi của Nhà nước về tiền sử dụng đất, lãi vay cộng thêm áp dụng những vật liệu xây dựng tiết kiệm như gạch không nung sẽ khiến giá nhà xã hội giảm chỉ bằng một nửa giá nhà thương mại đó.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, gạch nung sẽ được thay thế hoàn toàn bằng gạch không nung.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong một hội nghị về vật liệu xây dựng đã thẳng thắn cho biết, nếu dùng đất nung thì sẽ mất nhiều đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trong đến an ninh lương thực, và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái, hậu họa của thiên tai. Và nghiêm trọng hơn còn gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả dài lâu. Thứ trưởng khuyến khích sử dụng gạch không nung trong xây dựng để hạn chế các nguyên nhân trên, đồng thời góp phần giảm giá thành xây dựng.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nếu áp dụng đồng bộ từ gạch không nung cho đến sơn vào nhà xã hội, giá sẽ giảm 50% so với giá thành xây dựng hiện nay.

Nhà xã hội sẽ đại hạ giá nhờ ...gạch? - 1
Kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ đại hạ giá nhờ công nghệ xây dựng mới. Ảnh: N.M.

Từ khuyến khích đến bắt buộc

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc tạo cơ chế đồng bộ cho vật liệu xây dựng không nung cần phải đẩy nhanh hơn vì những mục tiêu xã hội hết sức tốt đẹp. Có một thực tế, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy được nhiều lợi thế từ sản phẩm vật liệu không nung.

Tuy nhiên do thói quen sử dụng gạch nung cho việc xây dựng nhà và các công trình dân dụng chiếm 93% nên ban đầu sản phẩm tiêu thụ rất khó khăn. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là ưu đãi trong vay vốn, giảm thuế… chưa hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất; chưa ban hành được đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.

Lãnh đạo Công ty An Thái chuyên sản xuất gạch không nung phân tích, gạch bê tông khí chưng áp là loại gạch được sản xuất bằng công nghệ cao, với vốn đầu tư lớn. Gạch có nhiều ưu việt như trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt....

Ở Nhật Bản, một đất nước thường xuyên xảy ra động đất thì sản phẩm AAC càng được sử dụng phổ biến. Gạch AAC có tính năng kháng chấn nên sau trận động đất, các bức tường xây bằng AAC vẫn nguyên vẹn. “Chúng tôi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực gạch không nung nhưng hiện nay do thị trường BĐS đóng băng nên lượng tiêu thụ gạch giảm sút.

Điều đặc biệt là nếu áp dụng gạch không nung vào xây nhà xã hội sẽ giảm giá thành xuống nhưng cho đến nay dù có lộ trình xây dựng gạch không nung thay thế gạch thường nhưng vẫn chưa có chủ đầu tư nào mạnh dạn sử dụng gạch không nung. Chúng tôi mong Nhà nước nên có chính sách mạnh hơn nữa để những doanh nghiệp đi đầu như chúng tôi không bị chết yểu”, vị này nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN